“Bản giao hưởng” đậm chất nữ tính của điện ảnh Nhật Bản

Phong Linh
23/05/2022 - 19:00
“Bản giao hưởng” đậm chất nữ tính của điện ảnh Nhật Bản

Cảnh trong phim “Cõi nước”

Phim “Cõi nước” (tựa gốc: Still the water) là một bộ phim tâm lý Nhật Bản của nữ đạo diễn Naomi Kawase. Phim được chọn để tranh giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes năm 2014. Bộ phim được quay tại thành phố Amami, thuộc tỉnh Kagoshima, Nhật Bản, vào năm 2013.

Bộ phim là một bản giao hưởng đậm chất nữ tính của Naomi, đã khảo sát bản chất các mối quan hệ giữa con người và con người, nơi mà các giá trị truyền thống và bản sắc của tự nhiên vẫn đang hiện diện một cách mãnh liệt, thông qua lời kể chuyện của 2 nhân vật Kaito và Kyoko.

Dưới con mắt của 2 người trẻ tuổi, từng góc khuất của các nhân vật đều được bày tỏ. Đó là nỗi đau của một người đàn bà còn nhiều lưu luyến với cuộc sống nhưng lại mắc căn bệnh hiểm nghèo không thể tiếp tục sống. Đó là sự cô đơn của một đứa trẻ lớn lên không cha. Là những con người nhỏ bé, chới với khi đứng trước sự bạo liệt, dữ dội của biển cả… Ở đó, câu chuyện của con người từng bước được bóc tách, vừa dịu dàng vừa day dứt vô cùng.

Đời sống ở nơi này đang ngày càng cằn cỗi và bất an. Và đời sống thật cần những đứa trẻ như Kaito và Kyoko, họ đang tuổi khao khát, tìm kiếm và yêu đương. Họ đầy bồng bột, nổi loạn nhưng họ sẵn sàng dấn thân. Bởi thế, vượt qua khỏi những âu lo, sợ hãi, 2 đứa trẻ đã dần khám phá ra bí mật ẩn giấu bên trong biển cả. Nó khơi lên tình yêu và lòng biết ơn sâu sắc.

Bằng cách kể chuyện chậm rãi, đạo diễn Naomi đã từng bước thể hiện thật tinh tế những diễn biến tâm lý của các nhân vật, đặc biệt là Kaito và Kyoko. Từ 2 đứa trẻ chạy trốn số phận, khước từ khám phá bản thân, họ đã từng bước trưởng thành, từng bước khám phá bản thân và nhận ra được mối liên kết với biển cả.

Một câu chuyện thoạt nhìn có vẻ là câu chuyện phổ biến ở bất kỳ một thị trấn nào, song nó cũng đem đến những gợi mở quá đỗi riêng tư. Từng số phận bắt nối trong mỗi khung hình đều khiến ta rung rung cảm động.

Tựa đề của bộ phim nếu dịch theo tên nguyên gốc của tiếng Nhật sẽ là "Ô cửa sổ thứ hai", nó cũng rất phù hợp với những ẩn dụ mà bộ phim truyền tải. Cuộc sống thực sự sẽ khác đi nếu như ta đứng ở một vị trí khác? Chẳng phải là cuộc đời này, mỗi người đều có một kiến giải khác nhau hay sao? Nó khiến bộ phim trở nên đa chiều và sâu thẳm.

Xuất thân từ một đạo diễn phim tài liệu, cách kể chuyện của Naomi mang đậm chất tự sự nên ngay ở bộ phim này, bà như thong thả đưa ra từng khung cảnh, câu chuyện và để người xem tự cuốn vào, rồi tự mình chiêm nghiệm. Nó khiến cho người xem có được những cảm xúc chân thật, gần gũi nhất.

Khi xem bộ phim và nghĩ về nó rất nhiều, tôi đã quyết định dịch tên phim là "Cõi nước". Một bộ phim của mênh mông những số phận biển cả. Ở nơi đây, biển và con người có mối liên kết không thể đứt lìa. Mọi xúc cảm đều bắt đầu và kết thúc ở biển. Biển trở thành nhân vật trung tâm kết nối đời sống.

Chia sẻ về bộ phim, đạo diễn Naomi đã tự hào nói: "Tôi tin rằng đây là bộ phim tinh tế nhất của mình". Với tư cách người xem, theo dõi Naomi từ những bộ phim đầu tay, tôi đồng ý với bà. Naomi đã bày tỏ trọn vẹn tình yêu và sự trân trọng đối với đời sống trong từng khung hình của bộ phim "Cõi nước". Nó đem đến một cõi mênh mông tình cảm, đầy tình yêu và day dứt. Nó khiến ta khắc khoải khôn nguôn về đời sống, về con người, về hành trình của chính ta.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm