Đây là những nội dung được đưa ra tại cuộc họp báo ngày 21/11, thông tin về hội nghị cấp cao “Chính sách phát triển toàn diện trẻ em” sẽ diễn ra vào ngày 23/11. Hội nghị quan trọng này do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ LĐTB&XH và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc phối hợp tổ chức nhân dịp 30 năm (1989) Việt Nam phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em.
Thông tin tại cuộc họp báo, ông Tạ Văn Hạ - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Phát triển toàn diện trẻ em năm 2019 tại Hà Nội vào đầu tháng 12 sắp tới. Đây là một Hội nghị quốc tế tập trung hàng ngàn chính khách, nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia cao cấp của các tổ chức Liên Hiệp Quốc, của hơn 40 quốc gia tụ hợp về để cùng thảo luận về những vấn đề của trẻ em.
“Vì vậy, Hội nghị về Chính sách phát triển toàn diện trẻ em sắp tới sẽ có ý nghĩa đặc biệt và là dịp để các ĐBQH, UBND các tỉnh thành cùng trao đổi về “Chính sách phát triển toàn diện trẻ em”, tăng cường cam kết thực hiện quyền trẻ em. Qua đó làm rõ thực trạng, xác định nguyên nhân, chỉ ra các giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển toàn diện trẻ em, bảo đảm nguyên tắc “Vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em” – ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Ba vấn đề lớn được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị cấp cao này bao gồm:
Một là, chính sách phát triển toàn diện trẻ em trong độ tuổi 0-8 tuổi. Hội nghị mong muốn Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn và kịp thời tháo gỡ, bổ sung các điều kiện về cơ sở vật chất, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho những người trực tiếp chăm nuôi, bảo vệ và chịu trách nhiệm giúp trẻ nhỏ phát triển toàn diện, thúc đẩy để Đề án nhanh chóng được triển khai hiệu quả trong thực tiễn.
Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các bộ ngành trung ương, sở ngành, phòng ban, chính quyền các địa phương trong nhiệm vụ phối hợp để xây dựng tiêu chí, chính sách phù hợp cho từng nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các nhóm trẻ em chưa đủ điều kiện để thực hiện quyền của mình...
Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách liên quan đến nhóm vị thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Hiện Quốc hội đang thảo luận Luật Thanh niên, các em nhóm tuổi này vừa là thanh niên, vừa là trẻ em theo Công ước Quốc tế. Một số ĐBQH đã đề nghị Quốc hội điều chỉnh độ tuổi trẻ em theo Công ước để trình đồng thời cùng với Luật Thanh niên tại kỳ họp thứ 9. Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cũng đã hoàn thiện Đề tài nghiên cứu về nội dung này nhằm giúp các em có nhận thức, hiểu biết sâu sắc về sự phát triển bản thân, về giới tính...để các em được bảo vệ và phát triển toàn diện khi bước vào tuổi trưởng thành.
Việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em trong Luật trẻ em cho phù hợp với Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em sẽ đem lại lợi ích thiết thực để phát triển toàn diện trẻ em. Vấn đề này đã được Chính phủ trình Quốc hội khi thảo luận về Luật trẻ em 2016 nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều ĐBQH.
Ba là, việc lồng ghép chỉ tiêu về bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phân bổ ngân sách Nhà nước. Việc lựa chọn những chỉ tiêu quan trọng, phù hợp để đưa vào hệ thống chỉ tiêu KTXH của đất nước sẽ được các đại biểu xem xét, thảo luận, lựa chọn các chỉ tiêu ưu tiên đối với trẻ em để đề xuất lồng ghép vào Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp quốc gia và mỗi cấp địa phương sao cho phù hợp.
Hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 23/11/2019 tại Hà Nội, dự kiến thu hút hơn 100 đại biểu, diễn giả tham dự.