Bản tình ca kéo dài suốt 5 thập kỷ "tan vỡ" vì Covid-19

Nhu Thụy
22/04/2020 - 11:07
Bản tình ca kéo dài suốt 5 thập kỷ "tan vỡ" vì Covid-19
Câu chuyện tình yêu của ông Howard Smith (76 tuổi) và bà Lois Kittson (77 tuổi) đã bắt đầu như một bản ballad lãng mạn năm 1970 ở "kinh đô ánh sáng" Paris (Pháp). Suốt 5 thập kỷ qua, cả hai chưa bao giờ rời nhau, vậy mà giờ đây ông lo sợ đôi lứa chia xa vì lệnh cách ly chống dịch. Chỉ một con virus nhỏ nhoi mà trở thành bức tường vô hình đáng sợ nhất trong cuộc đời ông…

Họ gặp nhau ở Paris hoa lệ năm 1970 và gắn chặt đời nhau. 50 năm trôi qua trong hạnh phúc bình dị mà ông ngỡ như 50 phút ngắn ngủi vì định mệnh đã "kết tóc xe tơ". Ông vẫn yêu say mê người bạn đời dẫu bà dần mất đi ký ức do căn bệnh Alzheimer và được chăm sóc tại một viện dưỡng lão ở New York (Mỹ). Ngày ngày ông vẫn đến bên vợ để chở che, chăm sóc.

Tình yêu bình dị mà bền chặt

Ông Howard là một họa sĩ vẽ tranh trừu tượng, còn bà Lois là nhà sử học mỹ thuật. Họ gặp nhau, yêu nhau và kết hôn trong thời gian ngắn ngủi chỉ sau câu nói của Lois: "Anh vẽ tranh nhé, còn em sẽ kiếm tiền".

Ông Howard Smith và bà Lois Kittson trải qua 50 năm bên nhau

Ông Howard Smith và bà Lois Kittson trải qua 50 năm bên nhau

Họ sống một cuộc đời bình dị với một vườn hoa nhỏ theo sở thích của bà Lois. Với ông Howard, người vợ của mình vừa là giáo viên, bác sĩ, vừa là đầu bếp, chuyên gia tư vấn tài chính... Bất kể vai trò nào, bà Lois cũng làm được. 50 năm trôi qua trôi qua trong hạnh phúc êm ả mà ông ngỡ như 50 phút ngắn ngủi vì ông đã tìm được "một nửa cuộc đời" bằng tình yêu chân thật. Suốt 5 thập kỷ qua, cả hai chưa bao giờ rời nhau.

Nhiều năm sau khi họ trở về từ Paris và sống ở một căn gác xép của nghệ sĩ ở trung tâm thành phố Manhattan, cặp vợ chồng đã nghĩ việc sinh con nhưng bà Lois bị sảy thai. Năm 1994, cặp đôi nhận con gái nuôi đến từ Trung Quốc tên Laurel khi cô bé mới 1 tuổi. Trong nhật ký vào Ngày của Mẹ năm 1998, bà Lois đã ghi: "Chúng tôi đã có một sự khởi đầu đặc biệt". Đó là ngày mà đứa con gái Laurel 4 tuổi tự mang bữa sáng bao gồm bánh rán socola, ly socola đá và cà phê nóng lên giường. Ngoài ra, bà Lois còn muốn viết để cho con gái đọc vào ngày nào đó và hy vọng sẽ nói cho con biết về quá khứ của mình.

Những cử chỉ dịu dàng ông Howard dành cho người vợ bị mất trí nhớ

Bà Lois có một cơ sở làm đồ trang sức. Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, có một đêm bà bị co giật và bắt đầu trở nên đãng trí. Năm 2008, bà Lois bị chẩn đoán mắc bệnh động kinh. Đầu năm 2010, bà tiếp tục bị chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer. "Mọi thứ đều thay đổi. Nhưng tôi chỉ thực hiện những điều chỉnh trong cuộc sống công việc và những bức tranh để có thể ở bên bà ấy, chăm sóc bà ấy", ông Howard trải lòng.

Rồi một ngày, bà Lois hỏi chồng: "Ông là ai?" khi Howard đang giúp vợ mình tắm rửa. Ông Howard đau đớn khi chứng Alzheimer khiến bà Lois gần như quên hết mọi thứ. Từ năm 2010 đến 2015, ông tận tụy chăm bà, không để một bữa nào vợ bị đói, không sạch sẽ nhưng khi càng yếu, bà Lois càng bất hợp tác không cho người khác chăm sóc. Để tiện chăm sóc vợ, ông Howard và con gái nuôi Laurel (27 tuổi) đã đưa bà Lois đến viện dưỡng lão năm 2015. Trước khi bà được chuyển đến viện dưỡng lão năm 2015, ông Howard đã đưa bà đến Paris lần cuối để ôn lại kỷ niệm cũ.

Sau khi chuyển đến viện dưỡng lão, tình hình sức khỏe của bà Lois bước vào giai đoạn tồi tệ hơn. Vào thời điểm đó, các nhân viên điều dưỡng nói với ông Howard rằng không biết bà sẽ cầm cự được bao lâu. Thật ngạc nhiên, khi những chuyến viếng thăm thường xuyên của ông Howard lại trở thành động lực cho bà Lois và có thể hồi phục bất ngờ. "Tôi không nghĩ mọi người có thể nhận ra được bà ấy kiên cường như thế nào", ông nói.

Mỗi ngày, cứ sau bữa sáng, ông Howard lái xe đến chăm sóc vợ viện dưỡng lão New Paltz ở thung lũng sông Hudson. Đều đặn 6 ngày mỗi tuần, Howard đưa giúp bà tập luyện cơ thể, đưa bà ra ngoài tắm nắng, để hít thở không khí trong lành. Ông giúp bà đánh răng và lau mắt để giúp giảm viêm. Ông Howard đã mở cho bà Lois nghe những bản nhạc cổ điển, đọc sách cho bà nghe và đôi khi nắm lấy tay bà. "Chúng tôi vẫn có thể giao tiếp với nhau theo một cách khác", ông Howard trải lòng. Mỗi lần ông ghé thăm, bà sẽ mở mắt và cười với ông.

Bức tường ngăn cách

Ông Howard chưa bao giờ nghĩ có ngày dịch Covid-19 diễn ra thế này. Bà Lois ở viện dưỡng lão và ông thì không thể đến gặp. Howard Smith là một họa sĩ vẽ tranh trừu tượng, ông dành phần lớn cuộc đời mình để tập trung vào các chi tiết và thói quen nhỏ. Các bảng màu giống như đơn sắc của ông thường bao gồm hàng nghìn nét cọ lặp đi lặp lại. Các nhà phê bình đã xem tác phẩm của ông là một sự nỗ lực tỉ mỉ để kiểm soát sự hỗn loạn. Tuy nhiên, giờ ông Howard không còn tỉ mỉ trong các tác phẩm của mình nữa mà ông đang nghĩ về khoảng cách mà ông xa vợ mình là bao nhiêu: Đó là 23,7 miles (hơn 38km) và đặc biệt đã 31 ngày ông không gặp được bà. Ông sợ hết cuộc đời này ông không còn được gặp bà Lois nữa.

Ông Howard nghĩ về vợ mỗi ngày

Ông Howard nghĩ về vợ mỗi ngày

Từ khi chính phủ Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19, tại các viện dưỡng lão, nơi đối tượng người lớn tuổi khó đủ sức đối mặt với dịch bệnh, vấn đề kiểm soát dịch càng phải được coi trọng. Chỉ riêng New York, đã có hơn 4.000 ca mắc COVID-19 ở 312 trong số 613 viện dưỡng lão. Con số này đang tăng lên và ban quản lý viện dưỡng lão đã không đồng ý để những người như ông Howard đến chăm sóc người thân.

Ông Howard chưa bao giờ rời xa vợ của mình dù sự xuất hiện của ông bây giờ cũng chẳng để lại trong tâm trí bà thêm một ký ức nào. Ông nói những ngày qua, lòng ông như lửa đốt khi nghe có ca nhiễm tại viện dưỡng lão của Lois và vợ ông bắt đầu chán ăn. Chỉ một con virus nhỏ nhoi mà trở thành bức tường vô hình đáng sợ nhất trong cuộc đời ông…

Cuộc sống với ông bây giờ không còn ý nghĩa nữa. Việc ông tồn tại ở nhà chỉ có giá trị với bầy mèo vì ông phải cho chúng ăn. Thể xác của ông ở nhà nhưng linh hồn, trái tim đã đặt nơi khác. Bà của ông Howard đã qua đời trong trận dịch cúm Tây Ban Nha năm 1928 ngay sau khi sinh ra mẹ ông. Điều này đã khiến ông bị ám ảnh, đặc biệt là bây giờ, ông không biết khi nào mới có thể gặp lại bà Lois lần nữa.

Gia đình êm ấm thuở trước

Nhớ đến gia đình êm ấm thuở trước

Laurel, cô con gái nuôi người Trung Quốc lo lắng cho tình trạng của cha mẹ mình. Cô nói cha cô đã quá quen thuộc với việc chăm sóc mẹ mỗi ngày nên cô lo ông sẽ không chịu được cảm giác một mình trong căn nhà nhìn đâu cũng thấy bóng dáng của mẹ. "Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cha, về tình cảm cha dành cho mẹ. Thật đáng sợ khi nghĩ đến tình huống cha không thể gặp mẹ. Cha tôi sẽ rất sốc", Laurel nói.

Ông Howard chia sẻ rằng ông đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất nhưng hoàn toàn không mong muốn điều đó xảy ra. Tại một số viện dưỡng lão, ban quản lý cho người nhà đến nhìn ngắm người thân lần cuối dù họ đang khỏe mạnh hay có dấu hiệu nhiễm bệnh. Riêng với Howard, ông nói rằng nếu được đến, ông sẽ không gặp bà với tâm thế sẽ chia tay vĩnh viễn mà ông sẽ vực bà dậy và nói: "Anh biết, Lois của anh kiên cường như thế nào!".

Vẽ tranh để quên nỗi lo trong lòng

Vẽ tranh để quên nỗi lo trong lòng

Một mình ở nhà, ông Howard lục lại những bức ảnh, những mục nhật ký hàng chục năm tuổi để tìm về ký ức tươi đẹp ngày xưa. Ông Howard nhớ lại, lần đầu tiên ông nhìn thấy bà Lois tại phòng trưng bày Ileana Sonnabend. Khi đó, bà Lois là một nhà sử học nghệ thuật người Canada (27 tuổi) xinh đẹp, vừa làm việc ở đó, vừa học guitar cổ điển và tham gia khóa học nấu ăn tại L'Institut Cordon Bleu. Sự tự tin của bà Lois trong cách giao tiếp, như việc nói thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh khi trò chuyện với khách hàng, đã khiến ông Howard như chìm đắm. "Lần đầu tôi gặp, Lois chỉ mới 27 tuổi với nụ cười tỏa nắng luôn nở trên môi. Lois có kiến thức rộng về lịch sử, am hiểu hội họa và rất khéo léo để thu hút người khác. Giờ tại viện dưỡng lão, có một "câu lạc bộ" người hâm mộ nụ cười của bà ấy đấy", ông Howard tự hào nói.

Nguồn: Reuters
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm