pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Băng đảng dụ dỗ" - Nỗi ám ảnh của các cô gái ở xứ sở sương mù

Nỗi sợ băng đảng dụ dỗ
Tìm kiếm công lý
Từ tháng 1/2025, trên các mạng xã hội, cụm từ #JusticeForSurvivors (công lý cho người sống sót) và #GroomingGangs trở thành xu hướng. Nhiều nạn nhân trước còn giấu giếm, nay mới dám lên tiếng, kể lại quá khứ bị chối bỏ và cầu cứu trong vô vọng.
Bộ Nội vụ Anh đã công bố quyết định tái điều tra toàn diện các vụ việc từng bị chỉ trích là "bị vùi lấp vì lý do chính trị và định kiến xã hội". Ngày 10/4/2025, Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper nhấn mạnh, có ít nhất 5 cuộc điều tra địa phương về các băng nhóm dụ dỗ đang được tiến hành. Các cuộc tái điều tra không chỉ đến từ áp lực chính trị, truyền thông và làn sóng phản đối dai dẳng từ cộng đồng, các nạn nhân cùng gia đình họ và cả những nhà vận động hành lang không chấp nhận để công lý bị quên lãng.
Cuối tháng 4/2025, các thành viên của một băng nhóm dụ dỗ chuyên lừa các bé gái vị thành niên đã bị Tòa án Liverpool Crown kết án tù. Đến từ Greater Manchester, những người đàn ông này đã hãm hiếp nạn nhân của họ, những người trong độ tuổi từ 13 đến 15, tại một địa điểm được gọi là "nhà tiệc" ở Blackrod (Bolton) từ năm 2016 đến năm 2018.
Một trong những nạn nhân, người đã đưa ra tuyên bố thông qua Sở Cảnh sát Greater Manchester (GMP), cho biết: "Vì những gã đàn ông này, tôi sẽ không bao giờ có thể sống một cuộc sống bình thường được nữa. Tôi thà chết còn hơn phải đối mặt với những sự tra tấn tinh thần và ký ức này. Không có khoảng thời gian ngồi tù nào có thể khiến họ quên đi điều đó. Bây giờ, tôi đang sống trong "nhà tù" của chính mình và đó là những gì họ đã làm với tôi".
Ngày 19/1/2025, Tòa án Bradford Crown đã kết án một người đàn ông gần 58 năm tù giam vì tội xâm hại tình dục 2 cô gái tuổi teen ở Keighley, West Yorkshire, vào cuối những năm 1990. Hai nạn nhân lúc đó mới 13 và 16 tuổi, đã phải chịu đựng nhiều năm bị xâm hại và chỉ khi trưởng thành, 1 trong 2 người mới có đủ dũng cảm lên tiếng, kể lại sự thật đau lòng.
Trước đó, phiên tòa thứ nhất kết thúc tháng 10/2023 tuyên án Amreaz Asghar (47 tuổi) 4 năm rưỡi tù vì tội hiếp dâm; Perwaz Asghar (50 tuổi) 6 năm rưỡi tù vì 2 vụ tấn công; Mohammed Din (47 tuổi) 14 năm tù vì 11 tội danh hiếp dâm; Sajid Mahmood Khan (45 tuổi) 3 năm tù và Zehroon Razak (47 tuổi) 6 năm rưỡi tù. Phiên tòa thứ hai kết thúc tháng 12/2024 với 2 bản án: Fayaz Ahmed (45 tuổi) 7 năm rưỡi tù cho tội danh hiếp dâm (bị tuyên án vắng mặt); Imtiaz Ahmed (62 tuổi) 9 năm tù cho tội danh hiếp dâm (bị tuyên án vắng mặt) và Ibrar Hussain (47 tuổi) 6 năm rưỡi tù cho tội danh hiếp dâm. Lệnh bắt giữ Fayaz Ahmed và Imtiaz Ahmed đã được ban hành nhưng cả hai hiện vẫn lẩn trốn.
Những nạn nhân sống sót qua những ngày tháng đau thương đó đã xuất hiện tại tòa, kể lại những chuỗi ngày bị cưỡng hiếp, cho dùng rượu và ma túy, bị bắt "xếp hàng" để bị xâm hại tình dục tập thể trong những căn hộ chật hẹp. Thẩm phán Ahmed Nadim đã chỉ trích lực lượng cảnh sát và các cơ quan dịch vụ xã hội vì thất bại trong việc bảo vệ nạn nhân. Trong khi đó, Michael Quinn (thuộc Cơ quan Công tố Hoàng gia) gọi hành động của các bị cáo là "độc ác, đê tiện và bẩn thỉu". Ông cũng kêu gọi các nạn nhân khác hãy lên tiếng và nhấn mạnh: "Không bao giờ là quá muộn để tìm kiếm công lý".

Một nạn nhân của băng đảng dụ dỗ
Nỗi đau dai dẳng
Các vụ bê bối dụ dỗ các bé gái tại Anh thường được thực hiện theo nhóm, chọn mục tiêu là các bé gái trong độ tuổi từ 12 đến 16, phần lớn thuộc tầng lớp lao động nghèo, thiếu sự chăm sóc từ gia đình hoặc sống trong trung tâm bảo trợ xã hội. Kẻ xấu thường tiếp cận nạn nhân bằng cách tỏ ra thân thiện, tặng quà, đưa đi ăn, mua đồ dùng; gây dựng niềm tin rồi nhanh chóng chuyển sang kiểm soát, đe dọa, cô lập nạn nhân. Ngoài ra, chúng ép dùng rượu, ma túy để khiến nạn nhân phụ thuộc; dùng áp lực tâm lý hoặc bạo lực để ép quan hệ tình dục, quay clip, buộc đi "tiếp khách"… Nữ nhà báo điều tra Julie Bindel chia sẻ: "Bọn chúng không phải là những kẻ phạm tội ngẫu nhiên mà hoạt động có tổ chức, phân công người dụ dỗ, người giữ, người thu tiền. Đây là những doanh nghiệp tội phạm hoạt động giữa lòng xã hội hiện đại của Anh. Rotherham, Rochdale, Telford, Oxford và Keighley là những nơi gắn liền với bê bối băng đảng dụ dỗ".
Báo cáo năm 2014 cho thấy, có hơn 1.400 nạn nhân tại Rotherham trong giai đoạn 1997-2013 nhưng các vụ việc bị phớt lờ. Ở Oxford, có 1.000 trẻ em bị xâm hại trong hơn 40 năm. Điểm chung giữa các vụ việc là sự tồn tại của những mạng lưới tội phạm có tổ chức nhắm vào các bé gái da trắng nghèo, ít được bảo vệ. Thời điểm đó, nhiều bé gái từng báo cảnh sát, từng đến các cơ quan dịch vụ xã hội. Thế nhưng, khi nạn nhân lên tiếng, thay vì được bảo vệ, họ bị chuyển đi nơi khác trong khi thủ phạm vẫn tự do. Một cựu cảnh sát từng tham gia điều tra thừa nhận: "Mỗi khi chúng tôi đào sâu một vụ, lại phát hiện một mô hình tương tự: trẻ em bị xâm hại, hệ thống làm ngơ và hung thủ lẩn khuất trong cộng đồng".
Một khảo sát của YouGov được công bố vào cuối tháng 2/2025 cho thấy, trong vụ việc "băng đảng dụ dỗ", 62% người dân được hỏi tin rằng cảnh sát đã "cố tình làm ngơ" vì lo sợ bị coi là phân biệt chủng tộc. 71% người ủng hộ việc lập một ủy ban điều tra độc lập quy mô toàn quốc. 55% người nói họ đã "mất niềm tin nghiêm trọng" vào hệ thống bảo vệ trẻ em.
Trước áp lực dư luận, Chính phủ Anh đã thành lập Cơ quan điều tra độc lập về lạm dụng trẻ em có tổ chức (OICA) với quyền truy cập dữ liệu liên ngành; yêu cầu các sở cảnh sát và các cơ quan dịch vụ xã hội báo cáo định kỳ các vụ nghi ngờ lạm dụng hay dụ dỗ trẻ em trong khu vực… Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper đã khẳng định: "Không ai - bất kể xuất thân, màu da hay tôn giáo - được phép lợi dụng cộng đồng để phạm tội và thoát tội. Công lý không thể bị chùn bước vì sự im lặng do nỗi sợ gây ra".