Bâng khuâng nhớ vườn vạn thọ của Ngoại ngày xuân

16/02/2018 - 09:55
1.Ngày còn khỏe, ngoài ruộng nương, ngoại còn có thêm nghề tay trái: Cuối năm trồng vạn thọ bán Tết!

Hỏi vì sao không trồng hoa khác mà chỉ trồng vạn thọ, ngoại bảo, hoa vạn thọ dễ trồng, ít tốn công, không cần chăm sóc cầu kì vẫn cứ cho hoa. Tôi thắc mắc: Nhưng hoa vạn thọ bán rẻ rề, thu nhập đâu cao như mấy thứ hoa kia? Ngoại cười không đáp. Rẻ thật; trồng vạn thọ năm nào trúng mùa lắm thu nhập chắc cũng chỉ đủ ngoại tiêu Tết và lì xì cho lũ cháu. Không hoa Tết nào bán rẻ như hoa vạn thọ. Đã vậy, có khi còn vừa bán vừa cho. Vậy nhưng ngoại vẫn không bỏ nghề…

orange-marigold-2681465_960_720.jpgCúc vạn thọ với người dân Hà Nội không thể thiếu trong những ngày Tết đến Xuân về

 Miếng đất vườn ngoại dành trồng hoa khá rộng. Nửa cuối tháng mười, đợi mưa ngớt là ngoại lo cuốc, băm, trộn phân, lên luống cho đất ráo chuẩn bị trồng vạn thọ. Giống - do ngoại tự ươm bằng những túm hoa khô để dành từ năm ngoái. Ươm độ nửa tháng, chờ cây con lớn chút thì bứng cây ra luống mà trồng. Những cây vạn thọ non yếu mới trồng xong đã ngoẹo đầu, bẹp sát đất trông rất thương. Ngoại phải hậm hụi đi xin bẹ chuối cắt thành từng đoạn ngắn bẻ gập, cắm làm “mũ” cho cây. Lui cui suốt ngày đêm ngoài vườn. Đến sáng tôi nhìn qua đã thấy vườn ngoại lô nhô đầy những chiếc nón trắng…

2.

Hết tháng mười một, trời bắt đầu tạnh mưa, hửng nắng. Trong vườn nhà ngoại, từng “que tăm” vạn thọ đón tiết Xuân đã nhanh chóng vọt lên, đâm cành tược lá sum suê. Đầu tháng chạp ướm nụ. Giữa tháng chạp lác đác bung vàng những hoa cái đầu tiên. Rồi càng lúc càng vàng, vàng rực! Cuối chạp thì nguyên mảnh vườn nhà ngoại đã hóa ra một thảm vàng rực rỡ, ai đi ngang cũng đứng lại trầm trồ. Qua hăm ba tháng chạp, ngoại bắt đầu nhổ những cây bung nụ sớm cho bà ngoại ngày ngày đem ra chợ bán. Người ta mua vạn thọ về cúng tất niên sớm. Hăm chín ba mươi Tết, ngoại tổng huy động lực lượng cháu con xúm nhổ sạch vườn hoa, chia nhau đi khắp các chợ gần xa. Bán được càng nhiều càng tốt. Số còn lại không bán hết, ngoại đem về phân phát xóm giềng người vài cây trồng trước cửa cho có sắc Xuân. Năm nào cũng vậy, bữa cơm tất niên nhà ngoại cũng là lúc ngoại tổng kết được - mất của vụ hoa vạn thọ cuối năm. Đương nhiên, con bé là tôi luôn có mặt kịp thời để… ăn và hóng chuyện người lớn. Tò mò chuyện chợ búa bán mua cũng có; nhưng cái chính là “đo” xem nguồn thu từ vạn thọ của ngoại năm nay dày mỏng ra sao để biết mình sẽ được ngoại lì xì ít hay nhiều…

3.

Bà ngoại tôi mất sớm. Còn lại một mình, ngoại năm năm vẫn cứ cuốc vườn lên liếp trồng vạn thọ. Giờ không còn ai đi chợ bán, ngoại cứ để mặc cho hoa nở vàng cả liếp. Bà con lối xóm thấy tội, rủ nhau xúm tới vườn mua “ủng hộ” ngoại. Lại vừa bán vừa cho. Không sao. Đó là một trong số ít khi hiếm hoi tôi thấy ngoại  nở cười từ ngày bà ngoại mất. Hăm tám Tết, mẹ tự động kêu mấy chị em tôi dẹp chuyện xúm về nhổ hoa đi bán cho ngoại. Thêm lần nữa, ngoại lại nở cười…

*

Tôi đi học xa, cuối năm về thăm ngoại. Nhìn ra vườn không thấy hoa đâu mà chỉ toàn cỏ dại. Tự dưng thấy hụt hẫng, buồn muốn khóc. Hỏi: Sao năm nay ngoại không trồng hoa nữa ngoại? Ngoại lại cười không đáp. Tôi nhìn lại nụ cười của ngoại, chợt thảng thốt nhận ra: Quanh miệng ngoại giờ nếp nhăn nhiều quá. Vành môi móm xọm, phơi ra độc một chiếc răng cắm chơ vơ trên hàng lợi đỏ. À, thì ra ngoại đã già…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm