pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bánh rán lúc lắc thơm lừng cho kỳ nghỉ hè của con
Bánh rán lúc lắc thơm lừng
Mẹ nào muốn cùng con trổ tài món này, có thể tham khảo công thức nhà mình nhé:
Nguyên liệu:
Vỏ bánh gồm: 400 gr bột gạo nếp ngon; 50 gr bột gạo tẻ; 100 gr khoai lang hấp hoặc luộc chín bỏ vỏ, tán nhuyễn mịn (có thể thay bằng khoai tây hoặc khoai lang để thay đổi vị).
Kèm theo đó là 100gr đường + 1/2 thìa cà phê muối; khoảng 330 ml nước ấm 60 độ C (lượng nước còn tùy thuộc vào độ hút nước của từng loại bột)
Bột nở Baking powder 5gr; 1 thìa dầu ăn; 100gr vừng rang.
Nhân bánh :
200 gr đậu xanh đã cà sạch vỏ; 100gr đường (tùy theo khẩu vị mỗi nhà); 80 gr dừa bào vụn (tùy theo khẩu vị); 1 thìa dầu dừa hoặc dầu ăn; chút vani.
Cách làm:
Làm nhân bánh: Vo sạch đậu xanh rồi ngâm với nước ấm khoảng 3 giờ cho nở mềm. Sau đó đem hấp hoặc nấu chín rồi tán hoặc xay nhuyễn mịn đậu ra.
Cho đậu vào chảo cùng với dầu dừa (hoặc dầu ăn) và ít đường sên với lửa nhỏ, tới khi đậu hơi khô thì cho tiếp dừa vụn vào đảo đều khoảng 1phút (không xào nhân đậu khô quá). Cuối cùng, cho vani vào đảo đều nhắc xuống khỏi bếp.
Khi đậu còn ấm, tranh thủ chia đều thành những viên nhỏ vừa. Nhà mình thường chia mỗi viên nhân 20gr, vê tròn rồi bọc kín, cho vào ngăn đá tủ lạnh để khoảng 45 phút cho nhân cứng lại, để khi bao bột sẽ dễ hơn.
Làm vỏ bánh: Hòa tan đường, muối với 330ml nước ấm 60 độ C. Lấy một cái âu trộn đều bột nếp, bột tẻ, bột nở và khoai lang tán nhuyễn, tạo một miệng giếng ở giữa rồi đổ nước đường ở trên vào, dùng đũa đảo đều cho bột quyện thành khối.
Bạn nên dùng tay nhào trộn cho bột mịn dẻo, không dính tay. Làm sao để bột không quá khô và cũng không quá ướt là được. Cảm nhận của bạn nếu bột còn khô thì chế thêm chút xíu nước, bột ướt thì thêm chút bột nếp.
Sau đó bọc kín âu bột để ít nhất khoảng 60 phút đến 2 hoặc 3 tiếng.
Nặn bánh:
Sau khi để bột nghỉ đủ thời gian thì đem chia bột thành từng viên. Mỗi viên bột nặng gấp rưỡi viên nhân đậu. Vê tròn, ấn hơi dẹt rồi đặt viên nhân vào giữa, bao kín nhân lại.
Các bạn cố gắng bao phần vỏ sát kín nhân. Khâu này rất quan trọng, nếu để hở nhân, không khí lọt vào lúc rán rất dễ bị nổ. Bạn có thể thoa chút dầu ăn hoặc chút nước vào lòng bàn tay để vê bánh cho khỏi dính. Sau khi vê tròn bánh xong, bạn lăn bánh qua lớp vừng, lấy tay bóp nhẹ để vừng bám chắc, khi rán sẽ không bị rơi vừng ra.
Làm nóng dầu ăn trong chảo sâu lòng với lửa vừa (nếu bạn làm ít thì dùng nồi bé để tiết kiệm dầu). Dầu phải ngập bánh. Để biết độ nóng của dầu bạn dùng chiếc đũa khô nhúng thẳng vào giữa chảo dầu, nếu đầu có sủi bọt lăn tăn là được. Hạ lửa ở mức nhỏ vừa.
Lưu ý: Nếu dầu nóng quá, khi thả bánh vào lớp vỏ ngoài có đường nên rất dễ bị cháy. Còn nếu bạn để lửa nhỏ quá bánh ngấm dầu nhiều, nở kém, vỏ bánh sẽ bị dai.
Lúc thả bánh vào chảo, bạn thả từ thành chảo xuống từ từ để tránh dầu bắn vào tay. Đợi khoảng 45 giây cho bánh hơi se mặt, rồi mới dùng đũa đảo tới đảo lui nhẹ nhàng liên tục cho bánh nở đều. Không rán quá nhiều bánh trong một mẻ, để trừ khoảng cách cho bánh nở.
Khi bánh nở phồng, nổi lên mặt dầu, chuyển màu vàng thì bạn tăng lửa to lên một chút để vỏ bên ngoài giòn hơn, khi nguội vẫn đứng bánh và không bị xẹp.
Khi vỏ bánh vàng đều như ý thì vớt ra, rải đều trên giấy thấm dầu (không đặt bánh chồng chéo lên nhau). Mình thường rán một mẻ mất khoảng 15 phút là bánh đạt yêu cầu. Vỏ bánh bên ngoài rất giòn, bên trong mềm dẻo, nhân chạy qua chạy lại có thể lúc lắc để nghe tiếng vui tai được. Cắn miếng bánh rán vừa giòn, vừa bùi, và khó có thể quên được dư vị và mùi thơm lừng của bánh.