pnvnonline@phunuvietnam.vn
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 đã công bố quốc gia 6 năm liên tiếp đứng đầu "bảng vàng"
Nhân Ngày Hạnh Phúc 20/3, Liên Hợp Quốc đã tổng hợp và đưa ra công bố chính thức về Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report - WHR). Danh sách này nhằm xếp hạng mức độ hạnh phúc của gần 150 quốc gia.
Hãng tin CNN nhận định: "Có lý do để lạc quan trong báo cáo mới nhất về hạnh phúc thế giới. Thứ nhất, lòng nhân từ cao hơn khoảng 25% so với trước đại dịch".
John Helliwell, một trong những tác giả của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023, cho biết: “Lòng nhân từ với người khác, đặc biệt là hành động giúp đỡ người lạ, đã tăng lên đáng kể vào năm 2021 và vẫn duy trì ở mức cao vào năm 2022".
Bên cạnh đó, chỉ số hạnh phúc toàn cầu đã không bị ảnh hưởng trong 3 năm xảy ra đại dịch Covid-19. Báo cáo cũng cho biết các đánh giá về tuổi thọ từ năm 2020 đến năm 2022 đã “có khả năng phục hồi đáng kể”, với mức tuổi thọ trung bình toàn cầu tương đương với 3 năm trước khi xảy ra đại dịch.
“Ngay cả trong những năm tháng khó khăn này, cảm xúc tích cực vẫn phổ biến gấp đôi so với cảm xúc tiêu cực”, Helliwell cho biết trong một thông cáo báo chí.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, thực hiện đã dựa trên dữ liệu khảo sát toàn cầu từ người dân ở hơn 150 quốc gia. Các quốc gia được xếp hạng về mức độ hạnh phúc dựa trên đánh giá về tuổi thọ trung bình của họ trong vòng 3 năm trước đó, ở báo cáo này là từ năm 2020 đến năm 2022.
Kể từ năm 2012, ngoài những ngày lễ quan trọng, thế giới đã có thêm một ngày kỷ niệm cực kỳ đáng nhớ, gọi là Ngày Hạnh Phúc, được ấn định vào 20/3 hàng năm.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc đã được nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc - Ban Ki Moon chính thức công bố tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc hồi tháng 6 năm 2012.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc được lấy ý tưởng từ Vương quốc Bhutan, nơi người ta đề cao và tin tưởng vào tầm quan trọng của hạnh phúc quốc gia. Ngày Quốc tế Hạnh phúc ra đời để nhắc nhở mỗi người trong chúng ta về tầm quan trọng của hạnh phúc và trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống, nhận ra sự cần thiết của một cách tiếp cận toàn diện, công bằng và cân bằng đối với tăng trưởng kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, hạnh phúc và thịnh vượng của tất cả các dân tộc.
Mặc dù mỗi người cảm nhận hạnh phúc theo cách khác nhau, nhưng nó thường đề cập đến trạng thái mãn nguyện, hài lòng và viên mãn. Chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay 2023 vẫn được giữ nguyên là "Hãy quan tâm, biết ơn, tử tế".
6 năm liên tiếp dẫn đầu danh sách quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Năm thứ 6 liên tiếp, Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, chủ yếu dựa trên các đánh giá về cuộc sống từ Cuộc thăm dò Thế giới của Gallup (một công ty tư vấn và phân tích có trụ sở ở Mỹ).
Quốc gia Bắc Âu này và các nước láng giềng như Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển và Na Uy đều đạt điểm rất cao trong các hạng mục đánh giá: tuổi thọ, sức khỏe, GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tình trạng tham nhũng, sự hào phóng trong cộng đồng nơi mọi người chăm sóc nhau và tự do đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống.
Theo các chuyên gia sức khỏe, dù điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng người dân Phần Lan vẫn hạnh phúc và hài lòng trong cuộc sống bởi nhiều lý do. Trong số đó có nguyên nhân chính là do Phần Lan thiết lập được giải pháp giúp cuộc sống của người dân bớt căng thẳng. Chẳng hạn như giáo dục đa phần được miễn phí, thời gian nghỉ làm kéo dài và có bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, dân số của Phần Lan không quá đông, điều này giúp việc quản lý đất nước trở nên dễ dàng hơn. Người Phần Lan có những thói quen và niềm tin giúp họ thường xuyên giữ vị trí hàng đầu trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới.
Vậy các quốc gia khác liệu có thể rút ra bài học cho mình từ bảng xếp hạng này không?
“Có phải họ đang làm những việc mà chúng ta ước mình đã nhận ra và thực hiện hay đó là điều gì đó độc đáo về khí hậu và lịch sử khiến họ trở nên khác biệt? Theo quan điểm của tôi, câu trả lời là ở vế đầu tiên”, Helliwell, giáo sư danh dự tại Trường Kinh tế Vancouver, Đại học British Columbia, cho biết.
Có một cái nhìn toàn diện về hạnh phúc của tất cả các thành phần trong xã hội giúp đánh giá cuộc sống tốt hơn và góp phần xây dựng quốc gia hạnh phúc hơn.
“Mọi tổ chức nên đặt mục tiêu đầu tiên là đóng góp những gì có thể cho sự thịnh vượng của con người”, báo cáo cho biết, bao gồm việc tính toán cho các thế hệ tương lai và bảo vệ các quyền cơ bản của con người.
Israel tăng lên vị trí thứ 4 trong năm nay từ vị trí thứ 9 vào năm ngoái. Hà Lan (hạng 5), Thụy Sĩ (hạng 8), Luxembourg (hạng 9) và New Zealand (hạng 10). Một số quốc gia lớn lọt top 20, ví dụ như Úc (thứ 12), Canada (thứ 13), Ireland (thứ 14), Mỹ (thứ 15) và Vương quốc Anh (thứ 19).
Năm nay có một cái tên hoàn toàn mới lọt top 20, đó là đất nước Litva, quốc gia vùng Bắc Âu.
Litva đã leo hạng đều đặn trong 6 năm qua từ vị trí 52 năm 2017 lên vị trí 20 trong danh sách mới nhất. Và các quốc gia vùng Baltic khác, Estonia (xếp thứ 31) và Latvia (xếp thứ 41), cũng đang tăng hạng.
Helliwell nói: “Về cơ bản, đó là một câu chuyện tương tự đang diễn ra ở vùng Trung và Đông Âu". Ông nói, các quốc gia trong những khu vực đó “có lẽ đã bình thường hóa quá trình chuyển đổi sau năm 1990 và đang cảm thấy vững chắc hơn trong bản sắc mới của mình”.
Pháp đã rớt khỏi top 20 xuống vị trí thứ 21 trong báo cáo năm nay.
Nhìn về phía trước
Đại dịch Covid-19 đã khiến người ta sống chậm hơn để suy ngẫm nhiều hơn. Helliwell nói: “Mọi người đang suy nghĩ lại về mục tiêu cuộc sống của họ". Ông hy vọng “việc hướng tới suy nghĩ về các giá trị và những người khác một cách rõ ràng hơn” này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các yếu tố như công việc hay trường học mà mọi người chọn, mà còn tác động đến cả cách họ hoạt động trong những môi trường đó.
“Điều quan trọng không phải là điểm số hay tiền lương, mà là hợp tác với những người khác một cách hữu ích. Tất nhiên, điều đó hữu ích cho thế giới. Nói cách khác, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn về bản thân nếu bạn thực sự quan tâm đến người khác, thay vì tự cho mình là số 1”.