Báo chí cần tiếp tục chủ động vào cuộc, đồng hành cùng Chính phủ, tạo sự đồng thuận

Nguyễn Hoàng
27/08/2024 - 15:34
Báo chí cần tiếp tục chủ động vào cuộc, đồng hành cùng Chính phủ, tạo sự đồng thuận

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (giữa) tặng hoa chúc mừng 4 cơ quan: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và ngành Thông tin và Truyền thông nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá, các cơ quan báo chí đã có sự thay đổi linh hoạt, nhanh nhạy, nhất là đã bám sát, thông tin về quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật. Qua đó thể hiện được tinh thần bám sát, tư duy sắc sảo, trách nhiệm trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo.

Sáng nay (27/8), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban báo chí. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự Hội nghị.

Báo cáo của Vụ Báo chí xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) trình bày tại Hội nghị cho thấy, trong tuần qua, các cơ quan báo chí đã tích cực thông tin về các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là thông tin đậm nét về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; thông tin đậm nét về Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Một số cơ quan báo chí tiếp tục có các bài viết, thông tin, phản ánh các hoạt động nhân kỷ niệm 79 năm Ngày cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đồng thời, thông tin sinh động về các hoạt động, những kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội của đất nước.

Báo chí đóng góp quan trọng vào kết quả, thành tựu chung của đất nước

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp quan trọng của báo chí vào thành tích chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo chí cần tiếp tục chủ động vào cuộc, đồng hành cùng Chính phủ, tạo sự đồng thuận- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị giao ban báo chí sáng 27/8 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Khái quát một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước từ đầu năm 2024 đến nay, Phó Thủ tướng cho biết, dù tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định vĩ mô trong thời gian dài bằng những giải pháp đặc biệt, sự dấn thân, quyết tâm và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Cụ thể, chỉ số CPI tăng 4,12% (nằm trong chỉ tiêu Quốc hội cho phép); tỉ giá, lãi suất có xu hướng ổn định, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên.

"Nhiều chính sách đi trước một bước trong hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì và nhanh chóng phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19 đã mang lại hiệu quả rõ ràng", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, đồng thời đóng góp cho thế giới. Xuất khẩu tăng 17%, xuất siêu trên 14 tỷ USD. Nợ công, bội chi ở mức thấp, còn dư địa cho huy động nguồn lực phát triển. Du lịch phục hồi mạnh mẽ đón 10 triệu lượt khách quốc tế (tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023), tăng 1,9% so với năm 2019 (thời điểm trước đại dịch COVID-19).

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 18 tỷ USD; 139.000 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại thị trường, tăng 5,8%.

Tuy nhiên, vốn đầu tư phát triển đang giải ngân rất chậm, mới đạt 34%, còn hiện tượng "có tiền không tiêu được".

Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng báo chí đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nói chung, nhất là các sự kiện, lễ kỷ niệm lớn, truyền tải được những thông điệp, giá trị truyền thống, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

"Các cơ quan báo chí đã có sự thay đổi linh hoạt, nhanh nhạy, nhất là đã bám sát, thông tin về quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật. Qua đó thể hiện được tinh thần bám sát, tư duy sắc sảo, trách nhiệm trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo", Phó Thủ tướng đánh giá và nhấn mạnh đến sự chuyển biến mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan báo chí với nhiều hình thức, công cụ thể hiện ngày càng đa dạng, phong phú, sinh động.

Báo chí cần tiếp tục chủ động vào cuộc, đồng hành cùng Chính phủ, tạo sự đồng thuận- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các cơ quan báo chí cần đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu vươn tầm quốc tế, trở thành đối tác của những hãng truyền thông hàng đầu trên thế giới - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tạo đồng thuận trong xây dựng nền kinh tế hội nhập và độc lập, tự chủ

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới báo chí cần góp phần thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao trong công tác chuẩn bị cho Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 (khóa XIII) với rất nhiều nội dung quan trọng; trong đó có xây dựng dự thảo các văn kiện quan trọng trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng trên tinh thần dân chủ và trí tuệ; kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng mong muốn báo chí cần tiếp tục chủ động vào cuộc, đồng hành cùng Chính phủ, tạo đồng thuận trong xây dựng nền kinh tế hội nhập và độc lập, tự chủ. Trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm là: Tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế-xã hội bằng "một luật sửa nhiều luật" về tài chính, ngân sách, đầu tư, quy hoạch, xây dựng; xử lý các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án; thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chất lượng, cạnh tranh, hiệu quả, bao gồm tận dụng nguồn vốn FDI, đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và triển khai, phát triển công nghiệp nền tảng, công nghệ mới, vật liệu mới; triển khai một số dự án quan trọng của quốc gia như đường sắt tốc độ cao, chuyển đổi năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi) và sản xuất các loại nhiên liệu xanh…

Nhấn mạnh tinh thần phát triển trong xây dựng thể chế, Phó Thủ tướng cho biết thêm, thời gian tới các cơ chế, chính sách đưa vào luật sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng bộ. Đồng thời, bảo đảm hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương một cách năng động, linh hoạt, chịu trách nhiệm về hiệu quả, kết quả; đổi mới phương thức quản trị của doanh nghiệp nhà nước thay trình tự, thủ tục bằng lựa chọn người có năng lực, đánh giá bằng mục tiêu, kết quả.

"Các cơ quan báo chí cũng cần đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu vươn tầm quốc tế, trở thành đối tác của những hãng truyền thông hàng đầu trên thế giới", Phó Thủ tướng bày tỏ và giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương tổng kết thực hiện quy hoạch báo chí thời gian qua, tham mưu xây dựng chiến lược phát triển cho báo chí cách mạng Việt Nam cùng hội nhập với nền báo chí thế giới.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã tặng hoa chúc mừng: Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam nhân 79 năm Ngày thành lập; Đài Truyền hình Việt Nam nhân 54 năm Ngày thành lập; và Bộ Thông tin và Truyền thông nhân 79 năm Ngày truyền thống ngành thông tin và truyền thông.

Lưu ý những nội dung báo chí cần lưu ý trong thời gian tới, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy khẳng định Báo chí cách mạng Việt Nam luôn giữ vững vai trò tiên phong xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng, Nhà nước ta, luôn giữ vững vị thế vai trò thông tin chính thống, chủ lưu, chuẩn xác phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Từ nay đến hết năm 2024, đất nước ta tiếp tục có những công việc quan trọng, báo chí cần góp phần tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ cụ thể đó, để lan tỏa sự thống nhất về ý chí, hành động trong toàn hệ thống chính trị.

Thời gian khẩn trương, nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí cần tiếp tục nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, triển khai thông tin tuyên truyền.

Đây cũng là điều kiện, cơ hội giúp người làm báo thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự sáng tạo để có những tác phẩm báo chí có chất lượng, hiệu quả xã hội tích cực.

Nguồn: VGP, TTXVN
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm