Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?

01/11/2017 - 15:55
Câu chuyện lương nhà giáo một lần nữa lại là tâm điểm của dư luận khi cô Trương Thị Lan sau 37 năm đi dạy chỉ nhận được lương hưu 1,3 triệu đồng.

Cũng làm nghề giáo viên mầm non hơn 15 năm nay, cô giáo Đặng Thị Soa (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết, lương giáo viên chưa bao giờ là lý do hấp dẫn cô đến với nghề. Chọn nghề giáo, đơn thuần vì yêu trẻ, vì niềm yêu nghề dẫu cô biết sẽ không đảm bảo cuộc sống.

“So với các cấp học khác, dạy mầm non vừa vất vả, lại bận rộn từ sáng tới chiều, làm việc trong môi trường vô cùng áp lực nhưng cách tính lương giáo viên các cấp đều ngang nhau. Chúng tôi không biết đến bao giờ giáo viên sẽ sống được bằng lương?”, cô Soa trải lòng.

Đây cũng là điều mà nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn, về việc làm sao giáo viên có thể sống được bằng lương, để không phải canh cánh lo toan cơm áo hằng ngày mà tập trung cống hiến cho nghề. TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, hàng ngày vẫn có nhiều thầy cô giáo giỏi, có tài năng nhưng không tiếp tục cống hiến cho ngành chỉ bởi lương không đủ sống.

Ngành giáo dục đang còn khó khăn, rất cần thu hút nhiều người tài. Thế nhưng điều này đồng nghĩa với việc các nhà quản lý giáo dục ở cấp cơ sở phải suy nghĩ làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho người tài, giúp họ cống hiến và đóng góp tốt hơn trong nghề.

“Chưa bao giờ việc nghĩ cách giải quyết vấn đề tiền lương cho giáo viên lại cấp thiết như hiện nay, để họ có đủ điều kiện sống, làm việc và cống hiến cho ngành giáo dục trong bối cảnh khó khăn hiện tại!”, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: Dương Hà

 

Trao đổi bên hành lang kỳ họp Quốc hội xung quanh vấn đề lương hưu của nhiều cô giáo mầm non quá thấp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ: Đứng về mặt Nhà nước, quy định là như thế nhưng thực tế về mặt con người, các thầy cô hy sinh gần như cả đời, bây giờ về hưu mới được 1,3 triệu đồng thì sống sao được? Bộ GD&ĐT đang làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để làm sao thang, bảng lương của các thầy cô được đưa vào luật Giáo dục. Trong sửa luật Giáo dục tới đây, vị trí của thầy cô phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ. Bộ đang tích cực rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những vấn đề bất hợp lý để làm sao, vị thế của giáo viên đặt đúng chỗ thì mới khuyến khích, động viên được các thầy cô.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm