pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bạo lực học đường ở Nhật phủ bóng đen lên nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới
Là một trong những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới, nhưng Nhật Bản cũng có những mặt trái, trong đó vấn nạn dai dẳng và khó giải quyết nhất chính là Ijime (いじめ / 苛め) - nạn bắt nạt, ức hiếp, cô lập lẫn nhau giữa học sinh trong trường. Bắt nạt là hành vi tấn công một người về thể chất, đạo đức và tâm lý và hậu quả nó để lại đối với nạn nhân là vô cùng lớn.
Nếu đã nghe qua về những vụ bạo lực học đường ở Nhật Bản, chắc hẳn bạn sẽ hiểu được phần nào sự nghiêm trọng của nó. Đặc biệt, không chỉ học sinh với học sinh mà thậm chí giáo viên ở Nhật cũng... tham gia vào bạo lực học đường.
Năm 2011, toàn nước Nhật đã xôn xao trước vụ việc một bé trai 13 tuổi tại tỉnh Shiga đã gieo mình từ tầng 14 tòa nhà nơi em ở để tự tử vì không chịu nổi sự bắt nạt của ba bạn học cùng lớp trước sự làm ngơ của giáo viên chủ nhiệm. Trước đó, không ngày nào em không nghĩ tới chuyện tự sát. Suốt một thời gian dài, em bị các bạn đánh đập, bắt ăn xác ong chết, cưỡng ép ăn trộm đồ ở siêu thị…
6 năm sau vào năm 2017, một nữ sinh 13 tuổi ở Nhật Bản cũng quyết định kết thúc cuộc sống của mình bằng cách nhảy ra trước đoàn tàu hỏa sau hơn 1 năm bị bạn cùng lớp bắt nạt. Ở lớp, cô bé bị gọi bằng những cái tên như "thú vật" hay liên tục bị bạn bè kêu "loại mày thì chết đi".
Và vô vàn những sự vụ bạo lực học đường đau thương khác phủ bóng đen lên văn hóa học đường xứ sở phù tang...
Bạo lực học đường ở Nhật và những con số biết nói
Một báo cáo do Bộ giáo dục Nhật Bản công bố năm 2018 cho thấy, các vụ bắt nạt học đường đã chạm ngưỡng cao kỷ lục. Nhưng con số thực tế có thể... cao hơn thống kê rất nhiều, bởi không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để đứng lên tố cáo những kẻ từng bạo hành mình.
Các vụ bắt nạt được ghi nhận ở các trường tư thục và công lập trên khắp Nhật Bản, từ tiểu học đến trung học phổ thông, lên tới 414.378 trong tính đến ngày 31/3/2018. Con số này tăng mạnh so với năm trước (hơn 91.000 trường hợp).
Trong số đó có 474 trường hợp bạo lực học đường được xác định là "nghiêm trọng", tăng 78 vụ so với năm trước và 55 vụ được phân loại vào nhóm "tổn hại và đe dọa đến tính mạng". Có 250 học sinh tự tử trong năm học, trong đó có 10 em học sinh được cơ quan chức năng xác định do bị bị bắt nạt ở trường đến mức tìm đến cái chết. Tuy nhiên, những kết luận chỉ được phát hiện ra thông qua là những lời trăng trối các em viết trong những quyển sổ nhật ký của mình.
"Nhật Bản luôn có vấn đề về bạo lực học đường. Có vẻ như ngày càng có nhiều học sinh tự tử có liên quan đến bắt nạt và tôi nghĩ điều đó đã khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết đối với các trường học, cơ quan quản lý giáo dục và cơ quan giáo dục... Rõ ràng là cần phải nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề này", Mieko Nakabayashi, giáo sư tại trường nghiên cứu xã hội tại Đại học Waseda cho biết.
Một số cơ quan giáo dục cấp tỉnh đã thực hiện các biện pháp được thiết kế để cải thiện tình trạng bạo lực học đường, bao gồm các cuộc điều tra mỗi học kỳ đối với tất cả học sinh về hành vi bắt nạt và vô số cuộc họp để tiến hành xử lý các tình huống bạo lực xảy ra.
Tuy nhiên, Yoshitomo Takahashi - Giáo sư Tâm thần học tại Đại học Tsukuba cho biết, các biện pháp đang được áp dụng để ngăn thanh thiếu niên tự tử là chưa đầy đủ và tập trung quá nhiều vào vấn nạn bắt nạt học đường.
Ông cho rằng các phương tiện truyền thông phần nào khiến mọi người nghĩ thanh thiếu niên tự tử chủ yếu do bị bắt nạt ở trường. Tuy nhiên, nguyên nhân chúng hành động dại dột có thể do sức khỏe tâm thần, tài chính, bị lạm dụng và gia đình bỏ rơi.
Không có chỗ cho sự khác biệt!
Nakabayashi nói: "Bắt nạt phổ biến ở nhiều quốc gia vì không phải tất cả trẻ em đều được giáo dục tốt từ khi còn nhỏ, nhưng tôi cảm thấy ở Nhật Bản thì khác. Cụ thể, một học sinh khác biệt so với những học sinh khác sẽ là mục tiêu của bạo lực học đường. Điều đó cũng rất giống nhau trong toàn xã hội Nhật Bản. Do đó, sự tuân thủ tiêu chuẩn, chuẩn mực luôn là điều quan trọng hàng đầu.
Đa phần trẻ em thường không thể nói cho cha mẹ biết những gì chúng đang trải qua vì chúng có cảm giác mọi người sẽ không thể quan tâm đủ nhiều trước vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Tương tự, rất khó để đến gặp một giáo viên vì điều đó có thể gây ra nhiều sự chú ý không mong muốn hơn từ những cá nhân thường xuyên đi bắt nạt".
Eric Fior, chủ sở hữu một trường tư thục tiếng Pháp ở Yokohama và là cha của ba cậu con trai đã học qua hệ thống giáo dục công lập của Nhật Bản, cho biết áp lực phải tuân thủ ở các chuẩn mực, quy định của trường học Nhật Bản là rất lớn.
Ông chia sẻ, các nam sinh tại Nhật có xu hướng bạo hành thể xác và chỉ cần một chút xô đẩy có thể dẫn đến đánh nhau. Nhưng các bé gái thì khác, việc bắt nạt dường như tập trung nhiều hơn vào việc cô lập một người ra khỏi một tập thể, nói xấu về cô ấy. Đương nhiên, kiểu lạm dụng tinh thần đó có thể gây tổn hại không kém gì tổn hại về thể chất.
Đồng nhất với quan điểm trên, Bộ Giáo dục Nhật Bản kết luận, nạn bắt nạt học đường tại các quốc gia thường do mâu thuẫn của hai, ba học sinh, nhưng tại Nhật, khi bạo lực học đường diễn ra thì cả lớp sẽ chĩa mũi dùi vào nạn nhân và ngay lập tức cô lập "con mồi" đó. Nó sẽ gây ra những chấn thương dai dẳng về tâm lý đối với nạn nhân. Nói cách khác tại Nhật, bắt nạt là một hiện tượng nhóm, chứ không phải riêng rẽ từng cá thể với nhau.
Lý giải về điều đó có thể thấy, xã hội Nhật đặc biệt nổi tiếng vì coi trọng sự đồng nhất và có xu hướng tránh xa sự dị biệt. Trường học gây dựng nên một môi trường giáo dục mà người ta có cảm giác an toàn và yên ổn khi hành xử giống như nhau. Để tự bảo vệ mình, họ có xu hướng phủ nhận và kỳ thị những kẻ khác biệt. Chính vì thế, những cá nhân khác biệt hay nổi bật trong một lớp học, một đứa trẻ vượt trội hơn hay một đứa trẻ học đuối hơn, có sự khác biệt về ngoại hình, tính cách... dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân của bắt nạt.
Theo kết quả nghiên cứu vừa đăng trên chuyên san Plastic and Reconstructive Surgery, thanh thiếu niên liên quan tới bắt nạt, dù là nạn nhân hay thủ phạm, đều có xu hướng muốn phẫu thuật thẩm mỹ để trông hấp dẫn hơn. "Những người bị bạn bè bắt nạt gây tổn thương tâm lý, từ đó làm tăng nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ để trở nên tự tin hơn hoặc tìm sự công nhận của người khác", Tiến sĩ Dieter Wolke giải thích. Còn những kẻ bắt nạt muốn "dao kéo" để ưa nhìn và nổi trội, tiếp tục củng cố vị thế hơn người khác.