Cây xanh và cột điện đổ trên phô Phạm Hồng Thái |
Thiệt hại sơ bộ thống kê được đến lúc này: Có ít nhất một người đã thiệt mạng. Đó là trường hợp nhà ông Đặng Văn Áng (xã Đại Thắng, Phú Xuyên, Hà Nội), tường lan can tầng 2 đổ làm 1 người chết, 5 người bị thương.
Số cây xanh gẫy đổ khá lớn. Riêng tại huyện Mỹ Đức sơ bộ ước tính 130 cây đổ, 1 xưởng tốc mái, 6 cột điện trung thế bị đổ và 7ha hoa màu bị ngập.
Thời điểm bão số 1 vào Hà Nội xe máy lưu thông trên đường đổ ngổn ngang |
Bờ biển Ninh Bình hứng chịu bão số 1. |
Lượng mưa từ chiều 27/7 đến 8h ngày 28/7 ở Thái Bình rất lớn, cao nhất đo tại Thái Ninh (huyện Thái Thuỵ) là trên 300mm, huyện Kiến Xương 261 mm… Mưa lớn kéo dài khiến 39.300 ha lúa bị ngập úng, nhiều nhất tại huyện Kiến Xương 10.000ha, Tiền Hải 9.000 ha, Vũ Thư 7.500 ha và khoảng 1.900 ha diện tích hoa màu bị dập nát. Bão gây sạt lở cống Láng Quai, thổi tốc mái 25 phòng học tại huyện Vũ Thư và 2 nhà máy gạch tại huyện Thái Thuy, làm sập 2 phòng học tại huyện Vũ Thư.
Tại thành phố Thái Bình lúc 9h45 sáng ngày 28/7, hầu hết các tuyến đường lớn như Lý Bôn, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Quang Trung…. đều có nhiều cây cổ thụ bị đổ. Thống kê ban đầu tại thành phố Thái Bình có 9.000 cây đổ, gẫy.
Cây xanh đổ trên phố Hàng Chuối, Hà Nội. |
Tại Hải Phòng, do ảnh hưởng của bão số 1, 400m chân kè và dầm bê tông mái kè đê biển Cát Hải bị sạt lở. Tại khu vực huyện đảo Bạch Long Vỹ, một số nhà dân tốc mái, biển quảng cáo bị thổi bay.
Tại huyện Vĩnh Bảo, có khoảng 3.000 ha lúa mới cấy bị ngập úng, gãy đổ khoảng 10.500 cây ăn quả (chủ yếu là chuối). Theo báo cáo của ngành điện lực Hải Phòng, 3 cột điện cao thế đã bị đổ, 62 lộ đường dây bị sự cố, 1.829 trạm biến áp bị mất điện. Nhiều cây xanh, cây cổ thụ ở nội thành Hải Phòng bị gió bão quật đổ, gãy.
Nam Định: Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, đêm 27/7, bão số 1 đổ bộ với sức gió cấp 11-12, giật cấp 12-13, tức là cao hơn đáng kể so với dự báo ban đầu.
Nam Định ước tính có 74.000 ha lúa bị ngập úng, 1.900 cột điện cao thế, 13.000 cột điện hạ thế bị đổ, rất nhiều cây xanh bị gẫy, bật gốc. Đến 11h ngày 28/7, lực lượng chức năng vẫn đang thu dọn hàng trăm cây xanh đổ, gẫy, cột điện đổ, phân luồng giao thông giúp người dân sớm trở về nhịp sống thường ngày.
Đêm 27/7, có 3 tàu cá dù đã vào âu tàu tránh bão, nhưng do sóng to gió lớn đã va vào nhau và bị chìm.
Theo thông tin từ Sở GTVT Nam Định, cầu phao Ninh Cường bị hư hỏng nặng do có thuyền trôi từ thượng lưu xuống va vào cầu, làm cản trở giao thông tuyến quốc lộ 37.
Hà Nam: Bão số 1 đã làm gần 26.500 ha lúa bị ngập, trong đó có 12.903 ha lúa bị ngập trắng, gần 3.000 ha diện tích hoa mày bị đổ gẫy và dập nát. Hơn 9.100 cây xanh, cây ăn quả bị đổ; gần 1000 nhà bị tốc mái; hang loạt cột điện bị đổ; nhiều biển hiệu quảng cáo bị vỡ…
Ông Hoàng Mạnh Thường, Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh Hà Nam cho biết, tính đến 7h30 ngày 28/7, tổng lượng mưa trung bình đo được trên địa bàn tỉnh Hà Nam là 144,5mm; lượng mưa lớn nhất đo được ở thị trấn Quế, huyện Kim Bảng là 170mm, sức gió mạnh nhất đo được vào 1h45p ngày 28/7 là cấp 7, giật trên cấp 9, dù bão đã đi qua. Ông Thường nhận định, có khả năng mưa lớn sẽ còn tiếp tục đến ngày mai.
Ninh Bình: Đến 11h30 ngày 28/7, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hệ thống điện vẫn đang bị tê liệt do ảnh hưởng của bão số 1 gây ra. Hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập trắng.
Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Ninh Bình, lúc này cơn bão đã đi qua nửa ngày, nhưng gió vẫn mạnh cấp 8, giật cấp 11-12, mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa đo được từ 13h ngày 27/7 đến 7h ngày 28/7 trung bình từ 100 mm đến 235mm. Nước trên các triền song lúc 8h sáng nay dâng cao. Sông Hoàng Long tại bến Đế ở mức 1,12m; trên song Đáy tại Ninh Bình là 0,92m.
Qua thống kê sơ bộ, toàn bộ hệ thống lưới điện trung áp 22KV và 10KV ở tỉnh Ninh Bình đều bị hư hỏng nặng, hiện chưa khắc phục được, khiến toàn tỉnh bị mất điện. Hàng nghìn ha lúa mùa mới cấy bị ngập, hàng nghìn ha hoa màu bị hư hại.
Cho đến thời điểm này, vì ngoài biển Ninh Bình vẫn còn sóng to, gió lớn, nên chưa thể thống kê được về hư hại của tàu thuyền và các chòi ngao, diện tích nuôi ngao trên vùng biển Ninh Bình.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 6h ngày 28/7, ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ gió giảm xuống còn cấp 6-7, không phải quá mạnh. Áp thấp nhiệt đới đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và suy yếu thêm, sẽ tiếp tục gây mưa rất to ở các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Hòa Bình.