Khi đổ bộ vào lúc 6 giờ sáng, bão số 12 có sức gió mạnh nhất đạt cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15. Ở các tỉnh lân cận như Phú Yên, Bình Định cũng có gió mạnh cấp 11, giật cấp 12. Trước đó, từ đêm 3/11, các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã có mưa to, gió liên hồi giật mạnh.
Nhiều người dân ở TP Nha Trang cho biết, rất nhiều căn nhà không chịu nổi trước sức gió quá khủng khiếp, đã đổ sập – bao gồm cả nhà xây kiên cố. Gió thổi tốc hàng nghìn mái nhà, tôn bay lả tả khắp đường. Anh Ngọc Minh ở Chung cư Ngô Gia Tự cho biết, nhiều tuyến đường ở TP Nha Trang ngập nặng, nhiều nơi ngập gần 1 m. Cây lớn đổ ngổn ngang… “Mưa trút như thác, gió rít lên, thỉnh thoảng lạt giật cực mạnh khiến căn nhà rung lên bần bật, kêu răng rắc như muốn sập. Nhìn ra ngoài đường, thấy gió thổi xô rạp những hàng cây lớn, chốc chốc lại có một cây lớn bị quật ngã. Hàng chục năm nay chưa thấy cơn bão nào khủng khiếp như vậy ở Nha Trang”, anh Minh kể.
Do bão đổ bộ vào lúc 6 giờ sáng, nên trước đó có một số người, chủ yếu là phụ nữ đi buôn bán, làm ăn sớm, khi gặp bão tới đã bị mắc kẹt ngoài đường và sau đó được đưa vào một số nhà dân để trú tránh. Một số người đi xe máy trên đường đã bị gió xô ngã.
Nhiều căn nhà, cây xanh ở huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa tốc mái, ngã đổ. Nhiều khu vực ở Nha Trang và toàn bộ thị xã Ninh Hòa bị mất điện.
Ở Phú Yên, gió bão cũng quần thảo dữ dội. Càng về hướng biển, gió càng rít dữ dội, quật ngã nhiều cây xanh, bảng hiện, cuốn bay mái nhà dân, giật vỡ cả cửa kính. Toàn tỉnh bị mất điện từ khoảng 7 giờ sáng.
Phần lớn các tuyến đường ở TP Tuy Hòa đều bị ngập sâu. Đến hơn 8 giờ sáng, người dân TP Tuy Hòa mới bắt đầu dám ra đường giữa lúc gió vẫn còn rất mạnh. Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết chưa thấy cơn bão nào vừa mạnh, vừa kéo dài như cơn bão 12 này.
Đến 9 giờ 30 phút, mưa vẫn không ngớt. Đường phố TP Tuy Hòa hiện rất ngổn ngang với cây xanh ngã đổ la liệt, mái tôn, bảng hiệu bay khắp nơi. Hầu hết các tuyến đường đang ách tắc nghiêm trọng vì cây ngã chắn ngang đường. Các huyện Đồng Xuân, Tuy An cũng đang bị ngập nặng, bị cô lập hoàn toàn.
Tại tỉnh Bình Định, suốt từ đêm 3/11 đến sáng nay (4/11) liên tục có gió và mưa lớn. Tại TX An Nhơn, sức gió khoảng cấp 10-11, giật cấp 12. Mưa to suốt đêm khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.Quy Nhơn đều bị ngập lụt. Đặc biệt, đường Trần Hưng Đạo đoạn từ ngã 5 Đống Đa đến Cầu Đôi (P.Đống Đa) bị ngập sâu hầu như không thể đi lại được.
Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo trong 6 đến 12 giờ tới, mưa to đến rất to ở khu vực các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa. Nhiều nơi đã bị ngập nước.
Mưa to diện rộng cũng gây ra nguy cơ mất an toàn hồ chứa các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh trên, đặc biệt ở các huyện: Nam Giang, Quế Sơn, Phước Sơn, Trà My (Quảng Nam); Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi); Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước (Bình Định); Tuy Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Sông Cầu (Phú Yên); Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Ranh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hòa (Khánh Hòa).
Để chỉ đạo giảm nhẹ thiệt hại và khắc phục hậu quả cơn bão, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có mặt tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và đang ráo riết làm việc với các địa phương nói trên.
(Còn tiếp tục cập nhật)