Chính trị - Xã hội

Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức khai trương, mở cửa đón khách tham quan

Trường Hùng 19/06/2020 - 05:27 PM
Sau gần 6 năm chuẩn bị, ngày 19/6, Bảo tàng Báo chí Việt Nam (địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam - Lô E2, KĐT mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã tổ chức Lễ khai trương hệ thống trưng bày, chính thức mở cửa đón khách thăm quan.

Phát biểu khai mạc, nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định: "Ngay từ khi mới xuất hiện, báo chí Việt Nam đã sớm có một vị thế đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân, đã tỏ rõ vai trò quan trọng của mình trong lịch sử dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến, kiến quốc, lớp lớp các nhà báo đã để lại tuổi thanh xuân của mình trên khắp các vùng miền đất nước, với hơn 500 người làm báo đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Mồ hôi và máu của các anh chị vẫn còn thấm từng trang báo, từng thước phim tư liệu để lại. Nhiều nhà báo hôm nay là những tấm gương xuất sắc, đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước, góp phần to lớn vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước và hội nhập".

Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức khai trương, mở cửa đón khách thăm quan - Ảnh 1.

Nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu tại lễ khai trương

Để lưu giữ những di sản quý báu đó và đưa tới công chúng, ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Từ đó đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam và các cán bộ, nhân viên Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã có hơn 1.000 ngày thực thi nhiệm vụ được giao với một quyết tâm mạnh mẽ, một nỗ lực không ngừng nghỉ. Tới thời điểm hiện tại, Bảo tàng đã sưu tầm, thu thập được hơn 20.000 hiện vật, trong đó có 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được giới thiệu tại buổi trưng bày ngày hôm nay.

Chia sẻ về những thành công mà Hội Nhà báo Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ sự vui mừng,  "Đây là sự kiện quan trọng, rất ý nghĩa của Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước đúng vào dịp Hội Nhà báo Việt Nam tròn 70 tuổi, báo chí cách mạng Việt Nam tròn 95 năm và báo chí Việt Nam với 155 năm ra đời", Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức khai trương, mở cửa đón khách thăm quan - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng bức tranh "Phủ Chủ tịch" cho Hội Nhà báo Việt Nam với mong muốn đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng mọi mặt, đoàn kết, nỗ lực sáng tạo hơn nữa. Ảnh: Sơn Hải

"Các không gian trưng bày của Bảo tàng không chỉ nhằm tái hiện lịch sử báo chí gắn liền với lịch sử lập quốc, kiến quốc của dân tộc, tôn vinh những đóng góp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, lưu giữ và phát huy những giá trị mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa, những giá trị tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao kiến thức kỹ năng nghề nghiệp cho các sinh viên báo chí và các nhà báo trẻ, giúp công chúng hiểu hơn về sự nỗ lực và sự hy sinh của các thế hệ nhà báo. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đánh giá cao sự đóng góp nhiệt tình, trách nhiệm và sự phối hợp hiệu quả của các các nhà báo, các gia đình nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí trong cả nước đã sưu tầm, quy tụ hàng vạn tư liệu, hiện vật quý báu về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam để trưng bày tại đây", Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức khai trương, mở cửa đón khách thăm quan - Ảnh 3.

Hình tượng Bút Sen ở gian khánh tiết của Bảo tàng được tạo nên bằng tên những tờ báo, trong đó có các báo phụ nữ ở nước ta như Báo Phụ nữ Thời đàm, Báo Phụ nữ Tân văn, Báo Phụ nữ Việt Nam...

Là một trong những người đến thăm quan bảo tàng, chị Đỗ Thị Thúy Hằng, cán bộ Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, bày tỏ suy tưởng, "Bảo tàng Báo chí Việt Nam là một bảo tàng ngành, tuy ra đời muộn hơn so với một số bảo tàng khác nhưng lại có số lượng hiện vật rất phong phú, cách trưng bày đầy sáng tạo, truyền tải thông tin một cách cô đọng tới người xem. Trong các hiện vật, tài liệu ở đây, vì lĩnh vực công tác liên quan đến thanh niên nên tôi ấn tượng nhất về cách trưng bày tờ Báo Thanh Niên, đây tờ báo cách mạng đầu tiên được ra đời vào năm 1925".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn