Bão Tembin sẽ đổ bộ vào đất liền trong ngày 25/12

24/12/2017 - 10:18
Bão Tembin (bão số 16) đã vào biển Đông, trong 24 giờ tới dẫn di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h và có khả năng mạnh thêm.

Với tốc độ di chuyển như vậy, nhiều khả năng bão sẽ đổ bộ vào đất liền trong ngày 25/12, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15, sóng biển cao 8-10m. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão, sóng biển cao 8-10m. 

6.jpg
Bão Tembin đang tiến nhanh vào khu vực Nam bộ

 

Như vậy, chiều 25/12, vị trí tâm bão sẽ ở trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau. Tuy nhiên, nhiều khả năng sau khi qua quần đảo Trường Sa, bão sẽ giảm cấp, nhưng mức độ giảm cấp không nhanh. Khi vào đất liền Nam bộ, cấp độ bão vẫn ở cấp 10-11. Bão sẽ quần thảo ở các tỉnh Nam bộ cho đến rạng sáng 26/12, nhưng từ chiều 25/12 ở vùng ven bờ đã có gió mạnh cấp 6 trở lên, sau đó di chuyển sang biển Tây, sức gió cấp 9. 

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ ngày 26/12, có đợt không khí lạnh mạnh kèm theo rét đậm, rét hại. "Hoàn lưu bão rộng kết với không khí lạnh sẽ gây mưa lớn từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, Khánh Hòa, lượng mưa khoảng 200mm nên cũng cần lưu ý khả năng xảy ra lũ lụt ở khu vực này", ông Cường cho biết.

1.jpg
Cơn bão đã gây thiệt hại nặng nề tại Phillippines khiến ít nhất 133 người thiệt mạng

 

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài chỉ rõ: Côn Đảo là nơi cơn bão sẽ quét qua rất mạnh, cần đặc biệt phòng, tránh. Về tàu thuyền, từ vùng biển từ Quảng Nam đến Cà Mau - Kiên Giang hiện có 67.000 tàu đánh bắt trên biển, có 47.800 tàu đánh bắt gần bờ và 19.000 tàu đánh bắt xa bờ cần được thông báo quay về hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý: Ven biển nơi tập trung đông dân cư có đến 29 điểm sạt lở với tổng chiều dài 121km, tại Cửa Đại (Quảng Nam), Gò Công Đông (Tiền Giang), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Ba Tri (Bến Tre) và một số khu vực của Cà Mau..., nếu bão mạnh kèm nước biển dâng sẽ rất nguy hiểm cho dân cư khu vực này.

“Bão Tembin rất phức tạp, có thể thay đổi bất ngờ. Đây là cơn bão muộn cuối mùa hiếm gặp, khoảng 10 năm mới có 1 cơn, đã từng xuất hiện trên biển nhưng ở cấp độ mạnh cấp 11-12 như thế này thì chưa bao giờ có trên đất liền”, theo ông Hoàng Đức Cường.

7.jpg
Người dân nhiều vùng Nam bộ đang khẩn trương chuẩn bị ứng phó với cơn bão lớn

 

Đến sáng 24/12, khu vực Đông Nam bộ vẫn có nắng, trởi trong, gió nhẹ. Người dân TPHCM vẫn bình thản đi chơi Noel. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực được dự báo có khả năng chịu ảnh hưởng của bão, công việc ứng phó với bão đang diễn ra khẩn trương. Người dân ở các vùng ven biển thuộc các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre… đã chuẩn bị tinh thần di dời trong trường hợp khẩn cấp. Mặc dù vậy, người dân khu vực nội thành TPHCM hiện vẫn chưa có động thái gì đáng kể chuẩn bị ứng phó với bão. Nhiều người cho biết, họ “không biết làm gì” vì chưa từng có kinh nghiệm phòng chống bão.

Bên cạnh đó, nguy cơ triều cường dâng cao do tác động của bão cũng có khả năng khiến đời sống người dân TPHCM bị đảo lộn lớn trong những ngày tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm