Bảo tồn văn hóa áo dài Việt thông qua các hoạt động thực tiễn

Phương Minh - Ảnh: Bình Quách
10/01/2020 - 10:45
Bảo tồn văn hóa áo dài Việt thông qua các hoạt động thực tiễn
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam là người rất quan tâm đến việc phát triển văn hóa áo dài thông qua các hoạt động thực tiễn. Chương trình giao lưu “Bảo tồn văn hóa áo dài Việt Nam” cũng là một trong những hành động thiết thực của anh để tôn vinh nghề áo dài.

Đã có không ít ý kiến của các nhà nghiên cứu áo dài, nhà thiết kế về công tác bảo tồn văn hóa áo dài. Tuy nhiên, để câu chuyện bảo tồn áo dài thực sự phát huy giá trị cần sự chung tay của cộng đồng. Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc từng nhấn mạnh: "Chúng ta phải củng cố hơn di sản áo dài. Các cơ quan chức năng cần tính đến việc tổng hợp hồ sơ trình các tổ chức quốc tế xem xét, công nhận trang phục áo dài của Việt Nam là di sản văn hóa".

Áo dài của người phụ nữ Việt từ bao đời nay đã trở thành hình ảnh thân thuộc, được xem như quốc phục của Việt Nam. Mới đây, nhân Ngày giỗ tổ nghề may, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam và các học trò là những nhà thiết kế áo dài trong cả nước đã tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu với chủ đề Bảo tồn văn hóa áo dài Việt Nam. Hơn 100 nhà thiết kế áo dài cùng nhau chia sẻ những khó khăn, ý chí và bài học thành công từ ngành may.

Bảo tồn văn hóa áo dài Việt thông qua các hoạt động thực tiễn - Ảnh 1.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam tại buổi giao lưu "Bảo tồn văn hóa áo dài Việt Nam"

Nói về lịch sử Ngày giỗ tổ nghề may, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết: Theo người xưa truyền lại, xưa ở làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, trấn Sơn Tây) có bà Nguyễn Thị Sen nết na, xinh đẹp, giỏi trồng dâu, dệt vải, thêu thùa. Khi vua Đinh Tiên Hoàng đến làng Trạch Xá kén chọn hiền tài giúp nước đã gặp và nên duyên cùng bà, phong bà làm Cồ Quốc Hoàng hậu. Để các thế hệ con cháu biết về công đức to lớn của bà đối với nghề may, người dân làng Trạch Xá đã cùng nhau lập nên đền thờ Thánh Tổ nghề May và lấy ngày bà qua đời làm ngày tổ chức lễ hội Giỗ tổ nghề may, chính là ngày 12 tháng Chạp âm lịch.

Là một trong những nhà thiết kế luôn mong muốn các thế hệ học trò sẽ thành công trong lĩnh vực may mặc, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam thường xuyên có những hoạt động tưởng nhớ công lao thế hệ đi trước và viết tiếp truyền thống ngành may. Chia sẻ tại chương trình Bảo tồn văn hóa áo dài Việt Nam, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết: "Ngày hôm nay khi các nhà thiết kế chia sẻ về quá trình phát triển bản thân để có thể đạt những thành công trong nghề may, họ luôn dành tình cảm và những lời cảm ơn đến tôi. Nhưng tôi nói với học trò mình điều thầy muốn nghe nhất là về thành tựu của các em, về thành công với những giá trị từ ngành may đem lại cho mỗi cá nhân. Tôi không muốn nghe những lời cảm ơn, tôi muốn nghe về thành tựu của học trò để tự hào về họ".

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam là người rất quan tâm đến việc phát triển văn hóa áo dài thông qua các hoạt động thực tiễn. Anh cũng chính là người kết hợp cùng Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thực hiện chương trình Tự hào Áo dài Việt với mục tiêu kết nối văn hóa, quảng bá áo dài Việt Nam, quảng bá văn hóa làng nghề và góp phần thúc đẩy hơn nữa ngành du lịch Việt Nam. Đồng thời, anh cũng chú trọng đến khâu tạo việc làm cho các nhóm phụ nữ yếu thế như phụ nữ bị bạo lực giới, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn...

Đỗ Trịnh Hoài Nam là một trong những NTK áo dài nổi tiếng nhất Việt Nam, hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam. Không chạy theo thị hiếu thông thường, những thiết kế của anh luôn mang đến vẻ sang trọng, thanh lịch và nữ tính. Không chỉ chú trọng vào thiết kế, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam còn luôn tạo điểm nhấn cho sản phẩm của mình khi kết hợp những điểm đặc biệt từ chất liệu, thêu tay, công nghệ in… để tạo được ra một sản phẩm hoàn hảo nhất. Anh cũng là NTK nổi tiếng với việc quảng bá áo dài Việt ra quốc tế. Anh từng có những show diễn tại Mỹ, Anh, Hàn Quốc… 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm