Bảo vật Quốc gia như ‘mỡ để miệng mèo’

25/01/2019 - 14:26
Sau 2 năm chùa Bổ Đà (Bắc Giang) được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, pho tượng Quan âm Tống tử bằng gỗ có niên đại khoảng 200 năm bị mất cắp trước khi đón nhận xếp hạng di tích 1 ngày vẫn chưa được tìm ra.

Cùng với hàng trăm vụ mất cắp cổ vật khác tại Bắc Giang trong những năm qua đang đặt ra một vấn đề rất đáng quan ngại đối với công tác bảo vệ cổ vật tại các di tích.

Tình trạng mất cắp cổ vật rất nghiêm trọng

Nạn mất cắp cổ vật tại các di tích xảy ra khá nghiêm trọng và trên toàn quốc. Một số địa bàn nổi bật về tình trạng mất cắp cổ vật có thể thấy rõ là các di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Số liệu thống kê của Công an tỉnh Bắc Giang, từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn Bắc Giang xảy ra gần 50 vụ xâm hại, trộm cắp di vật, cổ vật, kẻ gian lấy đi hơn 200 di vật, cổ vật các loại. Cho tới nay, hầu hết các vụ mất cắp này đều chưa tìm ra thủ phạm, thu giữ được hiện vật để trả về cho di tích.

4.jpg
Chùa Bổ Đà là Di tích Quốc gia đặt biệt 
 

Không chỉ tại Bắc Giang, các tỉnh thành phố khác trên cả nước tình trạng mất cắp cổ vật cũng diễn ra rất nghiêm trọng. Chùa Kim Long ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã bị mất cắp đến 39 pho tượng quý, có niên đại 300 năm.

Tại Hà Nội, Chùa Nền ở quận Đống Đa bị mất cắp 1 văn bia cổ, 4 bức tượng, 4 sắc phong. Chùa Phù Lưu (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) bị mất chiếc chuông đồng 103kg và nhiều đồ thờ quý giá khác.

Đình Thổ Hà, xã Vân Hà (di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia) là một di tích rất nổi tiếng cũng đã bị kẻ gian đột nhập và lấy mất rất nhiều cổ vật, di vật có giá trị bao gồm: 1 bộ chấp kích cổ (8 chiếc), 1 kiếm thần, 1 nồi hương đồng và 1 đôi hạc đồng. Đó là những cổ vật, hiện vật có ý nghĩa quan trọng trong nghi thức rước tại lễ hội truyền thống gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương từ nhiều thế hệ.

Chưa hết, cũng tại Bắc Giang, "đạo chích" phá cửa sổ lấy đi 4 pho tượng cổ để trơ lại tòa sen gỗ tại chùa Vẽ, phường Thọ Xương. Thực trạng trên đang dóng lên hồi chuông cảnh báo cấp thiết, trong khi các giải pháp và công tác bảo vệ vẫn chưa cho thấy thực sự hữu dụng và tình trạng mất cắp vẫn tiếp tục diễn ra

 

img_7664.JPG
Vườn tháp chứa xá lị, tro cốt của hàng nghìn vị tăng ni trong chùa Bổ Đà

 

Bảo vật như “mỡ để miệng mèo”?

Sư trụ trì chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang) Thích Đàm Vinh cho biết, năm 2009 kẻ gian lấy mất 6 pho tượng Phật, đầu năm 2016, kẻ trộm đã đột nhập lấy đi 1 chiếc chóe cổ và 4 lộc bình, năm 2017 lại mất pho tượng Quan âm Tổng tử. Sau sự việc trên, Nhà chùa đã lắp camera bảo vệ, hàng đêm cơ quan công an đều cử một chiến sĩ vào giúp nhà chùa canh giữ tuy nhiên với cơ sở vật chất sơ sài như hiện nay, nhà chùa rất lo lắng vì nạn mất cắp vẫn có thể xảy ra.

Chùa Bổ Đà là một có vai trò quan trọng trong hệ thống lịch sử tín ngưỡng Phật giáo tại Việt Nam. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý và trùng tu, mở mang vào thời Lê Trung Hưng cũng như các giai đoạn sau này, hiện đang lưu giữ nhiều di vật được xếp hạng bảo vật quốc gia.

1.jpg
Bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được lưu giữ tại chùa Bổ Đà 
 

Trong các bảo vật tại Bổ Đà phải kể đến là Bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị (hiện còn gần 2.000 bản, đã thất thoát rất nhiều do chiến tranh cũng như công tác bảo tồn, bảo vệ chưa được chú trọng trước đây). Đây là các bản khắc do các thiền sư phái Lâm Tế san khắc từ thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn, dùng cho việc in ấn kinh phật cũng như các tài liệu liên quan khác phục vụ việc đào tạo và ghi chép lịch sử cũng như các hoạt động của Nhà chùa và thiền phái.

Vườn tháp trong khuôn viên chùa với hàng trăm ngôi tháp cổ chứa xá lị, tro cốt nhục thân của hàng nghìn vị tăng, ni thuộc thiền phái Lâm Tế với diện tích gần 8.000m2 cũng là vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam. Điểm đặc biệt là các ngôi tháp đều được xây dựng bằng gạch, dùng đất, vôi để chít mạch và vẫn bền vững hàng trăm năm qua. Vườn tháp chùa Bổ Đà được xây dựng trong khoảng 300 năm, kể từ khi sư tổ có tên tục là Phạm Kim Hưng viên tịch. Đặc biệt, có ngôi tháp an táng tới 26 nhà sư, đây là những nhà sư là anh em cùng sơn môn, cùng tu một thầy, khi sống gắn bó với nhau nên khi qua đời vẫn muốn được nằm cạnh nhau.

6.jpg
Sư thầy chùa Bổ Đà bức xúc với tình trạng mất cắp bảo vật

Vốn là nơi tu hành của 19 vị quan trong các triều đại từ thời nhà Lý cùng với hàng nghìn sư tăng, ni và trải qua hàng trăm năm, đường vào chùa rất hẹp khiến mỗi dịp lễ hội khi hàng vạn du khách thập phương đến lễ chùa đều xảy ra tình trạng tắc nghẽn cũng như mất an toàn. Tường rào cũng như cửa cổng bảo vệ của nhà chùa nhiều chỗ đã xuống cấp và so với mức độ trộm cắp liều lĩnh như hiện nay quả thật  các bảo vật như “mỡ để miệng mèo”, một cụ già tại xã Tiên Sơn (xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết.

Sư trụ trì chùa Bổ Đà, Thích Đàm Vinh cho biết, ông rất mong các ngành, các cấp và các nhà chuyên môn hãy nghiên cứu và giúp chùa Bổ Đà các giải pháp cũng như biện pháp cụ thể để bảo vệ các bảo vật cũng như nâng cao an toàn cho du khách trong dịp lễ hội sắp tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm