‘Bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được đặt lên hàng đầu!’

31/10/2019 - 13:33
Phát biểu trước Quốc hội về tình hình Biển Đông, Thượng thướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam - khẳng định, công tác đối ngoại, an ninh quốc phòng đã được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được đặt lên hàng đầu.

Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội đang diễn ra thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu về tình hình Biển Đông. Nói về vấn đề này vào sáng 31/10, Thượng thướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam - nhấn mạnh, tại phiên khai mạc kỳ họp lần này, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng đều nêu rõ việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

"Thời gian qua công tác đối ngoại, an ninh quốc phòng đã được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được đặt lên hàng đầu.

Các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối, quan điểm, đối sách của Đảng là kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia, giữ môi trường hoà bình, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế" - ông nói.

 

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

“Về những hiến hế của người dân theo cách này, cách khác, Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe những ý kiến chính đáng và tâm huyết của nhân dân, đồng thời kiên trì kế thừa truyền thống văn hoá dựng nước của cha ông. Đó là tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Điều gì thuộc về nguyên tắc phải kiên quyết giữ gìn; những vấn đề thuộc về độc lập lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì quyết không nhân nhượng. Nhưng Việt Nam phải có đối sách phù hợp vì truyền thống văn hoá giữ nước của cha ông là hoà hiếu, hoà bình” – Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Nhấn mạnh việc kế thừa và nâng lên tầm cao mới truyền thống văn hoá giữ nước của cha ông, tướng Nghĩa cũng nêu rõ "từng tình huống cụ thể phải có sách lược phù hợp, khẳng định tính đúng đắn, chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế".

“Cần sử dụng tổng hợp các biện pháp, xây dựng thế trận gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, lịch sử, pháp lý, trong đó lịch sử, pháp lý là một trong những căn cứ quan trọng để khẳng định tính chính nghĩa của Việt Nam theo hiến chương của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 và các điều ước khác mà Việt Nam đã cam kết” – ông nói.

Nói về công tác thông tin truyền thông và bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, đây là thách thức rất lớn. Ông đề nghị trong thời gian tới cần tập trung một số vấn đề như: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trong hệ thống chính trị và nhân dân, để nhân dân hiểu vai trò tích cực, mặt tiến bộ của xu hướng thời đại Internet và mạng xã hội. Đồng thời phải nhận diện rõ mặt trái, mặt tiêu cực mà ta phải đấu tranh.

Bên cạnh đó, phải chủ động rà soát lại các giải pháp để chủ động ngăn ngừa đấu tranh kịp thời; Các lực lượng thực thi bảo vệ Tổ quốc và an ninh trên không gian mạng kịp thời chia sẻ các thông tin để chủ động xử lý, bảo vệ trật tự an ninh an toàn xã hội…

Chia sẻ về vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) đồng tình khi cho rằng, không có bất kỳ sự nhân nhượng nào khi nói tới bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, ông đề nghị thông qua các kênh thông tin khác nhau, các cơ quan chức năng cần thông tin kịp thời hơn, đầy đủ hơn cho người dân để "họ yên tâm, tin tưởng vào tương lai, kết quả bảo vệ chủ quyền của đất nước".

Còn theo ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai), các báo cáo chính thức và phát biểu trên nghị trường liên quan đến vấn đề Biển Đông cần nêu rõ "hành động vi phạm nghiêm trọng vùng biển của Việt Nam được xác định theo các luật pháp quốc tế là ai?".

ĐB Quốc nhấn mạnh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam trên diễn đàn quốc tế đã phát biểu Trung Quốc là bên gây bất ổn ở Biển Đông. Như vậy trên diễn đàn Quốc hội, các ý kiến liên quan không nên thay thế chỉ đích danh Trung Quốc bằng khái niệm rất mơ hồ là "nước ngoài".

“Không nên né tránh gọi tên "một quốc gia văn minh nhưng cũng đáng lên án bởi những việc làm trái với luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của Việt Nam" - ông thẳng thắn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm