Bảo vệ con hay giúp con tự bảo vệ?

21/02/2019 - 14:00
Những vụ án gần đây được truyền thông cập nhật với nhiều tình tiết rợn người khiến phụ huynh vô cùng lo lắng về sự an toàn của con cái khi các con bước chân ra khỏi nhà.

Mới đây, tôi có cuộc gặp rất ngắn với đứa cháu trai đang du học tại Nhật Bản. Cháu sang đó học đã 1 năm, được theo dõi khá đầy đủ thông tin về vụ án cô bé Nhật Linh 9 tuổi bị sát hại trên đường đi tới trường. Theo thông tin đăng rộng rãi trên báo chí Nhật Bản và Việt Nam, cảnh sát sau đó đã bắt nghi phạm, là người đàn ông từng làm Hội trưởng Hội phụ huynh của trường - nơi Nhật Linh đang theo học. Dù bị cáo thực hiện quyền im lặng nhưng trước tất cả các chứng cớ mà cảnh sát thu thập được, tòa án Nhật Bản đã kết tội ông này chính là hung thủ sát hại bé Nhật Linh. Các công tố viên đề nghị tử hình nhưng cuối cùng, tòa án chỉ tuyên mức án chung thân đối với kẻ thủ ác đó.

 

Con trẻ cần phải thêm các kỹ năng sống từ nhiều nguồn, chứ không thể chỉ từ sự dạy dỗ của các phụ huynh. Ảnh minh họa

 

Vụ án bé Nhật Linh rúng động dư luận Nhật Bản và Việt Nam, lấy đi rất nhiều nước mắt của các bậc phụ huynh có con đang ở lứa tuổi đến trường. Trong cuộc trò chuyện, cháu trai tôi nói, nhiều người dân Nhật Bản đã phải rà soát lại cuộc sống, đặc biệt chú ý tới tất cả những người liên quan mà trước đây họ cho rằng mình đã tin tưởng. Đôi khi người ta chỉ phòng ngừa người lạ, mà quên đi mối hiểm nguy ở ngay kế bên.

Gần đây, vụ án cô sinh viên 21 tuổi ở Điện Biên bị những tên ác nhân sắp xếp lừa gọi mang gà tới bán rồi đánh đập, cưỡng hiếp và giết hại đang thu hút sự chú ý của công luận. Kẻ ác thì đã có kế hoạch phạm tội, như cách chúng đứng trong bóng tối quan sát người đang ở ngoài sáng. Những người trưởng thành và có nhiều va chạm như các tài xế taxi, chạy xe ôm, vẫn có thể bị lừa và trở thành nạn nhân của những kẻ giết người “máu lạnh”. Nhiều bài học cảnh giác đôi lúc bị lãng quên. Sự răn dạy của phụ huynh, của thầy cô là những lý thuyết màu xám, trong khi cuộc đời vốn xoay đủ màu sắc, thực tế vốn khắc nghiệt hơn sách vở.

Vậy, làm sao để con trẻ có thể có đủ sự nhạy cảm để chống đỡ lại những kế hoạch sắp đặt ác độc? Chúng ta cần nhiều khóa học dạy kỹ năng sống thế nào để các con dự cảm được người tốt, người xấu, việc tốt, việc xấu?

Ở lứa tuổi còn nhỏ, các con thường rất thần tượng và chia sẻ mọi chuyện với ba mẹ. Nhưng càng lớn lên, với tâm sinh lý thay đổi, dần dần con cái rút vào cuộc sống riêng tư cá nhân. Nhiều phụ huynh than thở rằng, để rủ cậu con trai, cô con gái bắt đầu ở tuổi teen (từ 10 tuổi trở lên) đi chơi cùng gia đình, tham gia các hoạt động chung của gia đình, thậm chí chỉ cần đứng chụp hình chung, càng ngày càng khó. Sự chia sẻ những suy nghĩ của các con với cha mẹ không hề dễ dàng như trước đây. Bởi vậy, nhiều phụ huynh đã phải “đóng giả” là các nhân vật hot girl, hot boy để kết bạn với con cái mình trên mạng xã hội. Các bậc cha mẹ còn phải cất công học cách thể hiện ngôn ngữ theo đúng lứa tuổi của con mình, để không bị phát hiện, không bị chặn hoặc từ chối kết bạn.

Sự phát triển của internet và các phát minh ngày càng hiện đại của các thuật toán, khiến những mối quan hệ và các chia sẻ trong gia đình mỗi ngày mỗi lỏng lẻo. Mỗi sáng cuối tuần, nếu ra quán cà phê, chỉ cần quan sát một chút, chúng ta dễ dàng nhìn thấy nhiều gia đình đi cùng nhau nhưng gần như không giao tiếp với nhau. Cha mẹ, con cái, mỗi người đều có sự quan tâm vào điện thoại hoặc iPad. Vì tất cả nhiều lý do trong cuộc sống như vậy, thật sự con trẻ cần phải thêm các kỹ năng sống từ nhiều nguồn, chứ không thể chỉ từ sự dạy dỗ của các phụ huynh.

Ảnh minh họa

 

Chúng ta từng nghe, từng biết câu chuyện những thiếu nữ thần tượng các nhóm nhạc đến mức chạy tới hôn cả chiếc ghế mà “idol” vừa ngồi; những giọt nước mắt tức tưởi không có lý do của nhiều fan khi đón người nổi tiếng tại sân bay. Trên các kênh Youtube cá nhân, giới trẻ rất biết cách thu hút khán giả nhỏ tuổi bằng những việc người lớn cho rằng “tào lao” như ăn các món “kinh dị”, hoặc “chế” những đồ chơi có thể có hại cho trẻ nhỏ nếu nuốt vào người.

Nên chăng, người lớn cũng phải theo “trend” - xu hướng, để hòa nhịp với cuộc sống hiện nay. Chúng ta cần có thêm nhiều kênh Youtube để chỉ dẫn về kỹ năng sống với cách thực hiện, cách sử dụng ngôn ngữ gần gũi với giới trẻ. Sự áp đặt cho các con phải học “đúng quy trình” đã không còn phù hợp. Tố chất nhạy cảm của 1 con người có thể do tư chất cá nhân nhưng cũng do môi trường giáo dục tác động. Thời nay, giáo dục online là cách tiếp cận tốt nhất, nhanh nhất và cũng rẻ nhất đối với đại chúng. Song song đó, vẫn cần sự quan tâm và thường xuyên trao đổi của cha mẹ, của thầy cô, bạn bè.

Cảm giác được hoàn cảnh và con người nguy hiểm là bài học lớn nhất và quan trọng nhất không chỉ của trẻ nhỏ, mà còn cần cho cả người đã trưởng thành.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm