Bao xơ, biến chứng ám ảnh khi nâng ngực

29/03/2017 - 10:55
Dù túi nâng ngực đã cải tiến đến thế hệ thứ 6 thì vẫn có biến chứng với tỷ lệ 1%-6% trong đó bao xơ là biến chứng khó chịu nhất cho người đặt túi nâng ngực.
Sau 3 năm đặt túi ngực bằng phương pháp qua đường quầng vú, chị T.T.L, 32 tuổi, ở Hải Phòng, phải tìm đến bác sĩ vì gần đây chị cảm thấy bầu ngực có triệu chứng bị co cứng, đau nhức. Tới thăm khám tại bệnh viện, chị được chẩn đoán gặp biến chứng bao xơ co thắt lộ túi, túi gợn sóng, mô tuyến rất mỏng, cần mổ lấy bao xơ và đặt túi ngực khác. Đây là trường hợp biến chứng bao xơ co thắt sau phẫu thuật nâng ngực rất điển hình.
nang-nguc-bao-xo.jpg
Đặt túi ngực bị bao xơ phải xử lý lại
BS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM cho biết, túi ngực là vật liệu dùng trong y khoa có nhiều cải tiến theo thời gian. Hiện chúng ta đã có thế hệ túi ngực thứ 6 để sử dụng.

Về kỹ thuật đặt túi ngực cũng có nhiều tiến bộ và gần như hoàn thiện quy trình đặt túi ngực sao cho đạt 2 mục tiêu chính là đẹp và an toàn. Trong đó, tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu, vì nếu có di chứng bất lợi sẽ không còn tính thẩm mỹ nữa.
 
Người có khuôn ngực nhỏ chưa vừa ý, mong muốn cải thiện hình dạng ngực của mình và tuổi trên 18 là đối tượng phù hợp để đặt túi ngực. Để tránh rủi ro, những người muốn đặt túi ngực, phải có sức khỏe đầy đủ, không bị rối loạn đông máu, không bị rối loạn miễn dịch, không bị các bệnh cấp tính.

Nếu mắc những bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, đều phải được kiểm soát cho ổn định trước khi tiến hành phẫu thuật. Nếu tuân thủ đúng các quy định về chuyên môn, túi ngực tốt, bác sĩ có tay nghề vững vàng thì tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật này hiện nay là rất thấp (1-6% tùy loại biến chứng).
hau-qua.jpg
Đặt túi ngực không cân đối
BS Lê Hành cũng chỉ ra những biến chứng có thể gặp sau khi đặt túi ngực. Cụ thể, gồm nhóm biến chứng sớm (trong vòng 6 giờ đầu sau mỗ) và biến chứng muộn có thể sau 3 hoặc 6 tháng. Một số biến chứng sớm như chảy máu trong khoang túi nâng ngực gây sưng, đau… buộc phải mở lại khoang túi cầm máu; rách các cấu trúc bình thường trong khoang túi nâng ngực. Một số biến chứng muộn như nhiễm trùng thường xảy ra vào ngày thứ 4 đến thứ 10 sau mỗ...
 
Bao xơ co thắt là biến chứng khó chịu nhất của phẫu thuật đặt túi ngực. Đó là phản ứng của cơ thể đối với vật lạ. Tỷ lệ bao xơ co thắt nói chung hiện nay là 1-5%. Có 2 loại bao xơ: Bao xơ sinh lý là một lớp xơ do cơ thể tạo lập quanh bất cứ vật lạ nào nhằm mục đích bảo vệ. Bao xơ này thường mỏng, mềm mại, xuất hiện chậm và không gây ra một triệu chứng lâm sàng nào đáng kể, được gọi là bao xơ sinh lý. Đối với túi ngực thì những triệu chứng như bao xơ sinh lý xuất hiện rất chậm, có thể 10-20 năm sau khi đặt túi.
 
Bao xơ bệnh lý: đây là bao xơ sinh lý bị kích hoạt và phát triển nhanh, nặng. Đây là bao xơ sinh lý được kích hoạt bởi một số yếu tố rất đa dạng có thể từ cơ địa bệnh nhân, chất lượng túi ngực, thao tác phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân nên bao xơ xuất hiện sớm, dày, co rút và làm biến dạng ngực, gây đau, ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân và thẩm mỹ.
 
“Điều cần lưu ý khi quyết định thực hiện đạt túi ngực là cần chọn bác sĩ an toàn, cơ sở an toàn, bệnh nhân an toàn và túi ngực an toàn”, BS Lê Hành khuyên.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm