Bắt đầu Lễ Quốc tang 2 ngày nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

06/10/2018 - 07:42
Hôm nay 6/10, tang lễ đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức theo nghi thức Quốc tang, diễn ra tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
ton2.jpg
Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội trước giờ viếng

 

Từ sáng sớm, an ninh trên các tuyến phố dẫn vào Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, đã được thắt chặt. Các cửa ngõ giao thông dẫn đến khu vực này đều có các lực lượng cảnh sát và dân phòng túc trực để đảm bảo giao thông thông suốt.
Phía trong nhà tang lễ, hàng chục vòng hoa, băng tang, tiêu binh đã được chuẩn bị sẵn để phục vụ tang lễ. Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng.

Theo chương trình, lễ viếng đồng chí Đỗ Mười bắt đầu từ 7 giờ ngày 6/10 đến 7 giờ 30 phút ngày 7/10; lễ truy điệu được tổ chức vào 9 giờ ngày 7/10.

Sau đó linh cữu đồng chí Đỗ Mười được đưa về an táng tại quê nhà, khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.

Cùng thời gian này, lễ viếng, lễ truy điệu đồng chí Đỗ Mười cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất TPHCM.

Trong 2 ngày Quốc tang (ngày 6 và 7/10), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí. 

Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng đồng chí Đỗ Mười tại Hà Nội, TPHCM.

treoco-cs5.jpg
Cờ rủ được treo trên Cột cờ Hà Nội

 

Lễ viếng, mở sổ tang đồng chí Đỗ Mười tại nhiều nước


Theo TTXVN, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc (LHQ) đã tổ chức trọng thể lễ viếng và mở sổ tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại TP New York. Trong ngày 4-10, đông đảo kiều bào, sinh viên, đại sứ, đại diện các phái đoàn tại LHQ, các tổ chức đa phương tại TP New York và quan chức địa phương đã đến chia buồn và ghi sổ tang.

Sáng 5/10, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Tadamori Oshima, Phó Chủ tịch Hạ viện Hirotaka Akamatsu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Norikazu Suzuki, cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Tsutomu Takebe, Đại sứ đặc biệt Việt - Nhật Sugi Ryotaro, đại sứ các nước Lào, Thái Lan, Bulgaria... tại Nhật Bản, cùng nhiều quan chức Nhật Bản, bạn bè nước ngoài đã tới viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản.

Cùng ngày, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan, đại diện cộng đồng kiều bào trên toàn Thái Lan, cựu Thủ tướng Thái Lan Chuan Leekpai, đại sứ, đại diện các phái đoàn ngoại giao Cuba, Singapore, Australia, Lào… đã đến chia buồn và ghi sổ tang.
Tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cho hyun; đại diện dòng họ Lý - ông Lý Thừa Vĩnh; nhiều đoàn đại sứ quán các nước tại Hàn Quốc đã đến viếng và ghi sổ tang.

myanmar.jpg
Đại sứ Mỹ tại Myanmar Scot Marciel đến viếng và viết sổ tang. Ảnh: TTXVN

 

Tại Campuchia, trong 2 ngày 4 và 5/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Hoàng cung Campuchia Samdech Kong Sam Ol đã đến viếng, chuyển thư chia buồn của Quốc vương Norodom Sihamoni đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong thư chia buồn, Quốc vương Norodom Sihamoni đã bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc nhất khi nhận được tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần. 

Đại sứ quán Việt Nam tại Australia đã tổ chức trọng thể lễ viếng và mở sổ tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Lễ viếng và mở sổ tang sẽ diễn ra đến hết ngày 7/10.
Tối 5/10, các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Đức, Bỉ, Ukraine, Myanmar và Israel cũng tổ chức trọng thể lễ viếng và mở sổ tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viết trong điện chia buồn gửi đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Thay mặt Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc và với danh nghĩa cá nhân, tôi xin bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Đỗ Mười, xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình đồng chí Đỗ Mười”. Ông Tập Cận Bình cho rằng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, có đóng góp quan trọng vào mối quan hệ giữa hai nước.
 
do_muoi.jpg
 

Đồng chí Đỗ Mười sinh ngày 2/2/1917 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội; thường trú tại số nhà 11, phố Phạm Đình Hổ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. 

Đồng chí Đỗ Mười tham gia hoạt động cách mạng năm 1936; vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 6/1939. Nguyên: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III, IV, V, VI, VII, VIII; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa IV; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Thường trực Ban Bí thư khóa VI; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 6-1988 đến tháng 6-1991); Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ tháng 6-1991 đến tháng 12-1997); Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (từ năm 1997 đến năm 2000); đại biểu Quốc hội các khóa II, IV, V, VI, VII, VIII và IX. 

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí Đỗ Mười đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1/10/2018 (tức ngày 22/8 năm Mậu Tuất), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đỗ Mười đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm