Bắt đền khi đồ chơi của con bị làm hỏng

18/07/2016 - 13:50
Trẻ nhỏ chơi với nhau, tranh giành đồ chơi là chuyện thường gặp. Hầu hết khi đồ chơi của con bị hỏng do các bé giành nhau, bố mẹ thường hào phóng nói ‘không sao’, nhưng bố mẹ Pháp lại không như vậy.
bat-den-do-choi-1.jpg

Ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á, cha mẹ thường không chủ động yêu cầu bồi thường món đồ chơi của con mình bị bé khác làm hỏng, vì nghĩ rằng đồ chơi của trẻ không đáng giá nhiều tiền, làm như vậy thật quá hẹp hòi. Tuy nhiên mẹ của bé Komori lại cho rằng, đây không chỉ là vấn đề đồ chơi, mà nó còn có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành tính cách của trẻ. Việc đền đồ chơi là cách dạy cho các bé biết rằng, không phải cứ nói lời xin lỗi sẽ nhận được câu trả lời “ừ, không sao đâu”, để các bé học được cách tự ý thức và đối mặt với sai lầm, dũng cảm chịu trách nhiệm khi gây ra thiệt hại.

Bé Komori năm nay 3 tuổi, rất ngoan ngoãn lễ phép. Bố mẹ bé đều từng du học và làm việc ở nước ngoài, chịu không ít ảnh hưởng của phương Tây trong cách nuôi dạy con.

Bố mẹ Komori vừa rồi có dịp đưa con đi biển cùng gia đình bạn bè. Một buổi chiều, cả đoàn gồm 10 người lớn và 5 trẻ nhỏ đang cùng nhau vui chơi trên bãi biển, nhặt vỏ sò, tìm bắt cua, cậu bé Tintin trạc tuổi Komori đột nhiên chạy ra bắt một con tôm trong chiếc xô nhỏ của cô bé, nhưng Komori không chịu, hai bé cứ thế giằng co chiếc xô.

Mẹ Tintin chạy ra ngăn con mình nhưng không kịp, quai xách của chiếc xô đã bị gãy hỏng, cá, tôm và vỏ sò ở trong đó đều đổ ra ngoài, nằm rải rác trên cát. Cả hai bé lúc đó đều khóc to.

Mẹ Komori bế con lên vỗ về, mẹ Tintin nói với con lấy đồ của người khác là không đúng. Sau vài phút cả hai bé đều bình tĩnh trở lại, mẹ Tintin mới hướng dẫn con mình xin lỗi Komori.

- Tintin xin lỗi con rồi, con có muốn thứ lỗi cho bạn không? - mẹ Komori hỏi cô bé.

- Con muốn xô của con, xô màu vàng cơ!

- Nhưng xô bị hỏng rồi.

- Tintin đền con xô màu vàng...

Ý của Komori rất rõ ràng, muốn Tintin đền cho mình một chiếc xô giống hệt như cái vừa bị hỏng.

Thông thường trong hoàn cảnh này, hầu hết các phụ huynh sẽ đứng ra giảng hòa, dỗ dành con mình, hướng bé chú ý đến đồ chơi khác, hoặc hứa hẹn sẽ mua cho bé cái giống như thế. Nhưng điều khiến mọi người ngạc nhiên là, mẹ Komori hỏi lại ý kiến của con một lần nữa:

- Con muốn Tintin mua đền con một cái xô y hệt đúng không?

Komori gật gật đầu.

- Tintin đền xô rồi con sẽ thứ lỗi cho bạn chứ?

- Vâng.

- Cái xô đó mua ở siêu thị gần đây, chúng ta đi xem còn cái nào như thế không. - Mẹ Komori quay sang Tintin và mẹ cậu bé nói.

Mẹ Komori đã chủ động yêu cầu như vậy, mẹ Tintin đành phải đồng ý đưa cậu bé đi mua một cái xô y hệt để đền cho cô bé. Mọi người xung quanh chứng kiến đều cảm thấy mẹ Komori chuyện bé xé ra to.

bat-den-do-choi-12.jpg

Sau khi mọi việc được giải quyết êm đẹp, cả hai bé lại chơi với nhau vui vẻ. Đến buổi tối trước khi ăn cơm, bố mẹ Komori đưa con đến chỗ Tintin, cô bé đưa cho Tintin một vỏ ốc biển rất đẹp: “Tintin, tặng cậu này!”

Mẹ Komori cười nói với cậu bé: “Hôm nay cháu lấy đồ của Komori nhưng đã mạnh dạn nhận lỗi, còn chịu trách nhiệm đền cho Komori cái xô mới, rất là giỏi. Sau này hai bạn chơi tốt với nhau nhé!”

Tintin vô cùng vui mừng nhận lấy vỏ ốc được tặng, không biết rằng giá trị của nó còn nhiều hơn một chiếc xô.

Giải thích với mọi người về hành động buổi chiều của mình, mẹ Komori nói rằng, ở Pháp các bà mẹ đều sẽ lựa chọn cách giải quyết giống chị với hai lý do:

Thứ nhất, trẻ nhỏ chơi với nhau nếu làm hỏng đồ thì nên dạy cho trẻ biết không thể dùng một câu xin lỗi đơn giản để giải quyết sự việc. Trong thế giới của trẻ, các bé không phân biệt món đồ có giá trị cao hay thấp, chỉ có thích hay không thích. Bồi thường là cách dạy cho trẻ làm hỏng đồ của bạn biết chịu trách nhiệm với hành động của mình, cũng là cách để trẻ bị tổn hại đồ biết biểu đạt cách nghĩ thật sự của bản thân, biết bảo vệ lợi ích của mình.

Thứ hai, sau khi sự việc đã giải quyết xong, bố mẹ Komori muốn con mình tặng Tintin món đồ được mua ở ngoài hoặc có sẵn trong số đồ chơi của cô bé để Komori học được cách tha thứ và chia sẻ, và cũng để khích lệ hành động dám làm dám chịu củaTintin. Các bé sẽ biết cần phải đối mặt với lỗi sai mình gây ra, đồng thời hiểu được không phải tất cả sự việc dùng một lời xin lỗi đều có thể coi như không vấn đề gì.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm