Một ngày đẹp trời, con gái gọi điện về báo tin giật gân: “Tết này con về chơi và đưa bạn trai về ra mắt bố mẹ”. Trời đất ơi! Vợ chồng tôi sung sướng đến vỡ tim. Nhưng khi hỏi: “Bạn trai con là ai? Làm nghề gì?” nghe con gái trả lời: “Anh ấy người Mỹ gốc Anh, là nông dân trồng nho tại trang trại gia đình” thì cả nhà tôi choáng. Vợ tôi rú lên: “Ối con ơi là con. Đường đường là một kỹ sư kinh tế, từ bé chỉ biết học hành, giờ lấy chồng vào gia đình chân lấm tay bùn thì chịu sao nổi? Thôi, thà ế chứ không thể cho nó làm vợ nông dân được”. Nói rồi bà ấy khóc hu hu qua màn hình webcam khiến con gái nhìn thấy phải phì cười. Để mẹ khóc xong, con gái liền chiếu cho mẹ xem một loạt ảnh về gia đình người yêu của nó. Nào là căn nhà như biệt thự vườn đẹp mê hồn, nào là cảnh gia đình xum họp bên bàn ăn đông vui đầm ấm, nào là ông bố lái máy cày trên cánh đồng, nào là cảnh cánh đồng nho trĩu quả, anh “nông dân” người yêu nó đang hái nho với đôi găng tay và bộ quần yếm rất đẹp trai… Vợ tôi nhìn cứ trố cả mắt nhìn.
Một lúc sau, tôi hỏi bà ấy: “Bà thấy nông dân Mỹ có chân lấm tay bùn như bà nghĩ không? Bữa ăn nhà người ta cũng ngon lành như bữa tiệc, căn nhà người ta như nhà đại gia ấy. Bà còn lo con gái bà chết đói hay vất vả gì?”. Vợ tôi vẫn mếu máo: “Nhưng nhà mình không biết tiếng nước họ, khi ăn hỏi, cưới xin, biết nói với nhau thế nào? Nó lấy chồng mà sinh con bên ấy thì tôi chẳng sang chăm đâu vì mình thành câm điếc đối với họ. Họ lại khinh cho…”. Câu này thì vợ nói trúng tim đen của tôi. Điều tôi lo nhất là bất đồng ngôn ngữ đối với thông gia chứ không phải lo con gái vất vả. Vì thế tôi nói thẳng: “Chúng nó đã quyết lấy nhau rồi, ta không gàn được nữa. Điều quan trọng bây giờ là vợ chồng mình phải bí mật đi học ngoại ngữ để chuẩn bị nói chuyện được với nhà họ. Kẻo nó chửi mình mà mình lại nhe nhởn cười thì nhục lắm”. May sao vợ tôi đồng ý ngay.
***
Dạo này không hiểu sao quán cháo gà đêm nhà ông Lê cứ đóng cửa vào tối thứ hai, thứ tư và thứ sáu. Cả phố có quán cháo này nổi tiếng nhất, nhiều khách ăn quen tìm đến thấy đóng cửa khiến họ phát cáu. Hỏi lý do không ai biết. Bà bán tạp hóa bên cạnh nói kháy: “Chắc cậu mợ ấy đưa nhau đi nhảy đầm đêm đêm”. Một bà khác ra ý hiểu: “Thảo nào hôm nọ thấy bà chủ cháo gà sắm mấy cái váy. Dào ơi, ăn chơi bất ngờ!”.
Thế rồi một buổi sáng, bà chủ tạp hóa phát hiện ra trong nhà ông Lê có tiếng gì như tiếng đọc kinh rất to. Bà ta liền ghé sát tai vào khe cửa nghe trộm. Trời ạ, toàn ngôn ngữ lạ lắm không hiểu gì cả. Nhưng sáng hôm sau, rồi hôm sau nữa… cũng vẫn cảnh nhà ông Lê đóng cửa im ỉm, trong nhà phát ra những tiếng đều đều như đọc kinh nhưng không hiểu nội dung là cái gì. Bà hàng xóm tò mò quá liền kể với con dâu. Sáng hôm sau, cô con dâu liền ghé tai vào cửa nhà ông Lê nghe thử. Nghe xong cô ta cười khùng khục nói với mẹ: “Chẳng phải đọc kinh đâu. Hai bác ấy học tiếng Anh đấy. Họ chuyện trò với nhau bằng tiếng Anh và đọc bài cho nhau nghe”. Bà hàng xóm kinh ngạc: “Học tiếng Anh làm gì cơ chứ? Cả mấy năm bán cháo gà có thằng Tây nào vào quán đâu mà phải học tiếng Anh. Bỏ cả bán cháo mấy đêm, mất hết khách. Đúng là vợ chồng dở hơi!”.
***
Đúng. Vợ chồng dở hơi ấy là vợ chồng tôi. Đến hôm nay chúng tôi đã học được 2 tháng tiếng Anh giao tiếp. Một hôm tôi bàn với vợ: “Để trau dồi vốn tiếng Anh tốt, mình nên treo biển thông báo với khách hàng: Ai vào quán ăn cháo gà, giao tiếp bằng tiếng Anh với chủ quán sẽ được miễn phí một nửa bát cháo”. Vợ tôi vui lắm, hồ hởi đồng tình ngay.
Chọn một tối cuối tuần đẹp ngày, chúng tôi khai trương chương trình “Bán cháo và giao tiếp tiếng Anh” ấy. Cửa hàng vừa mở, vợ tôi đã lau tau ra “Hê nô! hê nô!” loạn cả lên rồi mời họ rối rít: “Em căm to riu” khiến khách hàng được trận cười chảy nước mắt. Mấy cậu thanh niên biết vợ tôi nói tiếng Anh bồi lại còn sai liền hùa theo: “Cháu căm to riu” (thực ra là “Welcome to you”). Tuy vậy vẫn được vợ tôi trừ cho nửa tiền bát cháo.
Tiếng lành đồn xa. Tối hôm sau, các cháu sinh viên ồ ạt đến quán tôi. Chúng vừa vào hàng đã “Hello!”, “Hi, welcome!”, “good night”… náo loạn cả quán. Vợ tôi và tôi mướt hết cả mồ hôi để nghe các cháu yêu cầu. Có cậu sinh viên khen gà ngon lắm (This chicken rice soup is good), vợ tôi nghe xong hỏi lại cậu ta: “Cậu thích và cần cháo gà nhưng sợ gút phải không?” khiến cậu sinh viên kia cười lăn ra bàn, cháo đổ tung tóe. Đấy, đại loại giao tiếp của vợ chồng tôi là như vậy. Nhưng hậu quả là thu nhập của chúng tôi từ cháo bị lỗ vốn trông thấy.
***
Một buổi tối, vợ tôi đem nỗi buồn bán cháo kể cho con gái nghe. Nó phát hoảng: “Bố mẹ làm thế để làm gì?”. “Để luyện ngoại ngữ, sau này nói chuyện với ông bà thông gia cho tốt, để họ khỏi khinh thường mình”. Yến Hà kêu lên: “Giời ạ! Bố mẹ lo gì không lo lại lo việc bất đồng ngôn ngữ. Việc ấy là của con, đã có con phiên dịch cho bố mẹ hai bên. Họ cũng có biết tiếng Việt đâu. Con sẽ là cầu nối cho hai nhà thông gia. Bố mẹ cứ yên tâm đi”. Nói rồi nó mở màn hình webcam cho chúng tôi nói chuyện với bố mẹ chồng tương lai của nó. Nhìn họ nở nụ cười rất thiện cảm và phúc hậu, tôi liền nhanh nhảu: “Good evening!”. Lập tức con gái nhắc: “Bố nói tiếng Việt đi, không cần tiếng Anh, con sẽ dịch”. Thế là từ lúc đó, Yến Hà dịch trực tiếp cho bố mẹ hai bên chuyện trò.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông chủ vườn nho hỏi thăm: “Nghe nói quán cháo gà của ông bà ngon nổi tiếng ở thành phố, chúng tôi muốn sang thăm để ăn thử”. Yến Hà dịch lại rằng vợ chồng tôi sẵn sàng mời ông bà thông gia sang chơi và ăn cháo gà thì ông bà ấy phấn khởi ra mặt, cười rất sảng khoái.
Từ hôm đó, hai nhà chúng tôi thường xuyên nói chuyện với nhau vào các buổi tối cuối tuần do con gái làm phiên dịch. Họ hồ hởi, tự nhiên, thân thiện. Còn chúng tôi vui vẻ hòa đồng, cảm mến. Thế nên dù không sử dụng thành thạo ngôn ngữ của nhau, hai nhà thông gia chúng tôi cũng sẽ hiểu và con cái chúng tôi sẽ rất hạnh phúc.