pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bất ngờ với tác dụng của hạt cam đối với sức khoẻ và làm đẹp
Mọi người không còn xa lạ gì với quả cam, đây là loại trái cây có hương vị thơm ngon, ngọt hoặc chua nhẹ, giàu vitamin C và chất chống oxy hoá. Đặc biệt, khi ăn quả cam, chúng ta có thể không cần vứt bỏ thứ gì, kể cả là vỏ và hạt của quả cam. Trong đó, hạt cam có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe và làm đẹp. Dưới đây là tác dụng của hạt cam và cách sử dụng loại hạt này.
1. Tác dụng của hạt cam
Hạt cam có thể ăn được, dưới đây là những tác dụng của hạt cam không phải ai cũng biết:
- Giàu chất chống oxy hoá
Giống như phần thịt cam, hạt cam cũng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp cơ thể bạn chống lại các gốc tự do có thể gây tổn hại đến tế bào và dẫn đến lão hóa, viêm nhiễm và bệnh tật.
Các chất chống oxy hóa này hoạt động bằng cách trung hòa các phân tử có hại này, giúp cơ thể bạn khỏe mạnh và phục hồi tốt hơn. Thêm hạt cam vào chế độ ăn uống của bạn có thể là một cách tự nhiên để cải thiện sức khỏe tổng thể.
Bạn có thể nuốt hạt cam khi ăn phần thịt của quả cam, nhưng tránh nhai nát hạt vì sẽ tạo ra vị đắng và khiến bạn khó ăn.
- Giúp tăng cường năng lượng
Ăn hạt cam có thể làm tăng mức năng lượng trong cơ thể bạn hoặc bạn cũng có thể uống trà vỏ cam. Các axit palmitic, oleic và linoleic có trong hạt cam giúp lưu trữ năng lượng trong tế bào người trong thời gian dài.
Bạn có thể đem hạt cam phơi khô và sau đó pha trà uống. Việc bổ sung nước cũng như các chất dinh dưỡng từ hạt cam sẽ giúp bạn có nhiều năng lượng hơn.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch
Hạt cam chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, như vitamin C, đây là loại vitamin có thể giúp tăng cường miễn dịch và phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng.
- Giúp tóc chắc khỏe
Dầu chiết xuất từ hạt cam có thể giúp tóc chắc khỏe và mềm mượt hơn. Vitamin C và bio-flavonoid có trong hạt cam giúp tăng tốc độ lưu thông máu ở da đầu, giúp tóc khỏe mạnh và chắc khỏe. Ngoài ra, axit folic có trong hạt cam cũng có tác dụng tăng cường sự phát triển và chân tóc.
Bạn có thể xay hạt cam thành bột mịn sau đó pha với nước (có thể pha với dầu oliu hoặc dầu dừa để tăng hiệu quả), đem ủ tóc khoảng 1-2 lần/tuần, bạn sẽ thấy mái tóc mềm mượt hơn.
- Tốt cho làn da
Tác dụng của hạt cam đối với làn da là nhờ có chứa các chất chống oxy hóa, có thể chống lại tổn thương da do các yếu tố môi trường như ô nhiễm và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Thêm vào đó, hàm lượng vitamin C của loại hạt này cũng giúp tăng cường sản xuất collagen, giúp da bạn săn chắc và trẻ trung.
Cũng tương tự như cách ủ tóc, bạn đem hạt cam xay thành bột mịn và pha với nước sạch hoặc sữa chua không đường đắp lên mặt khoảng 10-15 phút. Thực hiện đều đặn 1-2 lần/tuần để có kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, những người đang trị mụn hoặc có làn da nhạy cảm nên thận trọng khi sử dụng phương pháp này.
2. Lưu ý khi sử dụng hạt cam
Mặc dù chúng ta có thể nuốt hoặc ăn hạt cam, nhưng loại hạt này vẫn gây ra một số tác dụng phụ nên mọi người cần lưu ý khi ăn.
- Ăn hạt cam vừa phải sẽ không độc và rất hiếm trường hợp bị ngộ độc hạt cam. Tuy nhiên, trong loại hạt này có chứa các chất kháng dinh dưỡng như oxalat, phytate, saponin, nitrat và xyanua. Đáng lưu ý là trong hạt cam cũng có chứa một lượng nhỏ chất độc xyanua, nhưng nếu bạn ăn với lượng nhỏ thì không đáng lo ngại, bạn có thể bị ngộ độc nếu ăn với lượng rất lớn.
- Hạt cam cũng có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa nếu ăn quá nhiều và nuốt nguyên hạt như đầy hơi, đau bụng, buồn nôn.
- Hạt cam có thể gây dị ứng. Do đó, trước khi ăn, bạn nên thử với lượng nhỏ. Nếu thấy các triệu chứng như ngứa, sưng miệng hoặc họng, khó thở, phát ban thì bạn không nên sử dụng loại hạt này.
- Chưa có các nghiên cứu về tính an toàn của hạt cam đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và cho con bú. Do đó, những trường hợp này nên thận trọng khi sử dụng hạt cam. Hơn nữa, đối với trẻ nhỏ, việc nuốt hạt cam có thể gây nghẹn và gây nguy hiểm cho trẻ.
Trên đây là những tác dụng của hạt cam đối với sức khỏe và làm đẹp. Nhưng do vẫn còn ít nghiên cứu về hạt cam nên bạn không nên ăn quá nhiều loại hạt này. Nếu bạn muốn bổ sung hạt cam vào chế độ ăn uống, nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.