Bé 3 tháng bị lao nặng hồi sinh dù cơ hội sống rất mong manh

31/08/2018 - 19:30
Suốt 3 tháng ròng rã, bé trai quê An Giang cùng với đội ngũ y bác sĩ đã chiến đấu chống lại bệnh lao nhiễm từ cha. Đã có lúc tưởng cơ hội sống của bé không còn.
Bé V.T.N là con đầu lòng của đôi vợ chồng quê ở An Giang. Khi bé mới sinh ra thì cha phát hiện bị lao phổi, khi cha đang điều trị lao tấn công đến tháng thứ 2 thì đến lượt bé N. bị bệnh, sốt ho liên tục 1 tuần. Bé nhập viện địa phương điều trị nhưng trình trạng không đỡ, khó thở tăng.
 
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), bác sĩ chẩn đoán phổi của bệnh nhi đã trắng xóa, kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị nhiễm lao kê rất nặng.
 
Các bác sĩ đã tiến hành chọc hút khí màng phổi nhiều lần cấp cứu kịp thời do các kén lao vỡ. Lúc nặng nhất phải thở máy rung tần số cao để đảm bảo trao đổi khí cho bé, điều trị kháng sinh và kháng lao tấn công hơn gần 3 tháng đúng phác đồ.  
 
Phổi của bệnh nhi đã sáng dần lên, mô phổi giảm tổn thương và thông khí ngày càng hiệu quả, các kén khí lớn giảm rõ rệt. Các bác sĩ đánh giá nguy cơ tràn khí màng phổi, suy hô hấp có cải thiện và có khả năng ít tái phát.
 
benh-nhi-lao-ke.jpg
Mẹ bệnh nhi hạnh phúc khi con hồi sinh.

 

Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để điều trị tiếp tục phác đồ lao trong khoảng 15 ngày và đã được xuất viện về với gia đình.
 
Bác sĩ cho biết, trẻ mắc lao bẩm sinh thường do người mẹ mắc bệnh khi đang mang thai hoặc có thể đã mắc trước đó nhưng không được phát hiện. Cũng có một số ít trẻ sơ sinh nhiễm lao khi vừa lọt lòng do tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây từ phòng sinh, người thân gia đình. Những trường hợp này vẫn được gọi là bệnh lao bẩm sinh. Hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh vốn dĩ rất yếu nên khi biết mắc bệnh này, trẻ cần được điều trị ngay để tránh biến chứng. Nếu phát hiện trễ, các bé có thể mắc các thể lao nặng như lao kê, lao màng não, dễ dẫn đến tử vong.
 
Để phòng bệnh cho trẻ, nếu trong nhà có người bị bệnh lao, cần phải cách ly trẻ với người bệnh, tốt nhất là không ở cùng nhà với người bệnh. Người mắc bệnh lao không ho, khạc đờm bừa bãi; tránh tiếp xúc, hôn hít trẻ nhỏ cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm