Bê bối thịt ‘bẩn’ ở Brazil: Việt Nam có nhập khẩu thịt từ nước này

21/03/2017 - 11:06
Hiệu ứng domino từ vụ bê bối thịt "bẩn" ở Brazil đã xảy ra khi Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc và Chile dừng nhập khẩu thịt của nước này. Việt Nam cũng là nước có nhập khẩu thịt từ Brazil.
Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, Ngoại thương Brazil, trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt với trị giá kim ngạch đạt 12,8 triệu USD, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Brazil khuyến cáo: “Nhập khẩu thịt từ Brazil có chiều hướng tăng mạnh. Các cơ quan chức năng của nước ta cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm các sản phẩm thịt nhập khẩu từ Brazil thực sự an toàn đối với người tiêu dùng".
be-boi-thit-bo-ban-brazil-1.jpg
Brazil từng nổi tiếng là quốc gia xuất khẩu thịt bò, thịt gia cầm số 1 thế giới
Sau cuộc điều tra kéo dài 2 năm, bê bối liên quan tới ngành công nghiệp chế biến thịt của Brazil bị cảnh sát phanh phui. Đã có nhiều quan chức nắm quyền thanh tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm của Brazil đã nhận hối lộ và để mặc cho các doanh nghiệp “tự tung tự tác”, tuồn thịt bẩn ra thị trường. Cảnh sát đã buộc tội các hãng BRF, JBS cùng nhiều doanh nghiệp chế biến thịt khác hối lộ để được thả lỏng quy trình kiểm định chất lượng. BRF là nhà xuất khẩu thịt gia cầm, còn JBS là nhà sản xuất thịt bò lớn nhất thế giới. Theo đó, người ta đã phát hiện thấy trong các sản phẩm thịt chế biến của các hãng này có cả khuẩn salmonella, một loại khuẩn biến thức ăn thành độc hại với con người.
be-boi-thit-bo-ban-brazil-2.jpg
Người dân Brazil hoang mang về bê bối thịt bẩn
Người dân Brazil tỏ ra hoang mang sau khi biết thông tin thịt bẩn. Tổng thống Brazil Michel Temer cũng đã mời các đại sứ nước ngoài đến bàn thảo và cố gắng làm dịu bớt tình hình căng thẳng ảnh hưởng đến xuất khẩu. Ông Temer và nhấn mạnh rằng vụ bê bối thịt chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ, không ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm thịt xuất khẩu. Nhà lãnh đạo Brazil cho rằng hệ thống kiểm dịch của nước này là một trong những hệ thống được đánh giá tiêu chuẩn nhất thế giới; do vậy, Brazil hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng thịt của mình. Tổng thống Michel Temer nói rằng, các cơ sở này đang được giám sát và đây là một phần nhỏ trong ngành công nghiệp sản xuất thịt của Brazil. Chỉ có 21 cơ sở trong số 4.837 nhà máy ở Brazil đối mặt với các cáo buộc vi phạm và chỉ 6 trong số 21 cơ sở đã xuất khẩu thịt trong 60 ngày qua.
francisco-turra.jpg
Ông Francisco Turra - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thịt bò Brazil (ABPA)
Tuy nhiên, ông Francisco Turra - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thịt bò Brazil (ABPA) cho rằng bê bối này đã đẩy toàn bộ ngành công nghiệp chế biến thịt của Brazil rơi vào cảnh khốn đốn và phá hỏng thương hiệu vốn đã rất khó khăn để đạt được. Chủ tịch Hiệp hội Ngoại thương Brazil José Augusto de Castro thừa nhận vụ bê bối thịt bẩn tại nước này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hình ảnh quốc gia xuất khẩu thịt bò, thịt gia cầm số 1 thế giới và đứng thứ 4 về xuất khẩu thịt lợn, sẽ rất khó khăn để lấy lại uy tín trong tương lai.

Phản ứng “domino” đã lan rộng khắp thế giới trước vụ việc bê bối thịt bẩn. Trung Quốc, nước chiếm tới gần 1/3 trong tổng giá trị xuất khẩu 13,9 tỉ USD của ngành công nghiệp chế biến thịt của Brazil, đã dừng nhập khẩu mọi sản phẩm thịt từ nước này để phòng ngừa và coi đây là giải pháp an toàn cho người tiêu dùng. Trong khi đó, các nhà chức trách Hàn Quốc cũng cho biết sẽ tăng cường giám sát thịt nhập khẩu từ Brazil, đồng thời cấm nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gà của tập đoàn BRF. 80% lượng thịt gà nhập khẩu của Hàn Quốc trong năm ngoái đều đến từ Brazil, trong đó một nửa do tập đoàn BRF cung cấp. Quốc gia Nam Mỹ Chile cũng tạm ngừng nhập khẩu toàn bộ sản phẩm thịt của Brazil.
be-boi-thit-bo-ban-brazil-3.jpg
Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Chile đã dừng nhập khẩu thịt từ Brazil
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết chưa đưa ra bất kỳ cảnh báo nào cũng như chưa quyết định cấm nhập khẩu thịt của Brazil; tuy nhiên, EC đã yêu cầu các nước thành viên tăng cường giám sát. Người phát ngôn phụ trách An toàn Thực phẩm EC Enrico Brivio nhấn mạnh sẽ đình chỉ việc nhập khẩu thịt của tất cả những công ty có liên quan tới vụ bê bối này và hiện các nhà chức trách Liên minh châu Âu đang phối hợp chặt chẽ với Brazil trong vụ việc nêu trên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm