pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bé gái 15 tuổi bị sùi mào gà, bác sĩ chỉ ra 4 con đường lây nhiễm mọi người cần cẩn trọng
Ảnh minh họa
BS Trần Cung (chuyên sản phụ khoa và ung bướu, làm việc tại Hà Nội) chia sẻ, là bác sĩ chuyên khám phụ khoa, hàng ngày anh khám cho không ít chị em phụ nữ bị sùi mào gà. Tuy nhiên, có một ca vô cùng "kỳ lạ", đến thời điểm hiện tại vẫn khiến anh không quên.
Đó là một bạn nữ 15 tuổi, chưa từng quan hệ tình dục nhưng lại bị sùi mào gà. "Đúng là về lý thuyết, HPV - virus gây sùi mào gà có thể ở khắp mọi nơi, ở mọi bề mặt, có thể lây qua các đường khác ngoài quan hệ tình dục, nhưng trong thực tế khám chữa cho hàng ngàn chị em phụ nữ, tôi chưa bao giờ gặp, cho đến ca này", BS Cung bày tỏ sự bất ngờ.
Vị chuyên gia nhận định, bạn nữ 15 tuổi này thực sự rất không may mắn khi bị sùi mào gà đáng tiếc như vậy. Điều mà anh tưởng chỉ có trong sách vở nhưng hóa ra có thể xảy ra trong cuộc sống thực. Khi bác sĩ hỏi chuyện nhằm tìm ra nguyên nhân, bé gái cũng hoang mang không biết vì sao khi mình chưa từng quan hệ tình dục.
Việc không xác định được rõ nguyên nhân khiến bé gái 15 tuổi chưa từng quan hệ tình dục bị sùi mào gà, làm BS Cung khá sốc. Qua đây, anh nhắn nhủ mọi người, tuyệt đối không thể chủ quan với những con đường lây nhiễm sùi mào gà khác, ngoài quan hệ tình dục không đảm bảo an toàn.
4 con đường lây nhiễm sùi mào gà mọi người cần cẩn trọng
1. Tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng sinh hoạt
Bạn hoàn toàn có thể bị sùi mào gà nếu dùng chung khăn mặt, bàn chải đánh răng, bồn cầu… Nguyên nhân là virus HPV gây nên bệnh sùi mào gà hoàn toàn có khả năng trú ngụ tại những vật dụng này. Khi dùng chung, bạn vô tình làm virus nguy hiểm này có nơi trú ngụ mới, gây nên bệnh sùi mào gà.
2. Mặc quần áo chung, quần áo thanh lý trên mạng
Đây cũng là một nguyên nhân khiến bạn mắc bệnh sùi mào gà mà không thể ngờ trước. Việc mặc đồ chung với người bị sùi mào gà mà chưa kịp giặt sạch sẽ trước khi khoác lên người cũng sẽ khiến bạn dễ mắc phải căn bệnh này. Đó cũng là lý do giới chuyên gia khuyến cáo việc mua quần áo thanh lý trên mạng nhưng chủ quan chưa giặt sạch đã mặc vào người.
Theo chuyên gia, trong một số trường hợp, những đồ này có thể còn chứa nhiều vi khuẩn, cả các loại vi trùng từ bệnh tật của người chủ cũ. Nếu đó là bệnh sùi mào gà, người mua lại, dùng sau sẽ có nguy cơ cao bị sùi mào gà. Ở một khía cạnh khác, chúng ta – những người mua đồ không hề biết rõ người bán hàng có tiền sử bệnh tật hay đang ủ mầm virus HPV trong người hay không. Điều này thực sự rất may rủi!
3. Lây nhiễm qua đường truyền máu
Bệnh sùi mào gà có thời gian ủ bệnh khá lâu, từ 3 tuần đến 8 tháng. Trong thời gian ủ bệnh, người bệnh thường không có biểu hiện gì khác thường. Nếu trong thời gian này, người bệnh thực hiện truyền máu cho bất cứ người bệnh nào thì cũng vô tình truyền cả mầm bệnh gây sùi mào gà sang cho người đó.
4. Vô vàn những con đường lây nhiễm sùi mào gà sang trẻ em
Có rất nhiều con đường lây nhiễm sùi mào gà sang trẻ em. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ bị nhiễm HPV sinh dục trong quá trình sinh nở, quá trình chăm sóc trẻ, sự can thiệp của y tế như chít hẹp bao quy đầu, công đoạn vệ sinh bộ phận sinh dục cho trẻ hoặc do người lớn bị bệnh lây sang cho trẻ. Trẻ nhỏ cũng có khả năng bị lây nhiễm sùi mào gà từ đồ dùng như khăn, đồ lót mặc vào người bị nhiễm virus HPV...
Phòng tránh sùi mào gà, chuyên gia chỉ rõ biện pháp
- Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy một vợ một chồng.
- Hạn chế mua đồ dùng sinh hoạt thanh lý, đã qua sử dụng trên mạng, đặc biệt là những loại đồ dùng không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh rước bệnh sùi mào gà cũng như nhiều bệnh lây nhiễm khác.
- Không sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt như bàn chải đánh răng, khăn rửa mặt...
- Đã bị sùi mào gà thì cần cẩn trọng khi tiếp xúc với trẻ.
- Đảm bảo khâu vệ sinh tiệt trùng khi thăm khám, kiểm tra cho bệnh nhân.
- Khi có bất cứ dấu hiệu lạ trên da cần đi thăm khám bác sĩ để nhanh chóng được chẩn đoán và điều trị kịp thời.