Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, vừa mới tiếp nhận điều trị cho một bé gái 13 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai với nhiều thương tích ở ngực và cánh tay do pháo nổ. Sức ép của vụ nổ cũng khiến cho phổi của bệnh nhi bị tổn thương nặng bên trong, phải đặt nội khí quản hỗ trợ thở.
Người nhà của bệnh nhi cho biết, khi bé đang đứng xem các bạn trong xóm đốt pháo thì bị một quả pháo to văng trúng vào người phát nổ.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã cắt lọc phần da bị hỏng, sát trùng và khâu khép vết thương. May mắn là tình trạng tri giác của bé không bị ảnh hưởng. Đến chiều ngày 9/3, bệnh nhi đã dần tỉnh táo, vẫn đang được theo dõi và chăm sóc tích cực.
Các bác sĩ khuyến cáo, dù cho Tết đã qua lâu nhưng nguy cơ tai nạn từ pháo vẫn luôn tiềm ẩn. Do vậy, các bậc phụ huynh cần nâng cao cảnh giác để tránh các trường hợp tổn thương không đáng có cho con trẻ.
Trước đó, thống kê từ của Bộ Y tế cho thấy, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, cả nước có gần 200 người bị thương do pháo nổ đến bệnh viện chữa trị, nhiều trường hợp bị những vết thương rất nặng.
Văn phòng Chính phủ mới đây cũng đã có văn bản gửi Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm Nghị định 36/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng pháo trái phép và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND 6 tỉnh, thành gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk và Kon Tum phải khẩn trương kiểm tra, làm rõ và có biện pháp xử lý tình trạng đốt pháo dịp Tết Nguyên đán 2018. Nếu có tình trạng đốt pháo trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 3.