Bé gái bị lưỡi cưa cắt lòi ruột, người nhà tự khâu lại bằng kim chỉ

21/08/2019 - 22:03
Lưỡi cưa bị gãy văng vào bé đang đứng chơi gần đó khiến em bị thủng bụng và lòi ruột ra ngoài. Tuy nhiên, gia đình đã tự đẩy ruột vào và dùng kim may quần áo khâu sống, không có thuốc tê.

Ngày 21/8, bác sĩ Đậu Anh Trung, Trưởng khoa Ngoại (BV Sản Nhi Nghệ An) cho biết, BV vừa thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi M.Y.T (5 tuổi, ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) bị lòi ruột do máy cắt cỏ.

Trước đó, BV tiếp nhận bệnh nhi chiều ngày 15/8 trong tình trạng sốc do đau, mất máu quá nhiều và bước đầu đã có tình trạng nhiễm độc- nhiễm khuẩn, vết thương vùng mạng sườn phải đã được gia đình tự khâu lại bằng chỉ sinh hoạt. Gia đình cho biết, khi người nhà đang dùng máy để cắt cỏ trong vườn nhà, thì lưỡi cắt bị gãy và văng vào vùng bụng bé T. đang chơi gần đó. Sự cố đã khiến bé thủng bụng và lòi ruột ra ngoài. Gia đình đã tự đẩy ruột vào và dùng kim may quần áo khâu vết thương. Gia đình khâu sống, không có thuốc tê, giảm đau rồi đưa cháu xuống Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cấp cứu. Tuy nhiên, do tình trạng nặng nên bệnh nhi được chuyển lên BV Sản Nhi Nghệ An.

252.jpg
Các bác sĩ BV Sản Nhi Nghệ An thực hiện ca phẫu thuật

 

Theo bác sĩ Trung, tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hồi sức, truyền máu và chuyển mổ cấp cứu. Các bác sĩ xác định, bệnh nhi có tổn thương ở 6 vị trí của ruột non (hỗng tràng). Trong đó, có 2 vị trí gần như đã đứt ngang khẩu kính ruột và một vết thương ở mạch máu mạc treo đại tràng xuống đang chảy máu. Ổ bụng nhiều máu lẫn dịch ruột. Kíp mổ đã khâu cầm máu mạc treo đại tràng và cắt phần ruột có tổn thương, nối ruột - tận. 

Sau phẫu thuật, hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã tạm ổn và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức Ngoại.

262.jpg
Bệnh nhi đang được theo dõi tại BV

 

Theo bác sĩ Trung, trong tình huống của bé T. người nhà nên dùng khăn sạch, quần áo sạch để băng lại rồi đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Tùy theo điều kiện trang bị của mỗi tuyến, các nhân viên y tế sẽ có cách xử lý phù hợp nhất cho trẻ trước khi tiếp cận tuyến chuyên khoa. “Qua trường hợp của bé T. cho thấy điều kiện tiếp cận với kiến thức về chăm sóc sức khỏe trẻ em còn nhiều hạn chế ở một số vùng sâu vùng xa”, bác sĩ Anh Trung nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm