Bé gái cấp cứu 6 lần 1 tháng vì áp lực học hành

Ngọc Ái
23/05/2023 - 13:43
Ngày nay, không ít trường hợp trẻ em, thanh thiếu niên gặp vấn đề sức khỏe vì áp lực học hành.

Chương trình y tế trực tuyến nổi tiếng Trung Quốc "The Doctor Is So Spicy” đã dành nhiều số phát sóng cho chủ đề sức khỏe học đường. Trong một số gần đây, bác sĩ chuyên khoa Hồi sức - Cấp cứu Wei Zhiwei đã một lần nữa cảnh báo, nhắc nhở các vị phụ huynh về mức độ nghiêm trọng của áp lực học hành tới sức khỏe con trẻ. Ông cũng chia sẻ một trường hợp nữ học sinh cấp hai phải vào phòng cấp cứu 6 lần 1 tháng vì điều này.

photo-3

Ảnh minh họa

Tiểu Huệ (tên nhân vật đã được thay đổi) là học sinh lớp 6 tại một trường trung học có tiếng tại Hoa Trung (miền Trung Trung Quốc). Bố mẹ cô bé rất tự hào vì cô con gái vừa học giỏi lại ngoan ngoãn. Họ chỉ có một yêu cầu duy nhất với Tiểu Huệ là tập trung học hành, chuyện tiền bạc hay ăn uống, đi lại đều được chăm chút từng chân tơ kẽ tóc.

Phụ huynh của Tiểu Huệ luôn cho rằng mình đã cho con gái những điều tốt nhất, môi trường sống và học tập của cô bé khiến nhiều bạn bè cùng trang lứa phải ghen tỵ. Tuy nhiên, họ không thể ngờ rằng chính điều đó đã dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe của con.

Tiểu Huệ vốn là cô bé hay nói hay cười nhưng càng lớn cô bé càng trở nên lầm lì. Lên cấp hai cũng lúc Tiểu Huệ không còn tâm sự với bố mẹ về chuyện trường lớp, bạn bè như trước. Phụ huynh của Tiểu Huệ thì chỉ đơn giản nghĩ con gái đang đến tuổi dậy thì nên tính nết thay đổi. Thậm chí lúc đầu họ còn cảm thấy mừng vì cho rằng như vậy con sẽ tập trung học hành hơn.

Cho đến một ngày, mẹ của Tiểu Huệ đang đi làm thì nhận được điện thoại của giáo viên chủ nhiệm báo cô bé đang trên đường tới bệnh viện. Bởi vì đang ngồi trong lớp học thì Tiểu Huệ đột ngột kêu tức ngực, khó thở. Sau khi xuống phòng y tế tình trạng lại càng tệ hơn, nhà trường quyết định gọi xe cấp cứu đưa Tiểu Huệ tới bệnh viện gần nhất.

Điều khó hiểu là sau khi tới được phòng cấp cứu thì các triệu chứng này gần như biến mất. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, Tiểu Huệ lại được mẹ và giáo viên hớt hải đưa quay lại phòng cấp cứu vì lý do tương tự. Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, tổng cộng cô bé đã phải cấp cứu tới 5 lần do suy hô hấp, rối loạn nhịp tim.

Bác sĩ Wei Zhiwei kể lại, các y bác sĩ cũng thấy bất ngờ khi kiểm tra sức khỏe tổng thể không chỉ ra bất cứ điều gì khác thường. Mẹ của Tiểu Huệ thậm chí còn đưa con đi làm siêu âm tim - phổi, nội soi dạ dày, xét nghiệm máu và nước tiểu, kiểm tra gan - thận, chụp CT não… nhưng vẫn không tìm ra vấn đề.

photo-2

Ảnh minh họa

Lần thứ 6 Tiểu Huệ vào phòng cấp cứu thì tất cả mọi việc đã sáng tỏ. Người trực ca ngày hôm đó là bác sĩ Wei Zhiwei. Sau khi đọc bệnh án và trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm của Tiểu Huệ, ông đã yêu cầu sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý thuộc Khoa Tâm thần và bác sĩ Khoa Nội Thần kinh. Hóa ra, bệnh của Tiểu Huệ là bệnh về tâm lý, do áp lực hành hành mà ra.

Phụ huynh đừng xem nhẹ áp lực học hành của con trẻ!

Tiểu Huệ phải nhập viện để điều trị các triệu chứng về nhịp tim, hô hấp cũng như căn bệnh tâm lý. Bố mẹ cô bé khi nghe nói con mình liên tục phải cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm như vậy là do áp lực học hành thì đều không tin.

Họ cho rằng đó là điều không thể xảy ra với một đứa trẻ 12 tuổi, lại sống trong gia đình có điều kiện, ngoan ngoãn, mạnh mẽ, vốn có học lực giỏi, bố mẹ quan tâm nhiều như Tiểu Huệ. Họ còn bắt đầu lo lắng rằng mới đầu cấp hai mà đã khó khăn như vậy thì kỳ thi cuối cấp, thi đại học cô bé sẽ vượt qua như thế nào. Nghe tới đây, bác sĩ Wei Zhiwei cũng cảm thấy xót thương và hiểu ra tại sao Tiểu Huệ lại gặp phải tình trạng nghiêm trọng như vậy.

Những lần cô bé bị rối loạn nhịp tim, khó thở, toát mồ hôi lạnh, thậm chí ngất xỉu là do quá căng thẳng. Áp lực từ học hành và kỳ vọng của bố mẹ đã khiến cô bé rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn. Khi đứng trước các thời điểm quan trọng như có bài kiểm tra, thi học kỳ, thậm chí chỉ là kiểm tra miệng cũng khiến căng thẳng cực độ. Từ đó dây thần kinh phó giao cảm bị tác động mạnh, hệ thống thần kinh tự chủ bị rối loạn nghiêm trọng và dẫn tới các triệu chứng nguy hiểm kể trên.

photo-1

Ảnh minh họa

May mắn là nhờ những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ cùng giáo viên chủ nhiệm, trạng thái thể chất và tinh thần của Tiểu Huệ cũng tốt lên từng ngày. Cô bé cũng bắt đầu mở lòng và kể cho bố mẹ nghe về những áp lực dồn nén suốt nhiều năm qua của mình. Bác sĩ cũng dành nhiều thời gian để giải thích cho họ hiểu dưới góc độ khoa học. Khi nhận ra tất cả, bố mẹ của Tiểu Huệ đều bật khóc trong hối hận.

Tiểu Huệ chỉ nằm viện một thời gian rất ngắn rồi được xuất viện trở về nhà. Tuy nhiên, cô bé vẫn phải điều trị ngoại trú và gặp bác sĩ tâm lý một tuần 2 lần. Phụ huynh của cô bé cũng cố gắng rất nhiều để thay đổi môi trường sống, học tập của con và học cách lắng nghe con nhiều hơn.

Thông qua trường hợp của Tiểu Huệ, bác sĩ Wei Zhiwei cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về áp lực học hành ở trẻ em, thanh thiếu niên. Ông nhắc nhở các bậc phụ huynh hãy quan tâm con trẻ đúng cách, đừng xem nhẹ áp lực học hành của con trẻ.

Áp lực vừa phải, diễn ra trong thời gian ngắn sẽ là động lực để học sinh, sinh viên có thể tăng khả năng tập trung và học tập tốt hơn. Tuy nhiên, nếu áp lực diễn ra trong thời gian dài hoặc quá mức chịu đựng của từng cá nhân thì sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề tâm lý cũng như sức khỏe thể chất. Thậm chí có thể gây ra nhiều trường hợp đáng tiếc, không thể vãn hồi.

Ngoài ra, ông cũng gợi ý một phương pháp thở đơn giản giúp thư giãn, giảm căng thẳng và kiểm soát dây thần kinh phó giao cảm mà bất cứ ai, lứa tuổi nào cũng có thể học theo. Đầu tiên, hãy ngồi trên ghế đặt chân xuống đất sau đó hít sâu vào bằng mũi 3 giây để bụng căng lên. Tiếp theo, nín thở trong 3 giây và cuối cùng thở ra trong 6 giây. Lặp lại ít nhất 3 lần để có hiệu quả tốt nhất.

Nguồn: ETtoday, Asia One, Health 2.0
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm