Bé gái tử vong nghi sặc cháo ở điểm giữ trẻ tự phát

25/09/2017 - 11:22
Thấy bé gái có biểu hiện tím tái, khó thở sau khi ăn cháo, người giữ trẻ đã hoảng hốt ấn vào ngực cho cháo trào ra rồi chở đi cấp cứu nhưng cháu bé đã không qua khỏi.

Ngày 25/9, công an quận Thủ Đức TPHCM cho biết đang tích cực điều tra làm rõ vụ bé gái Nguyễn Thị Bích Trâm (9 tháng tuổi, quê Quảng Bình, trú quận Thủ Đức) tử vong do sặc cháo khi được gửi tại một cơ sở giữ trẻ tự phát thuộc đường số 15, khu phố 5, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức do chị Nguyễn Thị Thu Trang (33 tuổi) làm chủ.

21764830_1772780262753157_1522054747779900298_n.jpg
Nơi xảy ra vụ việc.

Thông tin điều tra ban đầu, khoảng 15 giờ 30 phút chiều 23/9, sau khi được cho ăn cháo xong, bé Trâm có những biểu hiện bất thường nghi do sặc cháo nên chị Trang dùng tay ấn mạnh vào ngực bé làm cháo trào ngược ra ngoài, sau đó chuyển bé tới Bệnh viện Đa khoa quận Thủ Đức cấp cứu. Tuy nhiên, bé đã tử vong trước khi tới bệnh viện.

Tới chiều 24/9, Công an quận Thủ Đức, TP.HCM đã hoàn tất công tác khám nghiệm tử thi và tiếp tục làm rõ nguyên nhân tử vong của bé gái Nguyễn Thị Bích Trâm.

img09381506251834909alho_qapc.jpgNgười nhà nạn nhân chờ đợi để đưa bé Trâm về lo hậu sự.

 

 Ngoài ra, chị Trang khai, điểm giữ trẻ tự phát này còn chăm 3 bé khác. Sau khi thực hiện xong việc khám nghiệm tử thi, Đội CSĐT Tổng hợp Công an quận Thủ Đức đã bàn giao thi thể bé cho gia đình lo hậu sự. Cha mẹ bé Trâm làm công nhân và thuê nhà trọ trên địa bàn phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Hàng ngày, bé Trâm được mẹ gửi cho chị Trang trông giữ để 2 vợ chồng đi làm.

Sơ cứu như thế nào khi trẻ bị sặc?

Theo Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, ước tính mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 trẻ bị sặc sữa, cháo, bột. Phần lớn số trẻ này đều tử vong do những người chăm sóc trẻ không biết cách sơ cứu. Sặc ở trẻ là một cấp cứu tối khẩn cấp bởi vì nếu bị suy hô hấp nặng, trẻ sẽ nhanh chóng tử vong hoặc nếu qua khỏi cũng để lại rất nhiều di chứng nặng nề về thần kinh do não bộ bị tổn thương bởi một tình trạng thiếu ôxy quá lâu.

Có hai tình huống xảy ra, trường hợp nhẹ, sau khi có biểu hiện ho sặc nhưng trẻ vẫn thở đều, hồng hào, khóc to, nghe không có tiếng khò khè hoặc tiếng thở rít, cần bình tĩnh bế trẻ lên, móc hết thức ăn hoặc dị vật trong miệng trẻ sau đó đưa ngay đến trung tâm y tế gần nhất.

Trường hợp trẻ bị sặc nặng, có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, khóc nghẹn, cò cử... cần hết sức bình tĩnh xử trí theo các bước sau: Với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ hoặc người giữ trẻ có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực để loại bỏ thức ăn và dị vật trong miệng, hút sạch mũi, đờm dãi sau đó nhanh chóng làm một thủ thuật để tống dị vật trong đường hô hấp ra (thủ thuật Heimlich đối với trẻ nhỏ) bằng cách đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay bạn, đầu chúc xuống thấp hơn ngực, lòng bàn tay đỡ lấy cằm trẻ (nếu trẻ nặng quá thì đặt tay đỡ trẻ lên đùi người cấp cứu), dùng cườm tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ (giữa 2 xương bả vai) 4-5 lần lên tiếp, tốt nhất là vỗ nhanh khi trẻ thở ra để phối hợp đẩy dị vật ra.

Cũng có thể đặt trẻ nằm ngửa, đầu thấp sau đó dùng tay còn lại để ấn ngực (vùng xương ức, giữa hai núm vú). Thao tác lấy 3 ngón tay ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn.

Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ và người trông trẻ có thể dùng biện pháp ép bụng. Nếu bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.

Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh.

Khi dị vật đã bật ra, trẻ sẽ hồng hào trở lại, khóc to và khi đó, người cấp cứu nên kiểm tra lấy bỏ dị vật đã được tống ra miệng. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị sặc, cần nhanh chóng tiến hành cấp cứu bằng thủ thuật trên đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người chung quanh và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất sau đó. Tại cơ sở y tế, trẻ sẽ được khám, kiểm tra và lấy bỏ dị vật (nếu còn) bằng chiếu chụp Xquang phổi và nội soi khí phế quản.

Trong trường hợp trẻ ngưng tim, ngưng thở cần nhanh chóng tiến hành hà hơi thổi ngạt, tuần hoàn, ép ngực và nhanh chóng chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường chuyển viện không được lúc nào ngưng ấn tim và thổi ngạt, bởi nếu không làm, não sẽ thiếu ôxy, không cấp cứu được.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm