Bé trai bị xe buýt cán gãy tay

06/09/2016 - 07:02
Sống thiếu vắng tình thương của ba mẹ, bé Nguyễn Văn Tín, 7 tuổi ở Đồng Nai, lại phải gánh chịu thêm mất mát, đớn đau khi bị chiếc xe buýt cán ngang cánh tay trái.
Khi Tín chưa đầy 1 tuổi, mẹ bé đã ôm con giao cho mẹ đẻ là bà Đặng Thị Lý (62 tuổi) nuôi nấng rồi bỏ đi biệt tích. Cha của Tín cũng chẳng đoái hoài gì đến đứa con trai bé bỏng. Từ đó, bé Tín sống bằng tình thương yêu của bà ngoại. Dù tiền công giúp việc nhà, phụ quán ăn ít ỏi, song bà Lý vẫn tiết kiệm, dành dụm nuôi cháu khôn lớn.

Thế nhưng cuộc sống bình yên ấy đã bị đảo lộn bởi một tai nạn giao thông. Ngày 24/4/2016, hai bà cháu đi xe buýt để đến quán ăn phụ việc. Khi tới nơi, họ chưa kịp bước xuống đường thì chiếc xe buýt bỗng thắng gấp để nhanh chóng “thả” khách. Do mất thăng bằng nên bé Tín đã bị té ngã trước bánh xe. Tài xế bất cẩn, tiếp tục cho xe chạy nên đã cán ngang qua cánh tay trái của bé.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, tài xế hốt hoảng bỏ chạy. Xương cánh tay của bé Tín bị bánh xe cán ngang, một đoạn gân bị đứt. Bà Lý kể: “Bé khóc thét, vô cùng đau đớn. Lúc ấy, tôi chỉ biết ôm chặt cháu vào lòng và cầu xin người đi đường cứu giúp”.

Khoảng 5 phút sau, bé Tín mới được đưa đi Bệnh viện Đồng Nai cấp cứu. Do vết thương quá nặng nên bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) để điều trị. “Thấy cháu hôn mê sâu với thương tích nghiêm trọng như vậy, tôi như chết ngất. Thỉnh thoảng, cháu vẫn sợ hãi, hốt hoảng khi nằm mơ thấy cảnh tượng tai nạn khủng khiếp. Bé chịu thương tật, lại không có tình thương của ba mẹ, tôi thì đã già yếu nên chẳng biết có thể lo cho cháu đến khi nào nữa”, bà Lý nghẹn ngào.
Bé Tín trong vòng tay của bà ngoại.
Do bé Tín không có bảo hiểm y tế nên bà Lý đã phải gom góp hết tiền bạc để trang trải viện phí, thuốc men cho cháu. Chủ xe gây tai nạn chưa bồi thường tiền viện phí, bà Lý đã phải đi vay mượn khắp nơi.

Sau 2 tháng chữa trị, sức khỏe của bé Tín đã có tiến triển tích cực. Giờ đây, bà Lý chỉ mong ước rằng, sẽ có một khoản tiền để bé Tín được tiếp tục phẫu thuật nối gân và chỉnh hình lại cánh tay.

Mọi sự giúp đỡ của các tấm long hảo tâm xin gửi về địa chỉ: Bà Đặng Thị Lý, ngụ ấp Thị Cầu, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai hoặc ủng hộ trực tiếp tại Tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), ĐT: 08.38295723. Hoặc Văn phòng đại diện Báo PNVN-TGPN, số 38 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM, ĐT 08.39303034. Chúng tôi sẽ chuyển sự giúp đỡ của bạn đọc đến tận tay gia đình bé Tín.

Đối tượng mà Mottainai 2016 hướng tới là những trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông. Mong sẽ có thêm nhiều tấm lòng nhân ái cùng Báo Phụ nữ Việt Nam chung tay thực hiện chương trình thiện nguyện vô cùng ý nghĩa này qua việc kết nối tại đây hoặc qua fanpage của chương trình: https://www.facebook.com/MottainaiPhunuVietNam/.

Mọi thông tin về hỗ trợ các nạn nhân đề nghị liên hệ: Chị Nguyễn Kim Khanh, Chánh văn phòng, ĐT: 0989059189; hoặc 0439713500.


Những điểm mới của Mottainai 2016

- Quy mô toàn quốc.

- Bán đấu giá đồ online và trực tiếp.

- Trao quà từ tiền được quyên góp đến trẻ em trong đối tượng hưởng lợi của Chương trình tại Tây Bắc (tuần đầu tháng 11/2016).


Cách tham gia Mottainai 2016

Từ ngày 1/5/2016, mời bạn: - Ủng hộ đồ đã qua sử dụng (Quần áo lành lặn, kiểu dáng kích cỡ phù hợp; Đồ gia dụng; Đồ nội thất; Đồ lưu niệm; Văn phòng phẩm; Đồ chơi trẻ em; Đồ dùng học tập; Giày dép, túi xách, phụ kiện...), gửi về địa chỉ: Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối, Hà Nội, ĐT: 04.39713500; Văn phòng đại diện Báo Phụ nữ Việt Nam, 38 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM, ĐT: 08.39303034.

- Ủng hộ bằng tiền mặt, gửi về: Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối, Hà Nội, Số tài khoản: 102010000016663 - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội (đề nghị ghi rõ: ủng hộ Mottainai).

- Truy cập fanpage: https://www.facebook.com/MottainaiPhunuVietNam/ để mua đồ online và cập nhật về Chương trình.


- “Mottainai” xuất phát từ Nhật Bản, là một thán từ trong ngôn ngữ của người Nhật có từ xa xưa, có ý nghĩa là “Lãng phí quá!”. Câu cảm thán này thường được dùng khi những vật hữu dụng (thức ăn, thời gian, trí tuệ, năng lực...) bị bỏ đi một cách đáng tiếc trong lúc giá trị sử dụng vẫn còn.

- Theo Phật giáo truyền thống, Mottainai dùng để chỉ sự hối hận đối với việc lãng phí các nguồn lực của cuộc sống - bởi đó là món quà của thiên nhiên, trên hết là sự linh thiêng, cao cả.

- Quan niệm về Mottainai hiện đại được thể hiện trong “4Rs: giảm, tái sử dụng, tái chế và sửa chữa”.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm