pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bé trai biết yêu thương, nhường nhịn em gái nhờ 6 quy tắc mẹ áp dụng lúc mang bầu
2 anh em rất thương yêu nhau
Khi nhà có thêm thành viên mới cũng là lúc cuộc sống của cả gia đình có sự xáo trộn. Nhiều bố mẹ lo lắng, sợ rằng có em thì anh chị quấy hơn, không chịu nhường cho em, ghét em... Tuy nhiên, với chị Nguyễn Nhung (mẹ 2 em bé Gấu và Voi, sống tại Hà Nội) thì vấn đề này lại không quá phức tạp. Theo bà mẹ trẻ, chỉ cần người lớn khéo léo, quan sát và để ý một chút thôi thì "anh em như thể tay chân" là chuyện dễ dàng!
Em bé Gấu, con trai chị Nhung từ khi có em thì vô cùng yêu em, luôn nói "Em Voi của con, con bảo vệ em Voi", thích vuốt ve, chơi với em, bế em và biết chiều chuộng em nữa!
"Bí quyết khá đơn giản, mà mình nghĩ các bố mẹ nên lưu tâm, vì nếu không khéo sẽ ảnh hưởng tâm lý của con, có thể khiến anh chị bị tổn thương, cảm thấy cô đơn khi có em xuất hiện! Mình muốn chia sẻ cách bản thân để bé thứ hai bước vào cuộc đời con trai lớn thế nào, cách để con luôn yêu và muốn bảo vệ em, hy vọng sẽ hữu ích cho các bố mẹ", bà mẹ trẻ chia sẻ.
1. GIỚI THIỆU SỰ XUẤT HIỆN CỦA EM BÉ NGAY TỪ KHI MANG THAI
Ngay từ lúc có bầu, mình đã nói chuyện với Gấu về em bé, đọc sách, hay cho Gấu đi siêu âm cùng, xem ảnh siêu âm và bảo Gấu nói chuyện với em! Luôn khẳng định bố mẹ rất yêu Gấu, nếu em Voi ra đời thì chúc mừng con, con có thêm một người yêu thương con. Và hàng ngày mình đều lồng ghép về em bé vào cuộc sống của Gấu. Mình nhận thấy con rất vui vẻ khi nói về em bé. Đồng thời lúc có bầu, mình cũng nhờ các cô giáo ở lớp Gấu trò chuyện với con, bám sát con các giai đoạn quan trọng như chuyển lớp, thay đổi giáo viên. Giúp con ổn định tâm lý và mọi thứ không có gì khác ngoài việc có một em bé rất yêu thương Gấu đang nằm trong bụng mẹ!
2. THÔNG BÁO TRƯỚC CHO CON KHI MẸ ĐI SINH EM BÉ
Mình nói với Gấu mốc thời gian em bé sắp ra đời, kể về việc nếu sinh mẹ sẽ không ngủ với Gấu 5 ngày vì bác sĩ cần giúp mẹ khỏe hơn. Mẹ cũng cần được Gấu giúp đỡ, lúc mẹ mệt thì mọi người sẽ giúp con, khẳng định rằng nếu mẹ khỏe mẹ sẽ chăm sóc Gấu. Và 5 ngày mình nằm viện, Gấu được lên viện thăm mẹ 1 lần mỗi ngày, vẫn nói lời yêu thương, vẫn ôm ấp thủ thỉ như ngày chưa có em bé, nên con cảm thấy không có gì thay đổi ngoài một số việc mẹ chuyển giao cho người khác lúc mình đi sinh, giúp con quen với sự giúp đỡ ngoài mẹ. Và kết quả giúp trẻ tự lập hơn, không bị hụt hẫng khi không có mẹ!
3. CHUẨN BỊ QUÀ CHÀO MỪNG TẶNG CHO ANH CHỊ
Gấu rất thích ô tô nên mình mua sẵn 2 bộ đồ chơi, đến ngày đi sinh dặn bố Gấu cho con lên viện rồi đưa đồ chơi cho bé và bảo "em Voi tặng anh Gấu, chia sẻ cho anh Gấu". Vì thế nên Gấu rất nhớ và vui, vừa có em lại có quà nên rất cảm kích. Ai hỏi cũng bảo em Voi tặng con.
4. NHẸ NHÀNG BÌNH TĨNH CHỈ CON CÁCH CHƠI CÙNG EM
Thật ra người lớn lúc nhìn anh chị chơi cùng em thì sợ sẽ làm em đau, các bạn ý chưa biết cách chơi. Thay vì quát con, hãy bày con cách vuốt ve em nhẹ nhàng, cầm tay em giải thích để con hiểu vì sao cần chơi với em như vậy. Từ đó anh chị sẽ biết cách chơi cùng em, bố mẹ cũng không căng thẳng. Vì thật ra nếu bố mẹ to tiếng, trẻ chỉ thấy được sự khác biệt khi em xuất hiện là mình bị quát mắng nhiều hơn. Vậy thì đương nhiên chẳng thích sự có mặt của em rồi.
5. NGƯNG "XẢ RÁC" VÀO ĐẦU TRẺ
Người lớn hay trêu "có em thì con bị ra rìa" hay "mẹ không yêu con nữa, mẹ yêu em thôi"... câu nói chỉ để mua vui cho người lớn nhưng lại làm tổn thương đến trẻ, trẻ nghe và tin điều đó. Mỗi ngày một chút, làm cho trẻ luôn lo lắng ảnh hưởng tâm lý, nỗi sợ em cướp mất mẹ và không yêu mình nữa, nên việc ghét em là chuyện bình thường. Vậy nên hãy nói lời yêu thương. Mình luôn nhấn mạnh với Gấu: "Mẹ yêu Gấu. Mẹ yêu em Voi, bố yêu Gấu và em Voi cũng yêu Gấu". Bên cạnh đó, mình quan tâm Gấu nhiều hơn, thường Gấu sẽ được ưu tiên hơn em, chỉ để con nhận thấy rằng dù có em thì bố mẹ vẫn yêu thương, quan tâm mình. Mình mong con cảm thấy an toàn với tình yêu đó, và tất nhiên khi cảm thấy an toàn đủ đầy thì có thêm em cũng rất vui.
6. QUAN TÂM CHĂM SÓC ANH CHỊ NHIỀU HƠN
Mình và chồng thống nhất sinh Voi ra thì phải quan tâm Gấu nhiều hơn, bình tĩnh hơn, thủ thỉ nhiều hơn, không bao giờ bắt con phải "nhường" đồ chơi của con. Con hoàn toàn có quyền quyết định, không lý nào vì em nhỏ mà bắt con nhường đồ chơi, ai sai sẽ nói chuyện với người đó, không phải vì em bé mà anh chịu trận thay... Nên quên đi suy nghĩ "con là anh con phải nhường em" đừng bắt trẻ chia sẻ đồ chơi yêu thích khi trẻ không muốn, đừng yêu cầu cao quá vì chúng là những đứa trẻ, chỉ cần tôn trọng, giữ thái độ bình tĩnh và cân bằng nhất thì việc làm anh chị không phải là việc đáng ghét, anh chị sẽ càng yêu em hơn khi bố mẹ cư xử công bằng với mình!
"Mỗi ngày mình đều ôm con nói lời yêu thương, khẳng định tình yêu của mình, dù thế nào bố mẹ vẫn yêu con. Đồng thời mình cũng chia sẻ rằng em bé yêu con, em bé cần bảo vệ, biến anh chị trở thành người hùng luôn yêu thương bảo vệ em, mỗi ngày một chút trẻ sẽ nhớ, cảm nhận và yêu thương em bé vô cùng! Vậy nên các bố mẹ nên để ý tâm lý của anh chị, đừng khiến con cảm thấy sự xuất hiện của em bé làm cuộc sống của anh chị thay đổi tồi tệ hơn, vậy thì yêu thương sẽ luôn tràn ngập cả gia đình. Bố mẹ không nên quá lo lắng, hãy bình tĩnh đồng hành cùng con, để con luôn cảm thấy hạnh phúc! Chúc các bố mẹ tâm an nuôi con", chị Nhung nhắn gửi.