Nhiều ông bố cấm con trai không được khóc vì sợ con yếu đuối. Ảnh minh họa |
Anh Đoàn Quốc Hiếu (Pháp Vân, Hà Nội) luôn yêu cầu con trai phải mạnh mẽ bằng cách chỉ mua cho con đồ chơi súng, ô tô, mặc cho con những bộ quần áo thật ngầu và cấm con không được khóc. Chỉ cần con có dấu hiệu khóc, anh đã gằn giọng: "Con trai không được phép khóc", "Con muốn biến mình thành con gái yếu đuối, nũng nịu à?"...
Nhiều ông bố khác cũng có cách dạy con trai như anh Hiếu và cho rằng như thế con trai mới nam tính, đàn ông. Theo bác sĩ Nguyễn Lan Hải, trẻ nhỏ đang được "dạy" định kiến về giới qua lời nói, hành vi của người lớn, qua phim ảnh, quảng cáo, thậm chí là sách giáo dục hàng ngày và chúng "ngấm" tất cả những bài học ấy.
Quan sát thế giới xung quanh, trẻ hiểu rằng một số bổn phận như nấu cơm, dọn dẹp, giặt giũ là của phụ nữ, còn trách nhiệm của đàn ông là xây dựng sự nghiệp, gánh vác gia đình mà không cần phải quá chăm lo nhà cửa, bếp núc, con cái.
Chia sẻ về vấn đề này, Trần Hùng John - tác giả cuốn cách "Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ" cũng cho rằng, cha mẹ đang vô tình thúc đẩy thiên vị giới tính cho con qua định kiến của mình. Trẻ em sẽ bắt đầu nhận thức và thậm chí cố tình tránh phát triển các khả năng và sở thích vốn được cho rằng chỉ phù hợp với các giới tình khác. Kết quả là cả các em nam và nữ đều bị mất đi rất nhiều cơ hội, nhiều tài năng bị bỏ lỡ và vô tình cổ vũ cho sự không công bằng trong xã hội.
Chính vì vậy, cha mẹ đừng bao giờ nói “Cái đó chỉ cho đàn ông, con trai thôi”, “Đấy là việc của đàn bà”. Thay vào đó, cha mẹ hãy củng cố và động viên những hành vi của con giúp xóa tan các định kiến. Bố có thể nấu ăn hoặc khi thấy con khóc, đặc biệt là con trai, hãy nói với con rằng “Thỉnh thoảng, khi bố rất buồn, bố cũng khóc”.
“Cha mẹ hãy để con trai khóc, cậu bé sẽ không vì thế mà biến thành cô nhóc đâu. Là con người, ai cũng đều có cảm xúc, đều cảm thấy đau buồn và cần được thể hiện”, Trần Hùng John cho biết.
Bé trai cũng nên cho chơi búp bê hoặc thú nhồi bông, học cắm hoa làm bếp để khuyến khích phát triển kỹ năng chăm sóc và quan tâm đến người khác. Ảnh minh họa |
Trần Hùng John nhấn mạnh, cha mẹ hãy đừng chỉ tập trung vào giới tính mà hãy nhìn nhận con với toàn bộ những gì con có. Hãy cho phép con tự do khám phá tất cả các hoạt động để chúng có thể phát triển nhiều tài năng một cách tự nhiên. Trẻ con vẫn chỉ là trẻ con và nhiệm vụ của cha mẹ là chỉ dẫn, chứ không phải gây thêm áp lực cho con.
Để thay đổi định kiến này, bác sĩ Nguyễn Lan Hải cho biết, chỉ có cha mẹ và gia đình mới giúp trẻ có cái nhìn lành mạnh về nam giới, nữ giới và các giới tính khác, hiểu rằng chúng được tôn trọng chính bản thân chúng, chứ không cần bị người lớn chụp mũ, định hướng ngay từ bé để ép hành xử cho ra gái hay trai. Con cần được là chính con, màu hồng hay trò chơi cảm giác mạnh không phải là biểu hiện của trai hay gái hoặc làm lệch lạc sự phát triển giới tính.
Theo bác sĩ Nguyễn Lan Hải, bé trai cũng nên cho chơi búp bê hoặc thú nhồi bông, học cắm hoa làm bếp để khuyến khích phát triển kỹ năng chăm sóc, nâng niu và quan tâm đến người khác nhằm cân bằng với đặc tính nam đã được quy định bởi tạo hóa. Một người đàn ông tinh tế và giàu tình cảm không có nghĩa là uỷ mị, yếu đuối và chắc chắn là hơn đứt những kẻ hùng hổ, vụng về, cứng nhắc, "lên gân". Nam tính là ở các phẩm chất dũng cảm, tự tin, độc lập, độ lượng chứ không phải ở dáng điệu, cử chỉ ra vẻ ta đây.
Khi quan sát con chơi với bạn bè nhất là bạn gái, nếu các cậu bé có những hành động giành đồ chơi của bạn, giấu đồ, xô đẩy, kéo tóc bạn… thì bố mẹ cần phải uốn nắn ngay. Dạy con trai biết tự phục vụ mình, quan tâm và giúp đỡ mẹ việc nhà, nói chuyện tế nhị với người khác đặc biệt là người khác giới. Dạy con tôn trọng thân thể, sức khỏe, danh dự của mình và của người khác. Dạy con tính tự chủ bằng cách cho con tự quyết định những việc của con (chọn quần áo, giày dép, đồ chơi, môn học thêm,...). Đừng để xảy ra tình huống: Cha mẹ chọn thay cho con tất cả, chọn trường, chọn bạn, chọn người yêu, chọn đủ thứ nhưng đến khi con làm sai thì lại chê trách con, bắt con chịu trách nhiệm cho việc đó.