pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bé trai đuối nước tại bể bơi IEC Residences: Mòn mỏi bước chân tìm công lý cho con
Hơn 6 tháng kể từ ngày con trai gặp nạn, vợ chồng anh Dũng vẫn đang mỏi mòn tìm công lý cho con
Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con
Hơn 6 tháng trôi qua kể từ ngày cháu N.C.A.Q. (10 tuổi) tử vong do bị đuối nước khi đi bơi cùng bạn ở bể bơi IEC Residences, những thành viên trong gia đình anh Nguyễn Cảnh Dũng (bố cháu Q.) vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau. Mỗi lần nhìn thấy nụ cười ngây thơ, hồn nhiên của con trai trên tấm di ảnh, lòng anh Dũng lại thắt lại.
Sau nửa năm mất đi cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi, anh Dũng tiều tụy đi rất nhiều. Trong căn hộ chung cư, mọi hình ảnh, đồ dùng của con trai vẫn được anh chị giữ lại làm kỷ niệm. Anh Dũng bảo, dù con đã mãi mãi rời xa vợ chồng anh nhưng mỗi lần nhìn thấy những tấm hình, đồ đạc đó là anh chị như luôn thấy con trai vẫn hiện hữu đâu đây.
"Mới đây thôi, vào dịp sinh nhật A.Q., các bạn cùng lớp của cháu rủ nhau đến nhà tôi cùng thắp hương trước di ảnh cháu rồi cùng cắt bánh, hát bài hát mà cháu yêu thích. Nhìn thấy cảnh đó thôi là tôi không thể kìm lòng được", anh Dũng nghẹn ngào.
Từ ngày con trai gặp nạn, gia đình anh Dũng đã bao lần "gõ cửa" các cơ quan công quyền để tìm công lý cho con trai đã mất nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến gia đình anh bức xúc. "Đáng nói hơn nữa là thái độ thờ ơ đến từ chủ đầu tư và đơn vị kinh doanh dịch vụ bể bơi nơi con trai tôi gặp nạn", anh Dũng cho biết.
Cực chẳng đã, gia đình anh đã phải viết đơn thư gửi đến cơ quan chức năng để yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những đơn vị liên quan. "Con tôi bây giờ cũng đã mất. Sự việc đau buồn ấy mỗi khi nhớ đến tôi cảm thấy rất đau đớn nhưng tôi vẫn phải làm để tìm công lý cho cháu", anh Dũng bức xúc chia sẻ.
Theo anh Dũng, khoảng 15h ngày 10/8/2023, con trai anh cùng bạn học mua vé vào bể bơi IEC Residences Thanh Trì do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng & Cơ điện IEC (xã Tứ Hiệp, Thanh Trì) làm chủ đầu tư.
Đến 16h40' cùng ngày, trên đường đi chuyển từ cơ quan về nhà, anh Dũng bàng hoàng khi nhận được điện thoại từ bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Trì thông báo con anh gặp nạn và đang cấp cứu.
Được tin, gia đình anh Dũng lập tức đến bệnh viện nhưng không lâu sau đó bác sĩ thông báo không cứu được cháu. Nguyên nhân ban đầu được các bác sĩ cho biết do cháu bị đuối nước và thời điểm đưa vào viện, tim cháu đã ngừng đập.
Anh Dũng nhớ lại, hôm xảy ra sự việc trời có mưa nhỏ nên bể bơi ít người. Khi vào bơi, không có nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế hướng dẫn nên cháu đã xuống bơi tại bể bơi người lớn và xảy ra sự việc đau lòng.
"Con tôi từ trước đến nay hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh lý. Cháu cũng đã được học bơi từ năm học lớp 2 (đã có chứng chỉ). Cháu bơi rất tốt, trước khi gặp nạn, cháu vẫn thường xuyên đi bơi. Nhưng chỉ vì sự tắc trách của đơn vị kinh doanh bể bơi khi không phát hiện kịp thời, không áp dụng các biện pháp sơ cứu ban đầu dẫn đến cháu tử vong", anh Dũng thông tin.
Dấu hỏi về điều kiện hoạt động của bể bơi
Sau khi xảy ra sự việc, gia đình anh Dũng đề nghị đơn vị kinh doanh dịch bể bơi làm rõ trách nhiệm, cung cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ nghề nghiệp của nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế cùng những giấy tờ liên quan nhưng bị từ chối. "Ban đầu, phía bể bơi hứa sẽ cung cấp nhưng sau đó lại thoái thác với lý do "công an đã thu giữ toàn bộ", anh Dũng cho biết.
Cho rằng chủ đầu tư và đơn vị kinh doanh dịch vụ bể bơi có dấu hiệu của hành vi Vô ý làm chết người, gia đình anh Dũng đã gửi đơn tố giác tội phạm đến Công an huyện Thanh Trì. Cơ quan công an sau đó cũng đã tiến hành phong tỏa khu bể bơi và thu toàn bộ camera để phục vụ công tác điều tra.
Ngày 13/10/2023, gia đình anh Dũng nhận được thông báo Kết luận giám định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì. Thông báo nêu rõ: "Căn cứ Kết luận giám định tử thi số 6261/KLGĐTT-KTHS ngày 21/9/2023 của Phòng kỹ thuật hình sự đối với thương tích và nguyên nhân tử vong của cháu N.C.A.Q. Trong đó, kết luận nguyên nhân chết do ngạt nước".
Hơn 2 tháng sau đó, gia đình anh Dũng ngỡ ngàng khi tiếp tục nhận được Thông báo số 360/TB-ĐTTH do Thượng tá Nguyễn Thái Long, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì ký ngày 11/12/2023 với nội dung Quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo về tội phạm.
Lý do tạm đình chỉ được nêu là do thời hạn giải quyết đã hết, cơ quan cảnh sát điều tra vẫn chưa nhận được Kết luận giám định đối với 01 file video; 01 đầu ghi nhãn hiệu Hikvision lưu giữ hình ảnh camera nơi xảy ra sự việc; Công văn trả lời của Phòng PC09 – Công an Thành phố Hà Nội và Kết luận giám định qua hồ sơ của Viện pháp y quân đội – Bộ Quốc phòng liên quan đến vụ việc cháu Q. tử vong.
"Điều bất ngờ là đến nay đã hơn 6 tháng kể từ ngày xảy ra sự việc nhưng hiện vẫn chưa có kết quả giám định Camera. Điều này khiến gia đình chúng tôi đặt ra rất nhiều nghi vấn. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng nghi ngờ bể bơi thuộc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và cơ điện IEC không có giấy phép bởi theo quy định, bể bơi phải có phòng y tế, nhân viên y tế…", anh Dũng chia sẻ và cho biết gia đình anh vẫn mòn mỏi chờ kết luận từ phía Công an huyện Thanh Trì.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo tìm hiểu, bể bơi IEC Residences được quản lý và khai thác bởi Công ty Cổ Phần Tư vấn Đầu Tư CIR Việt Nam (CIR Việt Nam) nằm giữa tòa CT2 và CT3 có địa chỉ tại xã Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội). Bể bơi được chia thành 2 khu vực riêng biệt, trong đó bể bơi trẻ em có độ sâu 0.8m, còn bể bơi người lớn có độ sâu từ 1,2 – 1,4m.
Sau khi xảy ra sự việc con trai anh Dũng bị đuối nước, bể bơi đã ngừng hoạt động và đang bị niêm phong để phục vụ quá trình điều tra. Trong thông báo của đơn vị kinh doanh bể bơi cho biết bể bơi đang tạm đóng cửa để sửa chữa và sẽ có thông báo mở lại sau.
Trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, nhiều người dân sinh sống tại Chung cư IEC Residences cho biết, bể bơi tại đây không có phòng y tế cũng như nhân viên y tế theo quy định. "Có một khu được xây ở đầu bể bơi nhưng chỉ sử dụng để bán vé, thuê phao bơi và kinh doanh đồ ăn phục vụ cho nhu cầu của khách bơi. Khu vực bể bơi cũng được quây chắn và chỉ người có vé mới được vào", người dân chia sẻ.
Trong khi đó, một người dân khác cũng cho biết, bể bơi có đội ngũ nhân viên cứu hộ nhưng hiếm thấy những người này hướng dẫn người bơi vào từng khu (khu người lớn và khu trẻ em) mà chủ yếu do người đến bơi tự lựa chọn.
Liên quan đến sự việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, việc kinh doanh bể bơi là hoạt động kinh doanh có điều kiện, cá nhân, tổ chức khi kinh doanh dịch vụ bể bơi phải đáp ứng các các điều kiện cơ sở vật chất trong kinh doanh hoạt động thể thao, phải tuân thủ chặt chẽ các điều kiện như: Diện tích bể bơi, có hệ thống âm thanh và ánh sáng đảm bảo, có nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế, nhân viên hướng dẫn tập luyện nhằm đề cao sự an toàn và tính mạng, sức khỏe của người khác, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Đặc biệt đối với nhưng loại hình thể thao như bơi lội tại khu bể bơi ngoài trời còn đòi hỏi có người lớn đi cùng mới cho trẻ em vào khu vực; trẻ em chỉ được vào khu bể bơi dành cho trẻ em. Quy định này phải được thông báo cụ thể trước khi khách hàng vào mua vé.
Phân tích dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Đồng cho biết, việc cháu bé 10 tuổi đến mua vé nhưng cơ sở này vẫn bán vé là có dấu hiệu vi phạm. Ông Đồng lý giải, theo quy định của Bộ luật Dân sự việc mua vé dịch vụ chính là "xác lập giao dịch dân sự". Tại khoản 3 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi".
"Như vậy, việc cháu bé 10 tuổi tự mình mua vé để vào bể bơi là trái quy định, là giao dịch dân sự vô hiệu. Vì vậy, có dấu hiệu vi phạm của cơ sở kinh doanh dịch vụ bể bơi trong việc bán vé cho trẻ em không có người lớn đi cùng, chưa có sự đồng ý của cha mẹ cháu bé. Bên cạnh đó, cần làm rõ điều kiện vật chất, nhân sự tại bể bơi có đảm bảo hay không, có nhân viên cứu hộ kịp thời không, có phát hiện ra việc cháu bé bị đuối nước để xử lý sự cố không…
Nếu có hậu quả chết người xảy ra, có dấu hiệu của hành vi Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự năm 2015", Luật sư Đồng nhấn mạnh
Đối với trách nhiệm bồi thường, theo luật sư, sẽ thuộc về bên có lỗi trong kinh doanh, vận hành và quản lý dịch vụ bể bơi. Nếu trường hợp đơn vị kinh doanh dịch vụ bể bơi đã bán vé cho cháu bé 10 tuổi (chưa có sự đồng ý của gia đình cháu bé hoặc không có người lớn đi cùng); kinh doanh dịch vụ bể bơi nhưng không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, cứu hộ thì lỗi thuộc về đơn vị kinh doanh dịch vụ này, khi đó đơn vị này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu bé.
Bác sĩ Vũ Phương Hạnh (Phòng khám Đa khoa Tâm Hạnh, Hòa Bình): "Căn cứ vào những nội dung thông tin như cháu bé khi được đưa lên bờ vẫn di chuyển được, vẫn có thể trao đổi được nhưng sau đó được xác định tử vong do đuối nước thì rất có thể cháu bé đã rơi vào tình trạng đuối nước trên cạn".
Bà Hạnh giải thích, tình trạng đuối nước trên cạn thường xảy ra trong vòng 1 đến 72 giờ sau khi bơi, hoặc suýt chết đuối dưới nước, hoặc tắm quá lâu dưới nước, bị sặc nước… Khi đó, nạn nhân bị hít nước vào phổi trong quá trình ở dưới nước. Chỉ cần một ngụm nước nhỏ tràn vào phổi cũng có thể cản trở phổi cung cấp ôxy cho máu, dẫn tới phù phổi, suy hô hấp gây nguy hiểm đến tính mạng.
"Trẻ khi bơi xong có những biểu hiện bất thường như khó thở, mắt lờ đờ, ho nhiều… rất có khả năng đã bị đuối nước trên cạn và cần được sơ cứu đồng thời đưa đến bệnh viện để cấp cứu trước khi những trường hợp đáng tiếc xảy ra", bác sĩ Hạnh khuyến cáo.