Bên nhau hơn 60 năm vẫn mặn nồng như thuở còn son, cặp vợ chồng già chia sẻ bí quyết

HÀ PHƯƠNG
30/05/2022 - 12:00
Bên nhau hơn 60 năm vẫn mặn nồng như thuở còn son, cặp vợ chồng già chia sẻ bí quyết
Tuổi đời của hai vợ chồng cộng vào là 178 tuổi, và họ được mệnh danh là cặp vợ chồng già ngọt ngào nhất Nhật Bản.

Để thành vợ thành chồng không phải là chuyện dễ, nhưng để hai người cùng nhau đi hết cuộc đời càng khó hơn. Ấy vậy mà, vẫn có những cặp vợ chồng tuổi đã gần đất xa trời nhưng vẫn yêu nhau nồng cháy như thuở ban đầu. Cuộc sống của họ thật hạnh phúc và yên bình khiến nhiều người ngưỡng mộ, ghen tị.

Hai vợ chồng kiến trúc sư Shuichi Tsubata và vợ là bà Hideko đã ngấp nghé tuổi 90, tuổi của hai ông bà cộng lại đã là 178 tuổi và họ được mệnh danh là cặp vợ chồng già ngọt ngào nhất Nhật Bản. Họ có với nhau 2 cô con gái, đều đã kết hôn.

Vào năm 2018, cặp vợ chồng già quyết định rời thành phố phồn hoa về vùng ngoại ô ở tỉnh Aichi sinh sống, tận hưởng những ngày bình yên và hạnh phúc trong ngôi nhà gỗ giản dị. Mỗi sáng mai thức dậy, cặp vợ chồng lại cùng nhau ăn sáng uống trà, trò chuyện bên khu vườn êm đềm.

Ông Shuichi Tsubata và vợ là bà Hideko được mệnh danh là cặp vợ chồng ngọt ngào nhất Nhật Bản. 

Dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày họ vẫn hăng say lao động, chăm chỉ làm vườn, trồng trọt để tạo nên những nguyên liệu thật ngon, phục vụ cho bữa ăn gia đình. Dù khó tránh khỏi mệt mỏi do lao động, do tuổi già nhưng nụ cười hạnh phúc vẫn luôn thường trực trên môi cặp vợ chồng già khiến bao người thèm thuồng, mơ ước.

Khi chứng kiến cuộc sống của họ, có người hỏi: Làm thế nào mà ông bà có thể giữ được tình cảm bền chặt băng qua cùng năm tháng? Vị kiến trúc sư già vui vẻ nói: Chúng tôi kết hôn cũng hơn 60 năm rồi, nhưng hầu như không cãi vã khi nào. Cuộc sống tốt đẹp không phải dựa trên cơ sở tiền bạc. Cuộc sống sẽ ngày càng đẹp hơn khi bạn yêu chính những điều đơn giản, bình dị nhất.

Dù đã bên nhau hơn 60 năm nhưng ông bà vẫn mặn nồng như thuở còn son.

Bên cạnh đó, ông Shuichi Tsubata cũng chia sẻ 4 bí quyết riêng của vợ chồng ông để cuộc sống hôn nhân luôn tươi mới mà không nhàm chán, buồn tẻ.

Chấp nhận khuyết điểm của đối phương

Chẳng ai là hoàn hảo cả, làm người thì ai cũng có thiếu sót, khuyết điểm. Nhưng để hôn nhân bền vững, bạn không nên thay đổi thiếu sót của người đó.

Ông Shuichi cho biết, vợ của ông vốn là con gái của chủ nhà máy bia, bà nói năng rất thẳng thắn, bộc trực, hành động thì bất cẩn và hay quên. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ cố gắng thay đổi vợ mình. “Cô ấy vốn là như vậy, tôi đã biết điều đó trước khi kết hôn với cô ấy rồi”, ông nói.

Nhưng đôi khi, khuyết điểm của vợ lại dễ làm mọi việc bị trì trệ, thậm chí gây nguy hiểm, chẳng hạn như việc bà quên tắt bếp khi nước sôi. Nhưng thay vì đổ lỗi cho đối phương, trút bỏ sự bất mãn thì ông lại tìm cách để khắc phục vấn đề, bởi lẽ đổ lỗi và trút giận sẽ chỉ dẫn đến cãi vã.

Em quên tắt bếp gas nhưng không phải lần trước anh cũng quên rút chìa khóa đó sao? Người mà, ai chẳng có lúc quên cái này quên cái kia. Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề, bạn đừng đổ lỗ cho người kia mà hãy nói: Không sao cả, anh sẽ giúp em! Đó chính là ý nghĩa của việc ở bên một người”, ông Shuichi chia sẻ.

Vì vậy, ông đã nghĩ ra cách nhắc nhở vợ bằng giấy nhớ, bảng tin. Cụ thể, trong bếp ông sẽ đặt tấm bảng nhỏ ghi dòng chữ: “Đừng quên tắt bếp ga”. Hoặc khi nào giặt đồ, bên cạnh máy giặt sẽ có tấm biển với nội dung: “Tôi đang giặt đồ, bà đừng quên phơi nhé”.

Thậm chí, trong vườn rau đâu đâu cũng có tấm biển gỗ, ghi rằng miếng đất này trồng ngô, miếng đất kia trồng bắp cải. Không chỉ vậy, ông còn để lại những lời nhắc nhở vô cùng ngọt ngào cho vợ như “em hãy cẩn thận cái cây này, đập đầu vào sẽ rất đau đó”.

Cố gắng tránh xung đột trực diện

Ông Shuichi cho rằng vợ chồng nên tránh xung đột trực diện với nhau, hãy cho nhau không gian riêng để bình tĩnh lại. 

Cuộc sống hôn nhân khó tránh khỏi những lúc vợ chồng xô bát xô đũa. Về vấn đề này, ông Shuichi cho rằng những lúc nóng giận thì vợ chồng nên cố gắng tránh xung đột trực diện với nhau, hãy cho nhau thời gian và không gian riêng tư để cả hai bình tĩnh lại.

Nếu muốn làm lành, nói lời ngọt ngào thì nên nói ngay, càng sớm càng tốt. Nhưng nếu tâm trạng chưa bình tĩnh được thì bạn nên đợi một chút, suy nghĩ lại vấn đề rồi có thể nhắn tin, nói chuyện với đối phương bằng điện thoại trước khi hai người làm hòa.

Đừng ép buộc nhau

“Đừng ép buộc nhau” là bí quyết thứ 3 để cặp vợ chồng già này xây dựng hôn nhân hạnh phúc.

“Đừng ép buộc nhau” là bí quyết thứ 3 để cặp vợ chồng già này xây dựng hôn nhân hạnh phúc. Bà Hideko là một người thích sưu tầm đồ vật, chỉ cần thấy những chiếc cốc, đĩa đẹp là cô lại không thể kìm lòng được mà mua chúng về dù trong nhà đã có rất nhiều rồi. Thế nhưng, chồng cô chưa bao giờ ca thán mà luôn nói “em mua đi” một cách hào phóng.

Ông ấy chưa bao giờ can thiệp vào sự tự do của tôi. Tôi muốn làm gì, mua gì thì ông ấy đều để tôi làm. Điều này hiếm ai làm được”, bà Hideko bộc bạch. Ngược lại, bà cũng không cưỡng ép chồng làm điều gì.

Cho nên, không ép buộc nhau chính là cách để mối quan hệ vợ chồng phát triển bền chặt, thay vào đó hãy để đối phương tự giác. Còn nếu luôn ép buộc đối phương làm điều họ không thích, thì không sớm thì muộn xung đột sẽ xảy ra, lâu dần tình cảm giữa hai người sẽ rạn nứt.

Để đối phương được sống đúng với con người của họ

Ông Shuichi không bao giờ ép buộc vợ phải thay đổi điều gì vì mình và ngược lại, bà Hideko cũng vậy.

Mỗi người đều có một sở thích, đam mê, ước mơ khác nhau và bí quyết thứ 4 để hôn nhân bền chặt chính là để đối phương sống đúng với con người của họ. Nghe có vẻ dễ dàng nhưng không hề đơn giản chút nào.

Hideko muốn làm gì, tôi sẽ ủng hộ cô ấy, thậm chí cùng cô ấy làm. Thực ra, trong hôn nhân, việc không cùng nhau ăn, cùng nhau cười, cùng nhau chơi đùa, tâm sự chỉ là chuyện nhỏ. Điều thực sự bào mòn tình yêu là khi đối phương nói: Vì anh, em sẽ thay đổi!

Khi thốt ra câu đó, có lẽ đối phương đang cảm thấy rất bất lực và đau khổ, vì họ không được là chính mình, phải thay đổi vì ai đó. Đây thực sự là ‘căn bệnh ung thư’ nguy hiểm nhất trong hôn nhân”, vị kiến trúc sư già chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm