pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bến Tre lan tỏa tinh thần chuyển đổi số đến đông đảo hội viên, phụ nữ
Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh (phải) trao bằng vinh danh Hội LHPN tỉnh Bến Tre là đơn vị hưởng ứng cuộc thi tốt nhất
Các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp Hội cơ bản đã thực hiện trên môi trường mạng góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, tỉnh Bến Tre có 157 cơ sở Hội. Đa số, cán bộ Hội các xã, phường trong tỉnh đều có kiến thức về tin học, sử dụng thành thạo máy vi tính, đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, Hội LHPN tỉnh và huyện/thành phố luôn quan tâm cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ đó, hầu hết cán bộ luôn đáp ứng môi trường làm việc hiện đại. Với việc ứng dụng chữ ký số, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành (I-Office), gần 100% văn bản đi, đến đều là văn bản điện tử được xử lý lưu trữ trên hệ thống mạng góp phần rút ngắn thời gian trao đổi thông tin và tiết kiệm kinh phí.
Ngoài ra, để tăng cường trao đổi thông tin hoạt động Hội từ Trung ương, tỉnh đến cơ sở, Hội LHPN tỉnh duy trì nâng chất trang thông tin điện tử của Hội, thường xuyên cập nhật thông tin trên fanpage Facebook Hội LHPN tỉnh Bến Tre. Đến thời điểm này, 100% Hội LHPN cấp huyện, cơ sở đều thành lập fanpage, Facebook, có nhiều hoạt động đăng tải, chia sẻ các thông tin liên quan đến công tác tuyền truyền, các hoạt động của hệ thống chính trị và của Hội đến cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần tháo gỡ "điểm nghẽn" trong công tác tuyên truyền.
"Ý thức được vấn đề đào tạo, nâng cao kỹ năng liên tục trong bối cảnh chuyển đổi số, Hội LHPN tỉnh cũng phối hợp với một số đơn vị viễn thông tập huấn về chuyển đổi số, kiến thức kinh doanh thời đại số-digital 4.0, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, bán hàng online... Qua đó giúp chị em có kỹ năng quản lý, sử dụng hiệu quả mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mở rộng mạng lưới tương tác, thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời đại công nghệ số" - bà Nguyễn Thị Kim Thoa nhấn mạnh.
Tích cực hưởng ứng Cuộc thi "Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt Hội" năm 2024 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Bến Tre có 183 bài dự thi tốt nhất được chọn từ cấp huyện và cơ sở gửi về Hội LHPN tỉnh, trong đó có 87 tập thể và 79 cá nhân; 6 bài dự thi cấp huyện, 161 bài dự thi cấp cơ sở, 16 bài dự thi cấp chi, tổ Hội. Các sản phẩm dự thi sử dụng các ứng dụng Canva, PowerPoint, Sticky note, Capcut, AI, Google meet, Zoom, ChatGPT, TikTok,… để tạo những video clip, tạo mã QR Code đăng tải tài liệu, thiết kế trò chơi ô chữ, mini game,… nhằm phục vụ công tác tuyên truyền và nâng chất lượng các cuộc sinh hoạt tại chi, tổ Hội.
Thông qua việc đổi mới hình thức sinh hoạt, Hội đã phát huy hiệu quả việc tập hợp sinh hoạt đối với hội viên làm ăn xa hoặc khó tập hợp. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chọn 10 sản phẩm xuất sắc để xét trao giải, đồng thời gửi 5 sản phẩm dự thi chất lượng nhất tham gia vòng thi cấp toàn quốc, kết quả có 1 sản phẩm dự thi vào vòng bình chọn trên trang fanpage Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tại Lễ trao giải Cuộc thi do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, Bến Tre vinh dự được tuyên dương là đơn vị hưởng ứng cuộc thi tốt nhất và đoạt 1 giải Ba cho cá nhân tham dự.
Có thể thấy, việc ứng dụng CNTT, mạng xã hội đã giúp công tác Hội được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở một cách nhanh chóng và kịp thời. Các thông tin về hoạt động Hội và phong trào phụ nữ được hội viên, phụ nữ biết đến rộng rãi hơn, tạo ra những hiệu quả trong xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh. Ngoài ra, fanpage Facebook Hội đã kết nối, giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ, kịp thời nắm bắt dư luận ở cơ sở, tình hình các nhóm hội viên phụ nữ làm ăn xa.
Nhiều sáng kiến, mô hình hay đã được lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng như "Tổ góp vốn xoay vòng giúp hội viên, phụ nữ mua điện thoại thông minh", từ đó giúp khắc phục trở ngại của quá trình chuyển đổi số trong sinh hoạt Hội là khâu thiếu trang thiết bị số ở nhóm hội viên nông thôn, hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Việc ứng dụng CNTT trong sinh hoạt Hội cũng giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng của cán bộ Hội các cấp về bước đầu chuyển số; thúc đẩy sự sáng tạo của cán bộ Hội các cấp và huy động sự tham gia tích cực của hội viên trong đổi mới hình thức tổ chức sinh hoạt Hội.