pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Bệnh điều hòa”: Những hiểu lầm của cha mẹ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con
Rõ ràng với nhiệt độ oi bức giữa hè, chuyện sử dụng điều hòa là một giải pháp để cảm thấy dễ chịu hơn. Thế nhưng xung quanh câu chuyện có nên cho trẻ ở trong điều hòa hay không lại vẫn là chủ đều gây tranh cãi của nhiều bậc phụ huynh.
Có một cặp vợ chồng trẻ mới có con đầu lòng. Vì nghĩ con còn nhỏ nên họ luôn để con ở trong phòng, không bật điều hòa. Kết quả là đứa trẻ gào khóc rất nhiều mà bố mẹ thì không biết nguyên nhân vì sao con mình lại khóc không ngừng như thế. Cho tới khi người em họ tới chơi, bước chân vào căn phòng, người đó cảm thấy quá nóng so với bên ngoài.
Cô ấy đã nói cho cặp vợ chồng biết rằng đứa trẻ khó chịu vì nhiệt độ phòng quá cao. Thậm chí lo con mình còn nhỏ sẽ bị lạnh nên bất chấp việc giữa hè, bố mẹ đứa trẻ vẫn cho con mặc quần áo mùa thu, quần dài cộng với một chiếc chăn nhỏ quấn bên ngoài.
Ngay lập tức, người em này đã yêu cầu bố mẹ bé cởi bớt quần áo nóng bức, chuẩn bị nước tắm cho bé ở nhiệt độ vừa phải. Sau đó, cho bé uống một chút nước ấm và tắm cho bé thật thoải mái. Sau khi tắm mặc cho bé quần áo dễ chịu, thoáng mát. Tới lúc này, người bố mới hỏi: “Bật điều hòa cho con có ảnh hưởng gì không nhỉ?”
Điều hòa sẽ giúp trẻ dễ chịu, ngủ ngon và không bị đổ mồ hôi, ngứa ngáy, miễn là bạn biết cách sử dụng điều hòa khoa học nhất (Ảnh minh họa)
Trên thực tế, việc bật điều hòa là điều hoàn toàn nên làm. Những đứa trẻ vừa được sinh ra trong bệnh viện, nơi bật điều hòa 24/24 rõ ràng hoàn toàn không gặp vấn đề nào về sức khỏe. Không những thế, các bà mẹ vừa sinh em bé, còn nằm tại bệnh viện cũng ở trong môi trường điều hòa. Vấn đề không phải việc bật điều hòa sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe mà quan trọng là sử dụng điều hòa đúng cách thì hoàn toàn không có chuyện gì xảy ra cả.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng khuyến cáo cha mẹ nên sử dụng điều hòa trong mùa hè oi bức. Điều này không chỉ làm giảm nguy cơ tử vong đột ngột cho bé mà còn tránh tình trạng mất nước do say nắng, hen suyễn, dị ứng, viêm da và các bệnh khác.
Tâm sự của một bà mẹ dưới đây là một ví dụ:
“Tôi sinh con vào chính giữa mùa hè. Trong bệnh viện, con tôi bị phát ban 2 ngày sau đó tôi về nhà và cơ thể bắt đầu nổi mẩn đỏ. Lúc đó, thời tiết vô cùng nóng nực nhưng tôi không sử dụng điều hòa. Vài ngày sau đó, đầu và cơ thể của Xiaobao – con tôi, càng lúc càng nổi mẩn đỏ nhiều hơn. Chỉ tới khi được tắm rửa, làm mát, thông thoáng cơ thể dấu hiệu đó mới thuyên giảm. Nguyên nhân là vì con tôi đã bị ủ quá nóng, nhất là trong thời tiết oi bức”.
Trên thực tế, đối với người lớn, việc mắc bệnh do điều hòa không khí thực chất chính là sự rối loạn nội tiết. Ở trong môi trường máy lạnh kín trong 1 thời gian dài, không khí không được lưu thông, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời lớn, cơ thể lại kém thích nghi nên sẽ gây ra những triệu chứng như căng cứng, mệt mỏi, tay chân lạnh, đau lưng… Và vì thế nhiều người nghĩ rằng ở trong phòng điều hòa sẽ gây ra các vấn đề không tốt cho sức khỏe.
Đối với trẻ sơ sinh, nhiều người lại càng quan niệm sẽ dễ mắc “bệnh điều hòa” hơn người lớn.
Thực ra, nguyên nhân là bởi làn da của em bé mỏng, mềm, ít mỡ dưới da, mao mạch nhiều và trung tâm điều chỉnh nhiệt độ chưa được phát triển đầy đủ. Nếu điều hòa không khí không được sử dụng đúng cách, em bé sẽ bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh, mao mạch sẽ co lại, lỗ chân lông sẽ thu nhỏ lại và nhiệt độ cơ thể sẽ bị hạ thấp. Điều này khiến cho trung tâm điều hòa nhiệt độ và trung tâm lưu thông máu bị mất cân bằng.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí trong phòng máy lạnh, các chất có hại như formaldehyde, benzene và amoniac thải ra từ đồ đạc, nội thất trong nhà cũng sẽ tác động trực tiếp tới hệ hô hấp ở trẻ và trở thành nguyên nhân gây ra bệnh nhưng người ta lại lầm tưởng là do điều hòa gây ra.
Đảm bảo vệ sinh điều hòa sạch sẽ để trẻ có bầu không khí trong lành nhất, tốt cho sức khỏe (Ảnh minh họa)
Nói một cách rõ ràng hơn, điều hòa không khí không gây ra bệnh tật, chỉ là do nó đã không được sử dụng đúng cách và môi trường không khí bị ô nhiễm nên mới là nguyên nhân gây ra bệnh mà thôi.
Để ngăn ngừa những bệnh có thể gặp phải khi sử dụng điều hòa, bố mẹ cần lưu ý 5 điều dưới đây:
1. Điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa
Không phải chỉ vì để điều hòa quá lạnh, chênh lệch nhiệt độ cao mới dẫn đến việc bé bị ốm.
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rằng, sự chênh lệch giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời sẽ tạo nên khác biệt rất lớn. Ví dụ như việc trẻ đi từ ngoài trời oi nóng, cơ thể toát mồ hôi ngay lập tức bước vào nhà đang để nhiệt độ quá thấp sẽ khiến cơ thể trẻ bị xung đột giữa nóng và lạnh.
Thứ 2 là chênh lệch nhiệt độ giữa các phòng trong nhà. Nhiều gia đình có thói quen chỉ bật điều hòa trong 1 phòng còn các phòng khác thì không. Khi đó sẽ tạo ra một môi trường chênh lệch nhiệt độ khá lớn giữa các phòng có bật điều hòa và không bệnh điều hòa. Trẻ di chuyển, đi lại giữa các phòng liên tục sẽ dẫn đến việc cơ thể không thể thích nghi, khả năng mắc bệnh cao.
Nên để điều hòa nhiệt độ trong khoảng từ 24 – 28 độ C, tốt nhất là đảm bảo đảm nhiệt độ phòng trong khoảng 26 độ C. Mỗi buổi sáng và tối, khi nhiệt độ ngoài trời dịu hơn một chút, hãy đưa trẻ ra ngoài, đi dạo một vài vòng để cơ thể trẻ tự thích nghi được với sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài.
Khi bắt đầu vào tới cửa, nhớ lau mồ hôi cho trẻ, thay quần áo đã ướt đẫm mồ hôi hoặc mặc quần áo dài tay, điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa hoặc tắt điều hòa trước khi đưa con từ bên ngoài vào nhà.
2. Điều chỉnh hướng gió của điều hòa
Không được để hướng gió của điều hòa thổi thốc thẳng vào người em bé. Trung tâm điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của trẻ chưa được phát triển đầy đủ. Khi gió của điều hòa thổi thẳng vào người bé trong 1 thời gian dài, lực gió quá lớn, mao mạch của toàn bộ cơ thể và nhiệt độ cơ thể giảm quá mức dễ gây ra cảm lạnh.
Cách tốt nhất là để cho cửa thoát khí của máy điều hòa thổi vào tường hoặc lắp kính chắn gió điều hòa để không khí đủ mát nhưng luồng gió không phả trực tiếp vào cũi hoặc nơi trẻ nằm chơi, đi lại.
Nếu bé ngủ trong phòng điều hòa, tốt hơn hết hãy mặc đồ dài tay cho bé hoặc đắp 1 chiếc chăn mỏng lên phần bụng để bảo vệ dạ dày và các bộ phận quan trọng khác thuộc phần thân trên của bé.
Ngoài ra, khi bé ngủ trong phòng có máy lạnh, tốt hơn hết hãy hở he hé cửa sổ để vẫn duy trì nhiệt độ mát mẻ nhưng có thêm không khí, ô xy ngoài trời tràn vào nhà.
Cách tốt nhất là để cho cửa thoát khí của máy điều hòa thổi vào tường hoặc lắp kính chắn gió điều hòa để không khí đủ mát nhưng luồng gió không phả trực tiếp vào cũi hoặc nơi trẻ nằm chơi, đi lại. (Ảnh minh họa)
3. Phải tạo ra thông gió, để gió tự nhiên vào phòng
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong một phòng kín bật điều hòa sau 5 – 6h, lượng oxy sẽ giảm 13,2%, Ecoli sẽ tăng 1,2% và các vi khuẩn có hại khác của đường hô hấp sẽ tăng lên ở các mức độ khác nhau. Và sau khoảng 10 phút, sau khi mở cửa sổ, bạn có thể thay đổi không khí trong một căn phòng rộng khoảng 80m vuông. Do đó, điều cần thiết bạn nên làm là mở cửa sổ để lưu thông gió khi phải bật điều hòa trong 1 thời gian dài.
Cha mẹ nên tận dụng tối đa mở cửa sổ trong buổi sáng và tối, để không khí tự nhiên tràn vào nhà trong khoảng 30 phút đến 1 tiếng để gió lưu thông trong phòng. Khi bật điều hòa, cứ trung bình khoảng 2- 3 tiếng thì nên mở cửa sổ thông gió khoảng 10 – 15 phút. Không khí trong lành sẽ dẫn tới việc sức khỏe của trẻ cũng tốt hơn.
4. Bù nước cho trẻ khi sử dụng điều hòa nhiều
Chức năng hút ẩm của điều hòa hoạt động vô cùng mạnh mẽ, do đó nằm trong phòng điều hòa lâu, bé sẽ vô tình bị chảy máu cam, mũi, họng và da dẻ trở nên khô hơn.
Nhiệm vụ đầu tiên mà cha mẹ phải làm là bù nước cho trẻ. Chuẩn bị một ly nước cho con. Nước uống vào mùa hè có thể không quá nóng, không quá lạnh. Bạn có thể cho ít trà hoa cúc, trà kim ngân… thêm một chút đường, đá để uống khi còn ấm.
Thứ hai, khi bật điều hòa, tốt nhất nên bật máy tạo độ ẩm để giữ độ ẩm trong nhà ở mức 40 – 70%. Độ ẩm này không chỉ thoải mái mà còn giảm khả năng truyền bệnh của mầm bệnh. Tất nhiên, bạn cũng có thể đặt một chậu nước trong phòng máy lạnh, hoặc trồng một số cây xanh để tạo ra hơi nước, làm tăng độ ẩm trong không khí.
5. Làm sạch điều hòa thường xuyên
Trước khi sử dụng điều hòa hàng năm, hãy nhớ vệ sinh điều hòa một lần và đừng bao giờ nhìn vào vẻ bề ngoài của điều hòa trông có vẻ sạch sẽ mà cho rằng không cần phải vệ sinh điều hòa.
Nếu bạn bật điều hòa và nhìn vào bên trong bộ lọc, bạn sẽ thấy một lớp bụi phủ đầy thậm chí là ám dầu, khói. Bạn sẽ không thể nào tin nổi và tưởng tượng ra có không biết bao nhiêu vi khuẩn và bụi bẩn được tạo ra trong phòng nếu chiếc điều hòa đó bật lên.
Rốt cuộc, chăm sóc em bé phải cẩn thận. Ví dụ, bạn phải luôn chú ý đến trạng thái của em bé. Khi chạm vào nhiệt độ lưng của em bé nếu thấy lạnh, hãy thêm quần áo cho em bé hoặc tăng nhiệt độ của máy điều hòa kịp thời.
Đưa bé ra ngoài đều đặn mỗi ngày để thở, đi dạo, chơi thể thao và tập thể dục để cải thiện sức đề kháng. Quãng thời gian này bạn cũng có thể tắt điều hòa, mở cửa sổ để thông gió vào phòng. Ngoài ra, bạn nên cho bé uống nhiều nước nếu ở trong môi trường điều hòa lâu.