pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh động kinh có di truyền không?
Ảnh minh họa
1. Bệnh động kinh là gì?
Động kinh là một rối loạn mãn tính, tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến não và gây ra các cơn co giật thường xuyên. Một người được xác nhận mắc bệnh động kinh khi họ có từ 2 cơn co giật không rõ nguyên nhân hoặc hơn.
Động kinh có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi khác nhau, từ trẻ nhỏ đến những người trên 60 tuổi. Bệnh có thể kéo dài suốt đời và cũng có thể trở nên tốt hơn sau một thời gian.
2. Triệu chứng của bệnh động kinh
Chứng động kinh xảy ra do hoạt động bất thường trong não, các cơn động kinh gây ảnh hưởng đến bất kỳ quá trình nào mà não điều khiển, vì vậy, tùy từng người và tuỳ tình trạng bệnh mà dẫn đến các triệu chứng khác nhau. Các dấu hiệu có thể là:
Sự nhầm lẫn tạm thời
Nhìn chằm chằm vô hồn
Căng cứng cơ
Các cử động co giật không thể kiểm soát của tay và chân
Mất ý thức và nhận thức
Các triệu chứng tâm lý như sợ hãi hay lo lắng.
Trong hầu hết các trường hợp, một người động kinh sẽ có các biểu hiện cùng một cơn co giật mỗi lần.
3. Các loại động kinh
Thông thường, bệnh động kinh được chia làm 4 loại cơ bản dựa theo triệu chứng mà bạn gặp phải.
Động kinh tổng quát
Nếu bạn mắc phải loại bệnh này, các cơn động kinh bắt đầu cả ở 2 bên não, ảnh hưởng đến mạng lưới tế bào 2 bên não. Và thường được chia làm 2 loại động kinh:
Động kinh toàn thân: nó khiến cơ thể bạn chuyển động, lắc lư một cách không kiểm soát và đột ngột. Ví dụ như co giật clonic, tonic hay myoclonic. Khi bị lên cơn động kinh, bạn có thể bị bất tỉnh, cơ bắp căng cứng và giật.
Co giật toàn thân không do vận động: Chúng thường được gọi là động kinh "petit mal". Khi bị động kinh, bạn thường nhìn chằm chằm vào không gian một lúc. Các động tác khác có thể bị lặp đi lặp lại như cắn môi.
Động kinh khu trú
Ở loại động kinh này, cơn động kinh chỉ bắt đầu ở 1 bên của não bộ, ảnh hưởng đến mạng lưới tế bào của một bên não trái hoặc phải. Nó còn được gọi là " động kinh cục bộ". Các cơn động kinh này có thể được chia làm 4 loại:
Động kinh nhận thức tập trung: Là khi bạn vẫn có thể nhận thức được trong cơn động kinh. Nó còn được gọi là" động kinh từng phần đơn giản".
Co giật nhận thức suy giảm khả năng tập trung: Khi bị chứng động kinh này, bạn sẽ bối rối hoặc không biết điều gì đang xảy ra. Với cách gọi khác là" động kinh từng phần phức tạp".
Động kinh khu trú: Biểu hiện của loại này là bạn sẽ di chuyển ở một mức độ nào đó, đi lại nhiều lần hoặc thường xuyên lặp lại động tác cọ sát tay với nhau.
Động kinh không vận động khu trú: Loại này sẽ không gây ra chứng co giật hoặc cử động khác. Thay vào đó, nó gây ra những thay đổi trong cách bạn cảm thấy và suy nghĩ. Bạn có thể có những cảm xúc kỳ lạ, mãnh liệt, tim đập nhanh, nổi da gà, hoặc từng đợt nóng hoặc lạnh.
Động kinh tổng quát và động kinh khu trú
Đây là một dạng động kinh mà bạn có cả những triệu chứng của cơn động kinh tổng quát và động kinh khu trú.
Không rõ là động kinh tổng quát hay động kinh khu trú
Với loại này thì bác sĩ rất khó để chẩn đoán các triệu chứng mắc phải là động kinh tổng quát hay động kinh khu trú và các xét nghiệm cũng không được thể hiện rõ ràng.
4. Bệnh động kinh có di truyền không?
Không phải tất cả các chứng động kinh đều có nguyên nhân là do di truyền. Nhưng tính di truyền có thể ảnh hưởng đến bệnh động kinh.
Gen chính là yếu tố quan trọng quyết định về tính di truyền này vì mỗi người con đều được thừa hưởng một phần gen của bố mẹ hay ông bà, gia đình.
Theo thống kê, có đến 30% tổng số trường hợp mắc bệnh động kinh xảy ra do chứng động kinh có cấu tạo di truyền và họ có khả năng mắc bệnh cao hơn so với những người bình thường.
Một chứng minh đã cho thấy rằng:
Nếu cha hoặc mẹ mắc bệnh động kinh, có khả năng 9 đến 12% con cũng mắc bệnh động kinh.
Mặc dù chứng động kinh xảy ra trong gia đình là không phổ biến nhưng nếu 1 đứa trẻ bị động kinh thì anh chị em của họ có nguy cơ mắc bệnh động kinh cao hơn.
Nếu một cặp song sinh mắc bệnh động kinh thì triệu chứng của chúng thường giống hệt nhau và có cùng loại động kinh.
Người phụ nữ mắc bị bệnh động kinh thì khả năng con cái của họ mắc bệnh động kinh cao hơn so với con cái của người đàn ông bị bệnh động kinh.
5. Các nguyên nhân khác
Ngoài nguyên nhân do gen di truyền mắc đến bệnh động kinh thì còn nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn đến bệnh động kinh.
Tổn thương trước, trong hoặc ngay sau khi sinh
Bất kỳ vấn đề nào xảy ra đối với sự phát triển của não khi còn trong bụng mẹ hoặc giai đoạn sơ sinh đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh động kinh. Tổn thương não có thể xảy ra trong bụng mẹ do nhiều nguyên nhân:
Nhiễm trùng ở mẹ
Dinh dưỡng kém
Quá ít oxy
Khi có vấn đề xảy ra trong khi sinh hay đứa trẻ sinh ra bị dị tật não cũng có thể dẫn đến chứng động kinh.
Chấn thương đầu hoặc não
Chấn thương đầu hoặc não có thể gây ra động kinh do não của bạn đã bị gặp tổn thương. Nó còn được gọi là chứng động kinh sau chấn thương- PTE.
Các tình trạng về não
Hầu hết các trường hợp động kinh ở những người trên 35 tuổi xảy ra do tổn thương, đột quỵ hoặc sau khi làm các phẫu thuật não. Các vấn đề khác về não có thể gây động kinh bao gồm:
Khối u
Các vấn đề về mạch máu, xơ cứng động mạch não
Đột quỵ
Bệnh Alzheimer
Bệnh xơ cứng củ - một tình trạng di truyền có thể gây ra sự phát triển trong não.
Các bệnh truyền nhiễm
Các tình trạng do virus, vi khuẩn gây nên có thể gây ra chứng động kinh khi chúng lây nhiễm sang não của bạn:
AIDS
Viêm não do virus
Viêm màng não
Rối loạn phát triển
Bệnh có thể xảy ra bởi cách bộ não của trẻ phát triển trong bụng mẹ. Một số rối loạn phát triển não làm tăng nguy cơ mắc bệnh động kinh:
Hội chứng Down
Chứng tự kỷ
U xơ thần kinh- một tình trạng di truyền gây ra các khối u không phải ung thư, phát triển trên các lớp phủ thần kinh.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng động kinh, tuy nhiên có đến hơn 70% tổng số trường hợp động kinh ở người lớn và trẻ em chưa tìm được nguyên nhân.
6. Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán
Để phát hiện ra bệnh động kinh thông thường sẽ dựa vào:
Các triệu chứng, biểu hiện của bệnh
Dựa vào tiền sử bệnh trước đó
Khám tổng quát
Tiến hành các kiểm tra về khả năng vận động, kiểm tra hệ thần kinh và các chức năng tinh thần khác.
Xét nghiệm máu để tìm các dấu hiệu về sự nhiễm khuẩn hay vi rút.
Điều trị
Điều trị bằng thuốc: Hấu hết những người bị động kinh đều được điều trị bằng thuốc chống co giật, chống động kinh. Tuy nhiên, trong quá trình dùng thuốc sẽ phát sinh một số tác dụng phụ như chóng mặt, mệt mỏi, tăng cân, phát ban, rối loạn về trí nhớ hay lời nói.
Phẫu thuật: Khi uống thuốc mà các triệu chứng bệnh không có dấu hiệu giảm thì phẫu thuật sẽ là một lựa chọn tốt. Bác sĩ sẽ phẫu thuật để loại bỏ đi phần não gây ra các cơn động kinh. Cũng khi dùng thuốc thì phẫu thuật cũng có thể để lại biến chứng như thay đổi vĩnh viễn các khả năng nhận thức.
Điều trị bằng cách khác
Các biện pháp trị liệu
Tuân theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt
Kích thích não sâu bằng phẫu thuật cấy điện cực.
Bệnh động kinh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và cũng có những trường hợp chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể. Mặc dù động kinh có thể xảy ra do di truyền nhưng căn bệnh này vẫn có thể chữa trị được nhờ uống thuốc, phẫu thuật và một vài cách điều trị khác. Có rất nhiều người nghĩ rằng "động kinh không thể chữa được" hay "di truyền là nguyên nhân chính dẫn đến động kinh" là không chính xác.
Nguồn tham khảo:
1. What Are the Types of Epilepsy?
2. Epilepsy