Bệnh Lupus ban đỏ trầm trọng hơn khi nắng nóng gay gắt: Hiểu sao cho đúng?

Allen
17/07/2022 - 09:29
Bệnh Lupus ban đỏ trầm trọng hơn khi nắng nóng gay gắt: Hiểu sao cho đúng?
Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn dịch khiến cho hệ miễn dịch hoạt động quá mức rồi tấn công các mô khỏe mạnh. Nắng nóng có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Đối với những người mắc bệnh Lupus, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc một số ánh sáng nhân tạo nhất định có thể làm bùng phát các triệu chứng, bao gồm cả phát ban.

Hệ thống miễn dịch của chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ chúng ta khỏi bị nhiễm trùng hoặc ít nhất là cố gắng bảo vệ chúng ta. Nhưng ở những người được chẩn đoán mắc bệnh Lupus, một căn bệnh mãn tính có biểu hiện là viêm, phát ban và đau toàn thân, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô hoàn toàn khỏe mạnh.

Điều này dẫn đến một loạt các triệu chứng có thể từ đau đầu và mệt mỏi đến đau khớp và sốt. Một triệu chứng khác liên quan đến bệnh Lupus là nhạy cảm với ánh sáng. Điều này được hiểu là người mắc bệnh Lupus có độ nhạy cảm cao hơn với ánh nắng mặt trời và một số loại đèn trong nhà.

Dưới đây là những điều bạn cần biết về sự nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn ánh sáng khác nếu bạn hoặc người thân đang sống chung với bệnh Lupus.

1. Mối quan hệ giữa ánh sáng mặt trời và bệnh Lupus

Theo Tổ chức Lupus của Mỹ (LFA), khoảng 40% đến 70% người được chẩn đoán mắc bệnh lupus cực kỳ nhạy cảm với tia cực tím (UV) do ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng nhân tạo như bóng đèn huỳnh quang và bóng đèn halogen (1).

Thực tế thì mọi người đều trải qua một số mức độ tác hại của tia cực tím tới da và các tế bào gọi là quá trình apoptosis (tạm dịch: chết tế bào theo chương trình). Tuy nhiên, các nhà khoa học qua các nghiên cứu cho thấy quá trình này xảy ra thường xuyên hơn mức bình thường ở da của người mắc bệnh Lupus có thể dẫn tới viêm và các biến chứng khác.

Khi các tế bào đã trải qua quá trình apoptosis, cơ thể sẽ loại bỏ các tế bào chết. Nhưng các chuyên gia cũng tin rằng, trong bệnh lupus, hệ miễn dịch loại bỏ các tế bào bị tổn thương bởi tia cực tím kém hiệu quả hơn (2). Điều đó có nghĩa là các tế bào chết tồn tại, dẫn đến phản ứng miễn dịch.

Bệnh Lupus ban đỏ trầm trọng hơn khi nắng nóng gay gắt: Hiểu sao cho đúng? - Ảnh 2.

Đối với những người mắc bệnh Lupus, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc một số ánh sáng nhân tạo nhất định có thể làm bùng phát các triệu chứng, bao gồm cả phát ban (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

 Các dấu hiệu bệnh lupus ban đỏ cảnh báo sức khỏe bạn đang gặp nguy hiểm

 Dị ứng da là gì? Hướng dẫn bảo vệ da khỏi tác nhân gây dị ứng đúng cách

Theo LFA , một số loại thuốc mà những người bị lupus dùng đôi khi có thể làm tăng thêm độ nhạy ánh sáng bao gồm:

- Thuốc kháng sinh (bao gồm doxycycline và tetracycline)

- Thuốc chống viêm (ibuprofen)

- Thuốc huyết áp (hydrochlorothiazide và lisinopril)

- Thuốc ức chế miễn dịch (methotrexate).

Cơ chế tác động ở đây là gì?

Tiếp xúc với tia cực tím có thể kích hoạt các đợt bùng phát bệnh lupus, dẫn đến phát ban, tổn thương và các triệu chứng khác (3). Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Học viện Da liễu Hoa Kỳ năm 2013 thì những người bị Lupus gặp các vấn đề sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời:

- Phát ban Malar: một dạng phát ban mịn màng hoặc có vảy gồ ghề trông tương tự như vết cháy nắng

- Phát ban hình cánh bướm ở má

- Phát ban dạng đĩa hoặc phát ban các mảng đỏ nổi lên

- Ngứa

- Cảm giác bỏng rát

- Xót.

Ngoài ra, tiếp xúc với tia cực tím từ ánh sáng mặt trời có thể dẫn đến bùng phát triệu chứng toàn thân. Cứ 3 người trong nghiên cứu thì có 1 người gặp phải các dấu hiệu như yếu hơn, mệt mỏi, nhức đầu hay đau khớp. Một người bị Lupus nhạy cảm với tia UV cũng có thể bị sốt hoặc gặp phải các triệu chứng tương tự như bệnh cúm (4).

Bệnh Lupus ban đỏ trầm trọng hơn khi nắng nóng gay gắt: Hiểu sao cho đúng? - Ảnh 3.

Tiếp xúc với tia cực tím từ ánh sáng mặt trời có thể dẫn đến bùng phát triệu chứng toàn thân (Ảnh: BMJ)

Theo một bài báo năm 2013 trên tạp chí Photodermatology, Photoimmunology, & Photomedicine, các phản ứng - có thể khác nhau ở mỗi người - có thể xuất hiện đến ba tuần sau khi tiếp xúc và có thể kéo dài trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần (5).

2. Người bị Lupus cần làm gì để bảo vệ bản thân trước ánh nắng mặt trời?

Mặc dù hầu như không thể che chắn bản thân khỏi mọi tia UV, nhưng có một loạt các biện pháp bảo vệ bạn có thể thực hiện để giảm tiếp xúc với tia UV và do đó, nguy cơ bùng phát bệnh Lupus của bạn.

2.1. Mặc quần áo che chắn

Che đầu bằng mũ rộng vành, mặc áo dài tay và quần dài để giúp hạn chế nhất diện tích da phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay các ánh sáng nhân tạo có thể gây kích ứng khác. Nên ưu tiên các loại quần áo là sợi vải chống tia UV.

2.2. Sử dụng kem chống nắng

Cho dù nắng nóng gay gắt hay râm mát thì người bị Lupus cũng đều nên sử dụng kem chống nắng. Hãy nhớ rằng, tia UV có thể đạt cực đại xuyên qua mây che phủ nên bạn cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 70 hoặc cao hơn để bảo vệ da khỏi tia UVA và UVB nhất là khi cần làm việc ngoài trời trong nhiều giờ liền.

Bệnh Lupus ban đỏ trầm trọng hơn khi nắng nóng gay gắt: Hiểu sao cho đúng? - Ảnh 4.

Cho dù nắng nóng gay gắt hay râm mát thì người bị Lupus cũng đều nên sử dụng kem chống nắng (Ảnh: Internet)

Điều này cũng đồng nghĩa bạn cần bôi kem chống nắng lại ít nhất 2 giờ một lần thậm chí là 1 giờ nếu như đổ mồ hôi nhiều hơạc đi bơi. Đảm bảo bôi kem chống nắng ở những khu vực tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như cổ, trán và tai. 

Nếu bạn nhạy cảm với ánh sáng từ thiết bị chiếu sáng trong nhà thì LFA cũng khuyên rằng bạn nên bôi kem chống nắng ngay cả khi ở trong nhà.

2.3. Hạn chế ra ngoài từ 10 giờ sáng - 14 giờ chiều

Đây là khoảng thời gian tia UV có xu hướng mạnh nhất, nhất là vào mùa hè. Và mặc dù bạn có thể sử dụng các biện pháp bảo hộ che chắn tốt nhưng nếu không cần thiết, hãy ở trong nhà vào thời điểm này.

2.4. Sử dụng tấm chắn tia cực tím

Sử dụng các tấm chắn tia cực tím cho cửa sổ nhà, cửa xe ô tô nếu có thể để giữ cho việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời tối thiểu nhất.

2.5. Đổi bóng đèn halogen bằng đèn LED

Mặc dù cần nghiên cứu thêm, nhưng LFA nói rằng một số người bị lupus báo cáo rằng ánh sáng LED dẫn đến ít phát ban hơn (6).

Nếu việc hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khiến bạn lo lắng về việc thiếu vitamin D, hãy nói chuyện với bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn về các cách thay thế để bổ sung vitamin, như bằng cách bổ sung vitamin D từ thực phẩm chức năng hoặc bằng cách ăn thực phẩm giàu vitamin D.

Tóm lại, tia UV của mặt trời có thể gây hại cho bất kỳ ai. Nhưng những người bị Lupus có nhạy cảm với ánh sáng nên hết sức cẩn thận khi bảo vệ mình khỏi ánh nắng mặt trời, cũng như một số ánh sáng nhân tạo. Đó là bởi vì tiếp xúc với tia cực tím có thể dẫn đến các triệu chứng lupus mới hoặc trầm trọng hơn.

Nếu bạn hoặc người thân đã được chẩn đoán mắc bệnh Lupus và bị nhạy cảm với ánh sáng, thì việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể là một nguyên nhân đáng lo ngại. Hãy nói chuyện với bác sĩ điều trị cho bạn để có được lời khuyên phù hợp trong hè này.

Nguồn dịch: Lupus and the Sun


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm