Bệnh mất trí nhớ ở người già: Hiểu đúng để chăm sóc ông bà, cha mẹ tốt hơn

QN
08/11/2021 - 08:30
Bệnh mất trí nhớ ở người già: Hiểu đúng để chăm sóc ông bà, cha mẹ tốt hơn
Quá trình lão hóa khiến bệnh mất trí nhớ thường xảy ra khi tuổi tác tăng cao. Biểu hiện của bệnh mất trí nhớ ở người già có thay đổi khác nhau tùy giai đoạn bệnh. Chúng đều gây các ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của bệnh nhân. Do đó, cần biết cách khắc phục đúng đắn khi bệnh mất trí nhớ ở người già xảy ra.

Bệnh mất trí nhớ ở người già là tên gọi dùng để chỉ tình trạng hay quên bất thường ở nhóm đối tượng này. Nó làm cho người già khó khăn khi ghi nhớ thông tin mới và/hoặc không thể hồi tưởng lại một sự việc trong quá khứ. Đồng thời có xu hướng nặng dần lên theo thời gian cùng với sự lớn lên của tuổi tác.

Đây không phải là một căn bệnh hiếm gặp ở người cao tuổi. Ngược lại, bệnh mất trí nhớ ở người già xuất hiện khá phổ biến trên thực tế. Nhất là khi tỷ lệ người cao tuổi trong xã hội ngày càng tăng lên.

1. Vì sao bị bệnh mất trí nhớ ở người già?

Lão hóa là một quá trình tự nhiên, không ai có thể tránh khỏi quá trình này. Lão hóa khiến chức năng của tất cả các cơ quan trong cơ thể bị suy giảm, bao gồm cả hệ thần kinh.

Người ta ước tính rằng, từ 25 tuổi trở lên sẽ có khoảng 3000 tế bào thần kinh bị chết đi mỗi ngày. Mà sự chết đi của các tế bào thần kinh là vĩnh viễn và sẽ không được thay thế như các loại tế bào khác. Khi tuổi tác càng lớn, tốc độ và số lượng chết đi của các tế bào thần kinh ngày càng tăng lên, nhất là khi trên 60 tuổi. Vì thế dẫn đến mối quan hệ mật thiết giữa lão hóa và bệnh mất trí nhớ ở người già.

Bên cạnh đó, các chất trung gian thần kinh ở người già cũng được tạo ra ít hơn. Nên sự trao đổi thông tin giữa các tế bào thần kinh không thể diễn ra bình thường. Gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ghi nhớ của bệnh nhân.

Các vấn đề bệnh lý nền, điều trị,... ở người già cũng có thể có các tác động đến hệ thần kinh và từ đó gián tiếp thúc đẩy bệnh mất trí nhớ ở người già.

Chẳng hạn, sức khỏe hệ tuần hoàn của người già bị suy giảm theo thời gian. Hay nói cách khác, chức năng của tim và các mạch máu không còn được đảm bảo và hoạt động kém hiệu quả. Hậu quả khiến cho tuần hoàn máu não bị suy giảm, các tế bào thần kinh dễ bị tổn thương do kém nuôi dưỡng. Từ đó càng thúc đẩy bệnh mất trí nhớ ở người già dễ dàng xảy ra hơn.

Ngoài ra, các tình trạng như chấn thương sọ não, đột quỵ não, stress, nghiện rượu, lạm dụng các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ,... đều là những tình trạng rất phổ biến ở người già. Chúng đều gây ảnh hưởng xấu lên hệ thống thần kinh. Do đó, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đãng trí của người già.

Tổng quan về bệnh mất trí nhớ ở người già - Ảnh 1.

Sự lão hóa có mối liên hệ mật thiết với bệnh mất trí nhớ ở người già (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

5 thói quen nhiều người vẫn đang làm hàng ngày khiến trí thông minh suy giảm

Sức khỏe mắt và chứng sa sút trí tuệ có mối liên hệ nào không?

2. Triệu chứng bệnh mất trí nhớ ở người già

Bệnh mất trí nhớ ở người già có đặc điểm là tăng dần mức độ theo tuổi tác. Do đó, khi mới bắt đầu nó có thể biểu hiện bằng các dấu hiệu rất nhẹ. Đôi lúc các triệu chứng mờ nhạt đến mức khiến người bệnh không quan tâm hoặc thậm chí là bỏ qua chúng.

Một số biểu hiện của bệnh mất trí nhớ ở người già trong giai đoạn đầu:

- Quên mất vị trí bản thân đã để các vật dụng như mắt kính, chìa khóa,...

- Không thể nhớ ra tên của một người, nhưng sau đó đột nhiên nhớ ra.

- Không nhớ ra mục đích điều mình muốn làm là gì.

- Thường xuyên quên mất các cuộc hẹn hoặc ngày kỷ niệm có ý nghĩa.

Theo thời gian, bệnh mất trí nhớ của người già sẽ dần nặng lên. Các triệu chứng bệnh mất trí nhớ cũng trở nên rõ ràng và dễ phát hiện hơn. Những biểu hiện có thể gặp bao gồm:

- Không thể nhớ ra một việc mà bản thân mới vừa làm xong, hoặc không nhớ mình đã uống thuốc, khóa cửa hay chưa,...

- Không thể nhớ được những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.

- Thường xuyên bị lạc đường, thậm chí bị lạc ngay trong chính căn nhà của mình.

- Quên mất việc bản thân phải thực hiện các sinh hoạt hằng ngày như tắm rửa, ăn uống,...

- Không nhận ra người quen, thậm chí là cả các thành viên trong gia đình.

- Gặp khó khăn khi thực hiện các công việc yêu cầu trải qua các bước tuần tự.

Tổng quan về bệnh mất trí nhớ ở người già - Ảnh 2.

Bệnh mất trí nhớ ở người già khiến họ hay quên những điều cần làm (Ảnh: Internet)

3. Cần làm gì khi bệnh mất trí nhớ ở người già xảy ra?

Bệnh mất trí nhớ ở người già chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, bởi nguyên nhân chủ yếu gây ra nó là do sự lão hóa của hệ thần kinh. Tuy nhiên, thực hiện một số điều sau đây có thể giúp cải thiện phần nào các ảnh hưởng do bệnh mất trí nhớ ở người già gây nên.

- Sự chăm sóc của người thân

Mất trí nhớ có thể khiến sinh hoạt của người già bị đảo lộn. Do vậy sự giúp đỡ của người thân là thực sự cần thiết với họ. Người thân hoặc bạn bè có thể giúp người già bị mất trí nhớ lên kế hoạch cho những việc mà họ phải làm một cách rõ ràng, nhắc nhở họ thức hiện điều này,...

- Tập thói quen ghi chép

Thói quen ghi chép là thói quen tốt nên tạo lập ở những bệnh nhân bị bệnh mất trí nhớ ở người già. Nội dung ghi chép là tất cả những điều mà người bệnh cần ghi nhớ bao gồm những điều họ đã làm, những việc họ phải làm, những người họ đã gặp và những nơi đã đi,... Đặt những ghi chép này ở nơi dễ quan sát như tủ lạnh, đầu giường hay nhà tắm. Đối với những việc cần phải làm, người già có thể gạch đi những nội dung mà mình đã làm để biết rằng mình đã thực hiện nó.

- Lên kế hoạch, tạo ra các lời nhắc nhở

Lời nhắc giúp cho người già bị bệnh mất trí nhớ biết rằng đã đến lúc họ cần phải làm điều gì đó. Chẳng hạn có thể kể đến như đồng hồ báo thức, điện thoại,... đều là những công cụ hữu ích để thiết lập lời nhắc cho người già. Chẳng hạn báo họ đã đến giờ ăn cơm, hoặc đã đến giờ phải uống thuốc,...

- Có vị trí cố định cho các vật dụng

Mất trí nhớ khiến cho việc tìm kiếm một vật dùng nào đó trở nên khó khăn hơn. Do đó, các vật dụng thường được dùng như mắt kính, chìa khóa, ví,... nên được đặt ở một vị trí cố đinh. Điều này giúp ích cho việc ghi nhớ và tìm kiếm chúng dễ dàng hơn vào những lần sau.

- Tạo môi trường yên tĩnh để ghi nhớ tốt hơn

Bệnh mất trí nhớ ở người nhà khiến họ khó ghi nhớ các thông tin mới. Nhất là khi có các yếu tố bất lợi như tiếng ồn, ánh sáng hoặc những người khác đi lại. Do đó, người già mắc bệnh mất trí nhớ nên được tạo môi trường yên tĩnh để khả năng ghi nhớ của họ hiệu quả hơn.

4. Cách phòng ngừa bệnh mất trí nhớ ở người già

Thông qua thực hiến sớm các biện pháp phòng tránh thích hợp, người già có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ xuống thấp hơn. Chẳng hạn có thể kể đến như:

- Chế độ ăn lành mạnh

Chế độ ăn lành mạnh có thể giúp tăng cường sức khỏe của hệ thần kinh, bảo vệ tốt hơn các tế bào não. Các loại thực phẩm giàu Omega-3 (cá hồi, quả óc chó, cá ngừ), trái cây, rau củ, sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt,... là những thực phẩm nên được ưu tiên sử dụng. Tuy nhiên, tốt nhất nên thảo luận với bác sĩ để nhận được lời khuyên dinh dưỡng hợp lý nhất.

- Bỏ các thói quen xấu

Các thói quen như hút thuốc, uống rượu đều tác động rất tiêu cực lên hệ thần kinh. Chúng làm giảm oxy nuôi dưỡng các tế bào thần kinh hoặc gây độc thần kinh. Những điều này làm cho mất trí nhớ dễ dàng xảy ra hơn. Vì vậy, ngừng hút thuốc lá và uống rượu là lời khuyên để phòng tránh bệnh mất trí nhớ ở người già.

- Tăng cường vận động thể lực

Vận động thể lực đầy đủ giúp cải thiện sức khỏe của nhiều hệ cơ quan, trong đó có hệ thần kinh. Nó làm cải thiện lưu lượng máu đến não, nuôi dưỡng não tốt hơn. Vì vậy người già cần tăng cường tần suất và cường độ các hoạt động thể lực để nâng cao sức khỏe bản thân.

- Giấc ngủ ngon

Ngủ không đủ giấc, ngủ không sâu giấc đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tế bào thần kinh ở hồi hải mã - nơi chịu trách nhiệm chính cho khả năng ghi nhớ. Do đó, ngủ đủ giấc cũng là cách để có thể cải thiện trí nhớ và khả năng ghi nhớ ở người già.

Tổng quan về bệnh mất trí nhớ ở người già - Ảnh 3.

Ngủ đủ giấc giúp phòng tránh bệnh mất trí nhớ ở người già (Ảnh: Internet)

- Duy trì các mối quan hệ xã hội

Duy trì những mối quan hệ là một trong các cách để tăng cường trí nhớ. Bởi những người già ít có các mối quan hệ xã hội thì hay bị mất trí nhớ hơn những người khác. Tương tác xã hội giúp giảm căng thẳng và đồng thời cũng kích thích sự hoạt động của não bộ hiệu quả hơn.

- Luyện tập trí não và khả năng ghi nhớ

Chơi các trò chơi trí tuệ (cờ vua, đố chữ, Sudoku), đọc sách báo, học tập những điều mới (nấu ăn, ngoại ngữ),... là những công cụ hữu ích để kích thích sự hoạt động của não bộ. Từ đó ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ ở người già.

Trên đây là giới thiệu sơ lược bệnh mất trí nhớ ở người già về nguyên nhân, triệu chứng, cách khắc phụ và phòng tránh. Nếu có thêm thắc mắc liên quan, hãy liên hệ thêm với bác sĩ để được giải thích đầy đủ và cụ thể hơn.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.drugs.com/cg/memory-loss-in-older-adults.html

2. https://www.helpguide.org/articles/alzheimers-dementia-aging/age-related-memory-loss.htm


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm