Thấy đất dưới chân mình như sắp sụp

02/08/2015 - 22:10
"Khi nghe bác sĩ chẩn đoán là bị ung thư tuyến giáp, tôi thấy đất dưới chân mình như sắp sụp. Giá mà tôi nghe lời khuyên của bạn bè đi khám sớm hơn!", chị Trần Lệ Quyên (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) kể về bệnh tật của mình.

Hối hận vì không đi khám sớm

Khoa Ngoại (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) một ngày trung tuần tháng 4 có nhiều phụ nữ đang chờ phẫu thuật và điều trị ung thư tuyến giáp. Giường bệnh của bà Nguyễn Thị Sửu (55 tuổi, ở xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nằm trong góc phòng số 3. Cuối giờ chiều, khá nhiều người thân từ quê lặn lội lên thăm bà Sửu, sau khi bà được phẫu thuật ung thư tuyến giáp.

Bà Sửu được bác sĩ thăm khám

Bà Sửu kể, cuối năm 2013, bà hay mệt mỏi, da khô, khi ăn nuốt khó trôi và có cảm giác đầy tắc ở cổ, khản giọng; khi xoa tay vào cổ, thấy có hạt nhân nhỏ bên trong. Nghĩ mình bị bướu cổ, bà nhờ người nhà đưa đến bệnh viện kiểm tra. Qua thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư tuyến giáp và khuyên nên phẫu thuật ngay để tránh những biến chứng. Theo như lời bác sĩ thì trường hợp của bà Sửu, bệnh đã toàn phát, cơ thể xuất hiện những rối loạn tại cổ do u chèn ép, xâm lấn.

Không riêng bà Sửu, nhiều bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp nhưng không biết mình mắc bệnh. Thậm chí, khi có một số biểu hiện, nhiều chị em cũng nghi ngờ nhưng thấy bệnh không phát tác ngay nên bỏ qua, đến khi khó chịu ở cổ họng mới đi viện khám và điều trị.

Chị Trần Lệ Quyên (33 tuổi, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang chờ được phẫu thuật chữa ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chia sẻ: "Cách đây vài tháng, mỗi khi nuốt, tôi có cảm giác gợn gợn, sờ vào cổ thấy nổi một cục u nhỏ. Khi tôi kể với bạn bè, mọi người khuyên tôi nên sớm đi khám vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh về tuyến giáp. Thế nhưng, công việc bận rộn, tôi cứ lần lữa mãi. Gần đây, tôi có những triệu chứng như nói khàn, nuốt khó, khối u trong cổ ngày càng to nên mới đến bệnh viện và bàng hoàng khi được bác sĩ chẩn đoán là bị ung thư tuyến giáp".

Chị Quyên như thấy đất dưới chân mình sắp sụp nhưng tia hy vọng bỗng lóe lên khi PGS.TS Trần Ngọc Lương thông báo, chị bị ung thư biệt hóa thể nang (khối u lành tính) nên vẫn có cơ hội chữa khỏi. Nếu để chậm thêm vài tháng nữa, khối u sẽ chuyển sang dạng ung thư không biệt hóa (ác tính) thì bác sĩ cũng đành “bó tay”. Bác sĩ Lương từng điều trị cho không ít bệnh nhân bị khối u ác tính vì chủ quan không đi khám sớm. Những trường hợp này dù có phẫu thuật và áp dụng các biện pháp điều trị tiên tiến thì thời gian sống cũng chỉ kéo dài thêm được mấy tháng.

Bệnh không có biểu hiện điển hình

Theo PGS.TS Trần Ngọc Lương, tỉ lệ nữ giới mắc ung thư tuyến giáp cao hơn nam giới, trong số bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện, có khoảng 85% bệnh nhân là nữ. Khoảng 80% số ca ung thư tuyến giáp hiện nay là ung thư biệt hóa thể nhú và ung thư biệt hóa thể nang (lành tính). Nếu người bệnh bị ung thư dạng này, 90% trường hợp sau mổ sống trên 10 năm. Bệnh nhân có thể điều trị bằng phẫu thuật, sau đó bổ sung iốt. Iốt được đưa vào cơ thể sẽ tập trung tại các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật để phá hủy những tế bào này. Ngoài ra, iốt còn giúp phòng chống bệnh tái phát. Trường hợp bệnh nhân bị ung thư dạng không biệt hóa, dạng kén biệt hóa (ác tính) thì sau mổ khoảng 6 tháng, bệnh nhân có thể sẽ tử vong, bởi dù khoa học tiến bộ nhưng vẫn chưa có cách điều trị hữu hiệu dạng ung thư này.

Ung thư tuyến giáp nguy hiểm nhưng bệnh không có biểu hiện điển hình, không gây đau đớn trong giai đoạn sớm nên hầu hết người bệnh chủ quan. Khi bệnh nhân thấy nuốt nghẹn, nói khàn, khó thở thì bệnh đã ở giai đoạn sau, nguy cơ bị khối u ác tính sẽ cao hơn.

Để phát hiện bệnh, bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ và thực hiện các xét nghiệm liên quan đến tuyến giáp, nhất là những trường hợp có người thân từng mắc bệnh. Bởi nếu mắc bệnh mà điều trị sớm thì cơ hội chữa khỏi sẽ cao hơn. Hơn nữa, sau khi phẫu thuật, việc theo dõi định kỳ sau điều trị bao gồm khám lâm sàng toàn thân, chụp X-quang, chụp xạ hình, xét nghiệm máu cũng rất quan trọng.

PGS.TS Trần Ngọc Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương

“Ung thư tuyến giáp có nhiều loại, gồm: ung thư biệt hóa thể nhú, ung thư biệt hóa thể nang, ung thư kén biệt hóa, ung thư không biệt hóa, ung thư tế bào vẩy, ung thư thể tủy… Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, mỗi ngày các bác sĩ thực hiện từ 22 đến 25 ca phẫu thuật liên quan đến tuyến giáp, trong đó khoảng 3-5 ca là ung thư.

Bệnh có thể do di truyền, đột biến gene. Hiện việc phẫu thuật ung thư tuyến giáp không quá phức tạp, bác sĩ có thể mổ hở hoặc nội soi để điều trị bệnh này. Với những trường hợp mắc bệnh bình thường, thời gian mổ khoảng 30 phút/ca, chi phí từ 3 đến 7 triệu đồng/ca. Bệnh nhân có thể xuất viện vài ngày sau mổ”.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm