Bé G.B (11 tuổi, ngụ TP.HCM) được phát hiện có khối u gan cách đây 6 tháng nhập viện Bệnh viện Quốc tế City điều trị. Trước đó, bé được gia đình đưa đi nhiều bệnh viện lớn để mong cứu chữa, nhưng vì yêu cầu của người nhà không cho truyền máu (gia đình bệnh nhân theo giáo phái Giê-hô-va) trong quá trình phẫu thuật nên các bệnh viện đều từ chối điều trị.
Vào sáng ngày 5/9, ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Quốc tế City đã phẫu thuật cắt khối u gan 10cm cho bé. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, ca mổ thành công tốt đẹp. Theo ý nguyện ban đầu của gia đình, các bác sĩ đã dùng máu của bé và hoàn trả lại cho bé qua hệ thống máy truyền máu hoàn hồi (Cell Saver) của bệnh viện.
Bác sĩ cũng cho hay, khi mổ u gan, khả năng chảy máu nhiều cần truyền máu là điều chắc chắn phải làm. Thêm vào đó là rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra như tử vong, suy thận, rối loạn đông máu, khả năng phải lọc máu… Tuy nhiên, vì tôn trọng quyết định của gia đình bệnh nhân không cho truyền máu nên bệnh viện chọn phương pháp truyền máu hoàn hồi.
Trong quá trình phẫu thuật cho bệnh nhi đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa các khoa. Cụ thể, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh phải nghiên cứu kỹ phân bố mạch máu nuôi khối u từ động mạch mạc treo tràng trên (10-20%) thay vì từ động mạch thân tạng. Với Khoa Gây mê hồi sức, các ekip bác sĩ phải thực hiện các thao tác như pha loãng máu trong mổ, hạ huyết áp chủ động khi cắt gan và truyền máu hoàn hồi bằng máy Cell Saver.
Bên cạnh đó, trong khâu gây mê, ê-kíp đã cho thuốc giảm đau ngoài màng cứng để sau khi hồi tỉnh, em bé sẽ ít đau, phục hồi sớm. Khi tới giai đoạn cắt gan, ekip bác sĩ gây mê chủ động cho huyết áp giảm xuống nên lượng máu chảy ít, chỉ khoảng 200ml.
Một tuần sau ca phẫu thuật, bé G.B đã được xuất viện. Hiện sức khỏe của bé hồi phục tốt và bé trở lại bệnh viện tái khám vào sáng ngày 19/9.
Theo bác sĩ, truyền máu hoàn hồi hay còn gọi là truyền máu tự thân là phương pháp lấy máu của bệnh nhân để truyền lại cho chính bệnh nhân thông qua thiết bị là máy Cell Saver.
Trong các phương pháp truyền máu hoàn hồi, hiện đại nhất là sử dụng hệ thống máy lọc máu tự động Cell Saver. Hệ thống máy này cho phép thực hiện tự động các khâu của quá trình thu gom máu bao gồm: lấy máu chảy từ phẫu trường, hòa trộn với chất chống đông máu, thực hiện chu trình lọc rửa hồng cầu, thu lại lượng hồng cầu sau quá trình rửa để truyền lại cho bệnh nhân. Quá trình này được thực hiện một cách nhanh chóng từ khi máu được hút về hệ thống máy tự động, nhờ vậy lượng máu chảy do vỡ các mạch máu của bệnh nhân gần như được lấy truyền lại ngay lập tức cho chính họ.
Hiện nay, Bệnh viện Quốc tế City đang áp dụng thường quy phương pháp này trong phẫu thuật cho bệnh nhân trong trường hợp thân nhân có yêu cầu mổ nhưng không muốn truyền máu.
PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường, Giám đốc Y Khoa Bệnh viện Quốc tế City cho biết, truyền máu hoàn hồi đặc biệt hữu ích vì có thể hoàn hồi đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể, hạn chế tối đa nhu cầu truyền máu, tránh được những biến chứng nguy hiểm của phương cách truyền máu đồng nhóm cổ điển, giúp giảm áp lực thiếu máu cho bệnh viện cũng như cho ngành y nói chung.