Bệnh ung thư 'lão Quềnh' và 'Lâm caro' mắc nguy hiểm cỡ nào?

05/09/2016 - 13:00
NSƯT Hán Văn Tình (lão Quềnh) vừa ra đi vì ung thư phổi, nghệ sĩ Minh Thuận (Lâm caro) nguy kịch vì căn bệnh này. Trước đó, chị Đậu Thị Huyền Trâm, cũng tử vong sau khi từ chối điều trị ung thư phổi để cứu con. Ung thư phổi là gì mà nguy hiểm đến vậy?
Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K TƯ, ung thư phổi là “một nhóm bệnh” chứ không phải một bệnh. Hiện hơn 80% bệnh nhân ung thư phổi phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3-4). Sở dĩ nhiều người phát hiện ở giai đoạn muộn vì nhiều triệu chứng của ung thư phổi mới đầu rất mập mờ, do đó dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác, gây khó khăn trong việc phát hiện sớm. Ung thư phổi sớm có thể không có triệu chứng đặc hiệu.
ung.jpg
Ung thư phổi giai đoạn đầu khó phát hiện 
Triệu chứng của bệnh ung thư phổi là những cơn ho khan thường xuyên. Sau đó, từ ho khan, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu có thể ho ra đờm, đặc biệt ho nhiều vào lúc gần sáng, đôi khi đờm dính thêm tí máu. Khi bệnh đã phát triển đến một mức nào đó, người bệnh thường xuyên bị viêm phế quản, viêm phổi, dẫn đến suy nhược cơ thể. Khi bệnh phát triển nặng hơn, có thể có các triệu chứng sưng phổi, nặng ngực, thở thấy nặng nhọc, thường xuyên thấy mệt mỏi...

Khi bị ung thư phổi, người bệnh có thể thấy các triệu chứng chung là có nhiều thay đổi xảy ra trong phổi và vùng ngực như ho dài dẳng và liên tục, đau ở lưng, ngực và vai, khó thở, ho ra máu, mất cảm giác ngon miệng, dễ bị chảy máu, nuốt khó, buồn ngủ, chóng mặt…

Những triệu chứng này có thể do ung thư phổi gây ra hoặc cũng có thể do các bệnh lý khác gây ra. Điều quan trọng là phải đến bác sĩ khám bệnh. Cần chú ý rằng, khoảng 13% bệnh nhân không biểu hiện bất cứ một dấu hiệu ung thư phổi nào như trên khi khối u của họ được phát hiện.

Hầu hết bệnh nhân phát hiện muộn
Cũng theo TS Thuấn, ung thư phổi rất nguy hiểm, tử vong cao. Hầu hết trường hợp ung thư phổi được phát hiện ở Việt Nam ở giai đoạn muộn, không còn chỉ định phẫu thuật. Thời gian sống sau khi được phát hiện rất ngắn. Do vậy, việc phát hiện sớm ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng.
han.jpg
NSƯT Hán Văn Tình vừa quan đời vì ung thư phổi 
Để phát hiện ung thư phổi, bác sĩ phải xem xét tiền sử của người bệnh, tiền sử hút thuốc, tiếp xúc với các chất ở môi trường tự nhiên và môi trường lao động, tiền sử ung thư của gia đình. Bác sĩ khám bệnh và có thể cho chụp X-Quang lồng ngực và làm các xét nghiệm khác. Nếu nghi ngờ ung thư phổi thì sẽ chỉ định làm thêm xét nghiệm tế bào trong đờm (quan sát dưới kính hiển vi những tế bào lấy từ mẫu dịch nhầy ở phổi khi ho) là một xét nghiệm đơn giản có thể có ích cho việc phát hiện ra bệnh ung thư. Để chẩn đoán xác định ung thư phổi, phải sinh thiết mô nhỏ ở phổi.

Khi đã phát hiện bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị cho từng trường hợp cụ thể như phẫu thuật, hóa trị liệu, tia xạ.

Cách tốt nhất để giữ cơ thể khỏe mạnh, phòng chống ung thư là ăn uống điều độ và ăn đủ loại thực phẩm vì mỗi loại thức ăn có những yếu tố dinh dưỡng khác nhau, đều cần thiết cho cơ thể. Ngưng hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi rất nhiều. Ngưng càng sớm càng tốt. Không hút thuốc lá là cách tốt nhất để ngừa ung thư phổi.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Trong số ca mắc mới, nam chiếm khoảng 56,8%, nữ 43,2%. Cũng theo nghiên cứu của Bộ Y tế, thống kê qua các năm, số lượng bệnh nhân nam mắc ung thư tại Việt Nam đều tăng. Đơn cử như ung thư phổi, năm 2000 là 29,3 ca/100.000 dân, đến 2010 đã tăng lên 35,1 ca/100.000 dân và 35,4 ca/100.000 dân năm 2012.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm