Bệnh viêm não mô cầu khiến bé gái tử vong không khó phòng tránh

02/06/2016 - 10:59
Thông tin bé gái 5 tháng tuổi, ngụ tại Q.11 (TPHCM) đã tử vong do viêm não mô cầu tại BV Bệnh Nhiệt đới thành phố khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên môn, phòng và tránh căn bệnh này không khó.
Theo BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bé V.H.N.Y. nhập viện chiều 28/5 trong tình trạng ít bú, quấy khóc, xuất hiện những đốm xuất huyết ở hai bên đùi, sốt cao, tím tái. Bệnh diễn tiến rất nhanh nên sau khoảng 8 giờ nhập viện, bé Y. đã tử vong. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi dương tính với vi khuẩn não mô cầu tuýp B.

Ngay khi nhận được báo cáo nhanh của BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã chỉ đạo và phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng quận 11, tiến hành những biện pháp xử lý và phòng chống dịch như phát thuốc, hướng dẫn gia đình khử khuẩn bằng Chloramin B; phát thuốc kháng sinh dự phòng cho người nhà, những người tiếp xúc với bệnh nhi và tư vấn người nhà tăng cường vệ sinh cá nhân, chủ động tiêm ngừa vaccine phòng bệnh.
Thông tin về bé Y. là ca bệnh viêm não mô cầu đầu tiên tại TP.HCM kể từ đầu năm đến nay và cũng là trường hợp tử vong đầu tiên trong năm, khiến không ít phụ huynh lo ngại về sự nguy hiểm của căn bệnh này.
Chị Bùi Thị Thu Thủy (30 tuổi), ngụ tại quận 11, cho biết, gia đình chị có 2 con nhỏ, con trai lớn 7 tuổi và con gái út mới 3 tháng tuổi. Trường hợp bé gái 5 tháng tuổi sinh sống trên địa bàn quận 11 đã tử vong do viêm não mô cầu khiến bà mẹ hai con này không khỏi hoang mang. 'Đây là bệnh truyền nhiễm, biến chứng và chuyển nặng nhanh nên tôi rất lo lắng'.

Cùng tâm trạng như chị Thủy, chị Hoài Thu (quận 7) cũng không tránh khỏi hoang mang khi con gái 18 tháng tuổi đang trong tình trạng sốt, bỏ bú, khò khè... trong suốt 2 ngày qua, khiến vợ chồng chị phải nghỉ làm để đưa con đi khám bệnh. Thông tin về bệnh não mô cầu càng khiến chị Thu bất an. 'Bác sĩ nói bé chỉ bị bệnh hô hấp, bé cũng đã được chích vaccine phòng viêm não mô cầu, nhưng không hiểu sao vợ chồng tôi vẫn rất sợ, đặc biệt là sau khi có bé 5 tháng tuổi tử vong do căn bệnh này...', chị Thu cho biết.
viem-nao-mo-cau-jpeg-1965-1464760314.jpg
Triệu chứng và lây lan của viêm não mô cầu
Chia sẻ với PNVN về bệnh viêm não mô cầu, TS Nguyễn Huy Luân, Phụ trách phòng khám Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, bệnh do một loại vi trùng Neisseria meningitidis gây nên. Bệnh có thể gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi nhưng thường gặp ở trẻ từ 2 tuổi trở lên. Trẻ mắc bệnh này thường có triệu chứng sốt, nhức đầu, nôn ói và có những biểu hiện ở thần kinh đi kèm cảm giác bứt rứt, kích thích. Khi khám, đầu trẻ sẽ có dấu hiệu là hóp một phần, không cúi xuống được, trong y khoa gọi là cổ gượng, dân gian thường gọi là cứng gáy.
maxresdefault.jpg
 Virus gây nên bệnh viêm não mô cầu. Ảnh: Youtube.com
'Bệnh gây nhiễm trùng não, nặng có thể dẫn đến phù não, tổn thương thần kinh trung ương. Biến chứng của tăng áp suất não sọ của phù não sẽ gây ra tử vong. Những biến chứng khác như áp xe trong não, tình trạng nhiễm trùng cũng có thể lan toàn bộ cơ thể, gây ra bệnh nhiễm trùng huyết và dẫn đến tử vong', TS Luân cho biết.

Theo TS Luân, viêm não mô cầu dù nguy hiểm và để lại nhiều biến chứng nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh, cách đơn giản và hữu hiệu nhất là tiêm ngừa vaccine. Hiện đã có vaccine ngừa viêm màng não do mô cầu. Tại Việt Nam, đã có 2 loại vaccine ngừa não mô cầu là AC và BC. Loại BC được tiêm ngừa cho trẻ từ 3 tháng trở lên. Loại AC thì dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Tất cả đều phải tiêm đủ 2 mũi.
vaccinesched.jpg
 Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả giúp phòng tránh viêm não mô cầu. Ảnh: Media.philly.com 
'Những loại vaccine này được tiêm cho các đối tượng sống trong vùng dịch hay phải đi đến vùng dịch. Cũng nên tiêm cho nhân viên y tế, những người sống trong một cộng đồng như các trung tâm chăm sóc trẻ em trường nội trú, doanh trại quân đội, nhà tù, vùng có mật độ dân cư cao hoặc các cộng đồng có báo cáo trường hợp nhiễm não mô cầu bởi người dân ở đây có nguy cơ phơi nhiễm cao. Vì chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên người dân cần đến các điểm tiêm chủng dịch vụ để được khám, tư vấn và chỉ định tiêm phòng đúng lịch', TS Luân khuyến cáo.
Bên cạnh đó, đề phòng lây lan bệnh, theo TS Luân, phụ huynh nên tránh cho trẻ ở nơi đông người, chăm sóc trẻ đúng cách để tránh lây nhiễm môi trường xung quanh như khi trẻ ho phải sử dụng khăn sạch, rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ. Những khu vực đã có trẻ bị viêm màng não thì phải khuyến cáo, đề phòng cho người xung quanh biết.

Còn theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; đảm bảo vệ sinh, nơi làm việc thông thoáng; chủ động tiêm phòng vaccine cho trẻ ở các cơ sở tiêm chủng dịch vụ; khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm