Khỏe

"Bệnh viện nhân đạo di động” chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng biên giới Đắk Nông

Chung Quốc Hưng 07/07/2020 - 12:55 PM
Với tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao, tỉnh Đắk Nông đang triển khai thực hiện “Chương trình 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dịnh dưỡng bà mẹ, trẻ em và nâng cao tầm vóc Việt”. Vừa qua, lực lượng Biên phòng, Hội chữ thập đỏ tỉnh và Câu Lạc bộ bác sĩ, dược sĩ TPHCM cùng các nhà hảo tâm đã đưa “bệnh viện di động” về khám, điều trị cho phụ nữ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới.

Tại xã Thuận An, có gần 2.000 lượt người, trong đó đa phần là phụ nữ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số M' Nông, Châu Mạ đến để được khám, chữa bệnh.

Để có nhiều người tham gia khám bệnh, trước đó, già làng Y Xoan cùng cán bộ y tế đến từng nhà vận động. Đích thân ông cũng đưa những gia đình khó khăn đến điểm khám. Ông phấn khởi cho biết: "Tôi thấy đợt khám bệnh lần này khám được nhiều bệnh cho trẻ em, phụ nữ và cấp phát nhiều thuốc. Người dân rất mừng".

Thực hiện Thông tư 30 của Bộ y tế về khám chữa bệnh nhân đạo, Câu lạc bộ Bác sĩ, Dược sĩ TPHCM cùng các nhà hảo tâm tổ chức khám bệnh tại Đắk Nông như một bệnh viên đa khoa thu nhỏ với gần 10 khoa. Trong đó ,có nhiều khoa thiết yếu điều trị cho phụ nữ và trẻ em như phụ khoa, siêu âm, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt với trang thiết bị hiện đại. 

Theo dược sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm CLB Dược sĩ, Bác sĩ tình nguyện TP HCM, đợt khám bệnh này, "bệnh viện di động" có thể tầm soát cả ung thư, với trên 150 loại thuốc, có thể cấp phát, điều trị dài ngày cho bệnh nhân. "Chúng tôi tập hợp những bác sĩ từ Nam, Trung đến Bắc đem kiến thức của mình cũng như các trang thiết bị hiện đại và thật nhiều thuốc để cấp phục vụ đồng bào, góp phần tích cực trong "chương trình 1.000 ngày phòng chống suy dinh dưỡng phụ nữ, trẻ em" của Chính phủ", dược sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho hay. 

Còn bà Đoàn Ngô Ngọc Uyển, Phó Đoàn tình nguyện TPHCM, thì thổ lộ: "Có đến đây mới thấy rõ những bệnh về dinh dưỡng của các em. Lý do là do ăn uống thiếu chất. Từ đó, chúng tôi có hướng tư vấn, điều trị hiệu quả. Có những trường hợp, chúng tôi cấp thuốc cho các bà mẹ và trẻ em đến 6 tháng".

Tỉnh Đắk Nông còn trên 30.000 hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể cân nặng của trẻ dưới 5 tuổi còn đến 21% và suy dinh dưỡng chiều cao tới 32,5%. Vì vậy, những "bệnh viện di động" như thế này có thể xử lí tốt một số bệnh cho phụ nữ và trẻ em là rất cần thiết. 

Ông Trần Khắc Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, cho biết: "Mô hình bệnh viện này rất thiết thực với địa phương, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi mong có nhiều chương trình như thế giúp cho địa phương". 

Đây là lần thứ 137, "bệnh viện di động" được tổ chức nhằm phục vụ đồng bào vùng khó khăn. Tại xã biên giới Thuận An, đoàn khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí cho gần 2.000 lượt bệnh nhân. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn