Bí ẩn khả năng lặn như rái cá của người Bajau

24/05/2018 - 19:00
Tộc người Bajau ở Indonesia từ lâu đã nổi tiếng về khả năng bơi lặn lâu như rái cá, thậm chí có người lặn đạt kỷ lục dài tới 13 phút. Đâu là bí quyết giúp người dân bộ tộc này có thể lặn lâu đến vây?
Vùng đất có những tiến hóa kỳ lạ
Bajau là tộc người “du mục biển”, sống di động khắp khu vực biển ở Sulawesi, Maluku, Kalimantan, Sumatera và Đông Nusa Tenggara của Indonesia. Phần lớn họ sống trong những ngôi nhà được xây dựng nhờ những chiếc cột ở vùng nước nông, hoặc trực tiếp trên thuyền. Hai đến sáu gia đình nhóm lại thành một liên minh để di chuyển để đánh bắt cá và chia sẻ thức ăn, cũng như sử dụng công cụ lao động.
 
Do đặc thù cuộc sống, nên tộc người Bajau từ lâu đã nổi tiếng về khả năng bơi lội không khác gì rái cá. Đây là hình thức tự tiến hóa để phù hợp với môi trường sống trên biển.
 
2-b.jpg
Người Bajau có thể lặn rất lâu để săn bắt hải sản
Các nhà khoa học phát hiện thấy, lá lách của người Bajau to hơn 50% người bình thường, giúp họ có thể lặn sâu tới 60-70m nước mà không gặp bất kì trở ngại nào. Ví dụ, có người lặn 13 phút liên tục không cần bình dưỡng khí, điều này những người bình thường không thể làm được. Họ chỉ cần những chiếc giáo dài, một chiếc kính bơi và mấy quả tạ để chìm khi săn bắt hải sản.
 
Người Bajau ngay từ bé đã sống trên sông nước nên trẻ em cũng có khả năng này, đặc biệt, lá lách to giúp họ tồn tại khi sống trong môi trường nước lạnh. Khi lặn sâu, nhịp tim giảm dần và lá lách bắt đầu phát huy vai trò điều tiết oxy cấp cho các cơ quan trong cơ thể.
 
Tiến hóa của người Bajau qua nghiên cứu khoa học
Để trả lời khả năng đặc biệt của tộc người Bajau, Tạp chí Cell mới đăng nghiên cứu dài kỳ của của nhóm chuyên gia ở Đại học California (Mỹ) và Copenhagen (Đan Mạch). Nghiên cứu phát hiện thấy khả năng sống dưới nước của người Bajau là nhờ kết quả di truyền qua nhiều thế hệ.
 
Đây là những tiến hóa mang tính “biện chứng” của loài người nói chung nhằm tồn tại trong môi trường khắc nghiệt. Theo nghiên cứu, biển cả là nhà đối với người Bajau, nên khả năng “thở bằng mang” như cá là điều có cơ sở. Tộc người Bajau có lịch sử hơn 1.000 năm tồn tại bằng nghề săn bắt thủy hải sản, lặn ngụp dưới nước nên họ phải lặn giỏi hơn tộc người săn bắn trên đất liền.
 
2-a.jpg
Nhờ tiến hóa, tộc người Bajau có thể lặn lâu dưới nước để săn bắt hải sản hiệu quả hơn

 Trong nghiên cứu, nữ tiến sĩ Melissa Ilardo ở Đại học Copenhagen đã đến các làng chài của người Bajau ở bán đảo Sulawesi, trực tiếp tuyển dụng 43 người Bajau và 33 người Saluan để tham gia nhằm tìm hiểu tường tận cơ chế sinh học và hoạt động gene của cơ thể họ. Ilardo đã đo kích thước lá lách của những người này bằng máy siêu âm và lấy mẫu nước bọt để giải mã gene.

 
Sở dĩ, Melissa Ilardo quan tâm đến lá lách vì nó là bộ phận khá lớn của động vật có vú lặn biển. Kết quả, bà phát hiện thấy lá lách của người Bajau lớn hơn khoảng 50% so với người Saluan. Đặc biệt, Melissa Ilardo đã xác định được lượng lớn các gene của người Bajau giúp họ thích nghi với cuộc sống đại dương, đặc biệt là gene PDE10A, chi phối việc sản xuất ra hormone tuyến giáp, tác động đến kích thước của lá lách.
 
“Tộc người Bajau đã trải qua một quá trình biến đổi thích nghi nhanh, trong đó hormone tuyến giáp của họ đã tăng lên rõ rệt làm cho kích thước lá lách to ra. Nó giống như ở loài chuột, khi biến đổi di truyền để chuột không còn hormone tuyến giáp T4, thì kích thước lá lách của loài gặm nhấm này cũng giảm đi rõ rệt”, TS Melissa Ilardo kết luận.
 
Ngoài ra, nhóm đề tài còn tìm thấy một biến thể cạnh gene BDKRB2, gene duy nhất trước đây được tìm thấy có liên quan đến khả năng lặn của con người, nhưng không liên quan đến lá lách. Điều này thực sự là một thách thức mới về tiến hóa mà các nhà khoa học muốn khám phá tiếp theo.
 
Cũng trong nghiên cứu, nhóm đề tài đã tính toán được, với lách to, người Bajau có thể cung cấp thêm cho cơ thể khoảng 10% lượng tế bào máu bổ sung cho cơ chế tuần hoàn so với những người có lách bình thường. 

Theo nhiều nhà học, nghiên cứu của 2 đại học này giúp chúng ta hiểu rõ thêm về cơ chế tiến hóa, đồng thời giúp con người hiểu sâu về mối tương tác giữa di truyền và sinh lý. Tương lai, sẽ có nhiều  hướng nghiên cứu mới để giúp y học tìm ra liệu pháp điều trị bệnh thiếu oxy mô cấp tính, tức oxy trong các mô của cơ thể bị tụt nhanh. Như trong trường hợp ngưng thở khi ngủ hoặc bệnh tim phổi và nhiều chứng bệnh nan y khác liên quan đến hô hấp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm