Bí ẩn vụ người đàn ông đẹp nhất nước mỹ sát hại Tổng thống Lincoln
20/09/2017 - 07:37
152 năm đã trôi qua từ khi Abraham Lincoln, vị Tổng thống Mỹ đã xóa bỏ chế độ nô lệ, bị ám sát. Tuy nhiên đối với nhiều người Mỹ, vụ án mạng này cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn với nhiều giả thuyết và sự ngờ vực xung quanh động cơ vụ ám sát.
Vụ án mạng xảy ra tối ngày 14/4/1865 trong một buổi biểu diễn kịch tại nhà hát Ford ở Washington. Hung thủ đàng hoàng vào khoang riêng của vợ chồng tổng thống Abraham Lincoln, rút súng bắn từ phía sau vào đầu Tổng thống.
Sau đó, hung thủ nhảy lên sân khấu hét lớn về phía khán giả "Sic semper tyrannis!", có nghĩa là "Tất cả bạo chúa đều kết thúc như thế!". Đó là câu nói của Brutus khi đâm chết Cäsar thời La mã.
Hơn 1.500 khán giả trong nhà hát phấn kích. Họ tưởng đây là một phần trong vở kịch, vì hung thủ là John Wilkes Booth, một diễn viên nổi tiếng! Tiếng la hét của Mary Todd Lincoln, phu nhân Tổng thống, bị chìm đi trong tiếng hò reo và tiếng cười của khán giả.
Mãi đến khi hung thủ chạy ra khỏi nhà hát, cùng một tên đồng bọn lên ngựa phóng đi mất, mọi người mới biết Abraham Lincoln bị thương. Ít giờ sau đó, Lincoln chết trong bệnh viện – 6 ngày sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Mỹ và giải phóng cho tất cả nô lệ trên đất nước này.
Hung thủ - "người đàn ông đẹp nhất nước Mỹ"!
Sau vụ ám sát, quân đội và cảnh sát tủa ra khắp nơi truy lùng hung thủ đã giết chết Tổng thống Mỹ. Booth là một diễn viên nổi tiếng, mệnh danh là "người đàn ông đẹp nhất nước Mỹ". Vốn là một kẻ cuồng tín ủng hộ các bang miền Nam thua trận trong cuộc nội chiến, hắn đã trả thù bằng cách giết chết Lincoln.
Tuy Booth thực hiện vụ ám sát trót lọt nhưng tất cả đồng bọn của hắn lại tỏ ra khá vô dụng. Ví như George Atzerodt phải bắn Phó Tổng thống Andrew Johnson nhưng tên này nốc nhiều rượu quá nên không thể ra tay được. Còn Lewis Powell chỉ bắn bị thương Ngoại trưởng William Seward.
Sau vụ ám sát, Booth trốn về Virginia, ẩn náu trong một kho cỏ khô. Hắn thất vọng, vì ở miền Nam hắn không được chào đón, ca ngợi như hắn mong đợi. Ngày 26/4, binh lính tìm ra nơi ẩn náu của Both. Kẻ ám sát Lincoln cũng chết như nạn nhân của hắn: bằng một phát đạn vào đầu. 4 đồng bọn khác trong nhóm ám sát của Booth lần lượt bị xử tử hình trên giá treo cổ.
Sự trả giá của Both và đồng bọn đã là thỏa đáng hay vẫn còn những kẻ giật dây đứng sau được thoát tội? Cho đến tận ngày nay, 1/3 người dân Mỹ vẫn không tin Booth và nhóm của hắn đã đơn thương, độc mã hành động.
Có không ít những giả thuyết được đưa ra: Tại sao vào thời điểm xảy ra vụ ám sát, vệ sĩ của Lincoln không gác cửa vào khoang ngồi của vợ chồng Tổng thống, mà lại ung dung ngồi trong quán bar uống rượu ? Cái chết của Lincoln có lợi cho ai ?
Thế lực nào là kẻ chủ mưu?
Bà Mary, vợ của Lincoln, trước hết nghi ngờ nhất Phó Tổng thống Andrew Johnson. Hai vợ chồng bà đều coi ông này hoàn toàn không có năng lực. Johnson là người của đảng Dân chủ từ các bang miền Nam và được đưa vào ngôi vị Phó Tổng thống trước hết vì để tạo ra một cơ cấu chính trị cân bằng.
Tuy có kế hoạch ám sát Johnson nhưng kế hoạch đó lại không được thực hiện. Điều đó làm người ta càng nghi ngờ ông này hơn, nhất là sau khi Lincoln bị sát hại, Johnson nghiễm nhiên trở thành Tổng thống Hoa Kỳ.
Sau vụ ám sát, người ta nhanh chóng tập trung các mối nghi ngờ vào các bang miền Nam thù địch. Tuy nhiên, thủ lĩnh các bang miền Nam là Jefferson Davis đã rất bàng hoàng, khi nhận được tin về vụ ám sát. "Tôi có cảm giác, Johnson là một gã đàn ông đầy hận thù, khác rất xa với tính cách rộng rãi, quảng đại của Lincoln", ông nói. Một ủy ban điều tra đã không chứng minh được Jefferson Davis liên quan đến cái chết của Lincoln.
Sau này còn xuất hiện những giả thuyết kỳ lạ khác về âm mưu sát hại Lincoln. Theo đó, triều đại ngân hàng của dòng họ Rothschild người Do Thái đã móc nối với ngoại trưởng của các bang miền Nam là Judah Benjamin tham gia lên kế hoạch vụ ám sát. Nếu Lincoln bị loại bỏ, giá sợi bông sẽ lên cao, đem lại lợi lộc cho người Do Thái. Dù vậy, đã không ai tìm ra được chứng cứ cho giả thuyết này.
Bên cạnh người Do Thái, Giáo hoàng cũng rơi vào vòng nghi ngờ. Năm 1885, cựu linh mục Charles Chiniquy viết trong hồi ký của ông ta rằng, nhà thờ Dòng Tên đã ám sát Tổng thống Mỹ theo lệnh của Tòa thánh Vatican, để làm nước Mỹ yếu đi, nơi phần lớn giáo dân theo đạo Tin lành.
Một nước cờ chính trị?
Nhiều chục năm sau vẫn tồn tại các phỏng đoán, giả định. Năm 1937, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh của Lincoln là Edwin Stanton rơi vào tầm ngắm.
Theo Otto Eisenschiml, một tác gia người Áo, Stanton đã ra lệnh cho tướng Grant không được đến nhà hát hôm đó, mà lẽ ra hôm đó ông này phải ngồi cùng Lincoln trong khoang của Tổng thống. Người ta còn cử một vệ sĩ tồi đến bảo vệ Lincoln, vì tay vệ sĩ này thích uống rượu hơn là gác khoang của tổng thống. Ngoài ra, Stanton còn lo liệu cho Booth thoát khỏi Washington sau khi gây án.
Trên thực tế, lý do Grant không đến nhà hát hôm đó thật đơn giản. Vợ của Grant rất ghét Mary Lincoln, nên đã nài nỉ chồng ở nhà!
Người Do Thái, những đối thủ chính trị, hội tam điểm – hầu như không có hội đoàn nào là không bị cho là dính líu đến vụ ám sát Tổng thống. Phe các bang miền Nam bại trận còn đưa ra giả thuyết là một nhóm thương nhân có thế lực miền Bắc đã cho trừ khử Abraham Lincoln, vì ông ta ngăn cản những kế hoạch kinh doanh của họ ở các bang miền Nam.
Lincoln muốn thực thi chính sách mềm mỏng với các bang miền Nam để đưa các bang đó trở lại với liên minh Hoa Kỳ. Những đệ tử của giả thuyết này coi nhận xét của một trong những thủ lĩnh của phe dân chủ Benjamin Allen là bằng chứng cho giả thuyết của họ.
Năm 1864, ông này đã dự báo: "Nếu họ không thắng được Lincoln trên bàn bầu cử, thì họ sẽ thắng bằng một viên đạn".