Bị bán sang Trung Quốc, người phụ nữ trốn thoát nhờ băng vệ sinh

02/12/2016 - 19:27
'Mỗi tháng tôi nói với chủ nhà mua cho 4 gói băng vệ sinh nhưng tôi chỉ dùng 1 gói, rồi lẻn ra cửa hàng gần nhà trả lại họ 3 gói. Cứ thế tôi tích cóp trong gần 1 năm để có tiền trốn về Việt Nam'.
ngoan-1.jpg
Chị Nguyễn Thị Ngoan, một trong những nạn nhân bị buôn bán sang Trung Quốc trốn thoát trở về nhà.

Người phụ nữ nhỏ bé nhưng chứa đựng nghị lực sắt đá, sự tinh nhanh ấy tên là Nguyễn Thị Ngoan (SN 1974), ở thôn Núi Đông, xã Hoàng Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nhiều người không khỏi ngậm ngùi khi nghe chị kể về quá khứ kinh hoàng kéo dài hơn 1 năm bị lừa bán, khổ ải ở xứ người.

Không bị bán sang Trung Quốc để lấy chồng mà bị bán sang làm lao động khổ sai cho nhà chủ, chị đã thực hiện cuộc đào tẩu ngoạn mục trở về với gia đình, với người thân. Hiện giờ chị Ngoan đã có việc làm ổn định, nhưng đôi lúc trong giấc ngủ, chị vẫn bị ám ảnh với chuyện trong quá khứ.

ngoan-3.jpg
Chị Ngoan ngại ngùng kể chuyện bớt từng gói băng vệ sinh để đem bán, tích tiền trốn thoát khỏi xứ người. 

Mẹ mất khi Ngoan lên 4 tuổi, bố lấy vợ hai, cả tuổi thơ của cô bé chẳng có ngày nào yên ả. Lớn lên, Ngoan lấy chồng khi vừa bước qua tuổi 20, nhưng vợ chồng chẳng ở được với nhau, Ngoan bỏ vào Đồng Nai làm công nhân nhà máy chế biến thủy sản. Bôn ba mãi, cuộc sống vẫn khốn khó trăm bề.

Năm 2008, chị về quê, được thôn tạo điều kiện cấp đất dựng tạm một mái nhà nhỏ nhưng không có tiền để làm cánh cửa. Lúc đó trong xóm có người tên Thơm, lấy chồng bên Trung Quốc, đã mấy lần dẫn chồng về làng chơi. Thơm tới nhà Ngoan rủ rê: “Sang Trung Quốc chặt mía thuê cho nhà em, năm nào em cũng phải thuê mấy người bên Lạng Sơn sang làm. Chị sang đó làm mà kiếm tiền mua bộ cánh cửa”.

Thấy hợp lý, Ngoan theo Thơm sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Thơm đưa chị đến 1 gia đình có 7 người, ngủ ở đó 1 đêm thì Thơm về. Nhà họ chuyên trồng mía, thuộc vùng sâu của tỉnh Quảng Tây. Công việc của chị là sáng quẩy cháo ra đồng, làm việc cùng họ, tối về nhà hôm nào cũng phải giặt quần áo cho cả nhà xong mới được đi ngủ.

Ở đấy được gần 2 tháng mà không thấy nhà chủ trả tiền lương, lúc đó chị cũng đã biết một chút tiếng Trung, chị hỏi tiền công thì bị nhà chủ xúm vào đánh cho một trận tơi bời. Họ nói đã mua chị từ tay Thơm với giá 30.000 tệ rồi, bây giờ chị phải làm người ở cho nhà họ suốt đời.

“Từ đó, đêm nào tôi cũng khóc và tìm cách trốn khỏi đây. Tôi nghĩ ra cách gian lận trong việc mua băng vệ sinh, cứ thế kiên trì trong 1 năm thì tiết kiệm đủ tiền xe để về Việt Nam. Đợi hôm chủ nhà đi làm về mệt, tôi bỏ lại tất cả tư trang, lặng lẽ lẻn qua cửa chạy trốn lên đồi. Đi được khoảng 4 tiếng thì thấy 5 chiếc xe máy đuổi theo. Tôi bèn chui vào bụi mía nấp, đêm đói thì bẻ mía ăn...”, chị Ngoan kể lại.

Chị Ngoan đi bộ suốt đêm, gần sáng thì tới điểm đón xe, vì vẫn nhớ số xe, màu sơn của chiếc xe hồi Thơm đưa tới đây, chị bèn lên xe đi suốt 1 ngày thì hết bến. Xuống xe vừa đói vừa mệt, chị vào ngồi ở góc chợ thì có 1 phụ nữ cho ăn 2 cái bánh nướng và 1 cốc nước. Ăn xong, thấy tủi thân, chị ngồi khóc một mình thì gặp 1 phụ nữ người Việt tên là Luyến, quê Nam Định.

ngoan-2.jpg
Sau khúc đoạn trường của đời mình, giờ chị Ngoan mong gặp được người đàn ông biết cảm thông, chia sẻ.

Chị Ngoan về nhà Luyến ở 13 ngày. Trong những ngày đó, Luyến đưa nhiều người Trung Quốc đến xem mặt chị, định để bán tiếp nhưng chị Ngoan không chịu và nói: “Chị bán tôi được bao nhiêu, chị đưa tôi về Việt Nam, tôi sẽ trả chị từng đó, vì hiện nay tôi đã có hơn 100 triệu tiền đền bù ruộng ở nhà”. Thấy chị Ngoan cương quyết, vợ chồng Luyến đã đưa chị về tận nhà. Giữ đúng lời hứa, khi về tới nhà, chị Ngoan đưa cho Luyến 10 triệu đồng.

Sau hơn 1 năm lưu lạc trên đất Trung Quốc, cuối năm 2010, chị Ngoan đã tìm về đến nhà. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, hiện chị làm công nhân của 1 nhà máy giấy ở khu công nghiệp gần nhà, với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Chị bộc bạch: “Tôi cũng mong có 1 người đàn ông có thể chia sẻ và cảm thông ở bên mình mỗi ngày, hoặc nếu không thì tôi sẽ tìm 1 đứa trẻ để nuôi cho đỡ cô quạnh”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm