pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bị chảy nước mũi trong như nước liên tục là bệnh gì?
Hầu như ai cũng có thể bị chảy nước mũi trong vào một thời điểm nào đó. Sổ mũi đặc biệt phổ biến hơn khi thời tiết thay đổi (chẳng hạn như giai đoạn giao mùa) hoặc vào các mùa dị ứng, mùa bệnh hô hấp gia tăng. Với mỗi nguyên nhân gây chảy nước mũi khác nhau thì triệu chứng cũng sẽ có sự khác biệt. Trong đó, bị chảy nước mũi trong như nước liên tục có thể có nhiều nguyên nhân gây ra.
Chảy nước mũi cũng có thể chỉ xảy ra trong thời gian ngắn ở người này nhưng cũng có thể kéo dài ở người khác. Màu sắc nước mũi có thể là màu trong như nước, màu xanh lá cây, màu vàng, màu trắng đục hoặc thậm chí mà màu hồng có lẫn máu.
Ở một vài trường hợp bị sổ mũi có thể dai dẳng, dễ tái phát và cần phải gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Bị chảy nước mũi trong như nước liên tục là bệnh gì? Ảnh: ST
1. Nguyên nhân gây chảy nước mũi trong như nước là gì?
Chảy nước mũi là trạng thái tăng sản xuất chất nhầy mũi khi mô trong mũi bị viêm nên thường được biết chung là viêm mũi. Chất nhầy dư thừa có thể chảy ra từ mũi, chảy xuống phía sau cổ họng (còn gọi là chảy dịch mũi sau) hoặc cả hai. Theo Healthline, dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến một người gặp tình trạng chảy nước mũi trong suốt liên tục mà bạn có thể tham khảo.
Lưu ý rằng, các thông tin dưới đây không thể thay thế cho chẩn đoán từ bác sĩ. Hãy thăm khám bác sĩ sớm nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng kéo dài, ngay cả khi đã sử dụng các biện pháp giảm sổ mũi tại nhà.
- Viêm mũi dị ứng
Dị ứng là nguyên nhân phổ biến gây chảy nước mũi liên tục. Khi dị ứng ảnh hưởng tới mũi có thể gọi là viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng được định nghĩa là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng thái quá với một dị nguyên nào đó (thường là vô hại) như phấn hoa, không khí lạnh, mạt bụi, nấm mốc, mùi nồng, lông thú cưng... Dẫn tới tình trạng viêm ở mô bên trong mũi và khiến người bị viêm mũi dị ứng bị chảy nước mũi liên tục.
Dịch mũi do viêm mũi dị ứng thường loãng và có màu trong suốt như nước. Tình trạng viêm mũi dị ứng có thể kéo dài nếu tác nhân gây kích ứng không được giải quyết. Ngoài bị chảy nước mũi trong liên tục thì bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng viêm mũi dị ứng như: Hắt hơi nhiều lần, nghẹt (ngạt) mũi, ngứa mũi, ngứa mắt, mắt đỏ hoặc chảy nước mắt, phù nề hoặc sưng nhẹ mí mắt, ho kích ứng, khó chịu và cáu kỉnh (đặc biệt ở trẻ em).
- Viêm mũi không dị ứng
Viêm mũi không dị ứng là thuật ngữ dùng để mô tả các triệu chứng ở mũi phát triển nhưng không phải do dị ứng hoặc nhiễm trùng gây ra. Các nhà khoa học cho rằng tình trạng này có thể xảy ra khi lưu lượng máu trong mũi tăng lên dẫn tới sưng và tăng sản xuất chất nhầy mũi.
Mặc dù nguyên nhân sinh học chính xác của viêm mũi không dị ứng vẫn chưa được biết đến chính xác nhưng có một số yếu tố có thể kích hoạt tình trạng này, bao gồm:
+ Thực phẩm: Các triệu chứng như bị chảy nước mũi trong liên tục có thể xuất hiện bất cứ lúc nào khi bạn ăn, đặc biệt là chảy nước mũi do ăn cay, đồ nóng hoặc uống rượu.
+ Thuốc: Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, aspirin); thuốc tránh thai đường uống; thuốc chẹn beta; thuốc chống trầm cảm; lạm dụng thuốc xịt thông mũi...
+ Chất gây kích ứng: Khói thuốc lá, ô nhiễm, bụi, khói hóa chất, nước hoa,...
+ Thay đổi thời tiết: Chẳn ghạn như thay đổi nhiệt độ và độ ẩm.
+ Thay đổi hormone: Có liên quan tới mang thai, kinh nguyệt hoặc bệnh suy giáp.
+ Căng thẳng: Khi mức độ căng thẳng tăng cao, viêm mũi không dị ứng có thể bị kích hoạt.
Các triệu chứng của viêm mũi không dị ứng có thể gặp như: Bị chảy nước mũi trong và loãng; nghẹt mũi; chảy dịch mũi sau; hắt hơi; ho. Đây có thể là tình trạng mãn tính (kéo dài) dai dẳng, xảy ra rồi biến mất hoặc xảy ra vào những thời điểm cụ thể trong năm.
- Nhiễm trùng do virus
Các nhiễm trùng do virus như cảm lạnh thông thường hoặc cúm tấn công các mô trong mũi và cổ họng. Để phản ứng lại, mũi sẽ tăng tiết chất nhầy để giúp loại bỏ virus xâm nhập gây bệnh, từ đó dẫn tới tình trạng chảy nước mũi dai dẳng với nước mũi màu trong suốt.
Ngoài chảy nước mũi thì nhiễm trùng do virus đường hô hấp cũng có thể gây ra các triệu chứng khác như: Ho, hắt hơi, sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, đau họng.
Điều quan trọng mà bạn cần chú ý đó là sự xuất hiện và tần suất của một số triệu chứng sẽ phụ thuộc vào loại virus gây bệnh là gì. Chẳng hạn chảy nước mũi sẽ là triệu chứng phổ biến hơn khi bị cảm lạnh thông thường hơn là bị cúm.
Chảy nước mũi do bị cảm lạnh thông thường có thể kéo dài từ 10 - 14 ngày. Đối với cúm, hầu hết các triệu chứng sẽ biến mất trong 3 - 7 ngày, đôi khi ho và mệt mỏi do cúm có thể kéo dài tới hai tuần hoặc lâu hơn.
- Sổ mũi khi mang thai
Một số bà bầu có thể bị nghẹt mũi, hắt hơi sổ mũi khi mang thai mà không có tiền sử nhiễm trùng, dị ứng hay các tình trạng mũi khác.
Theo Healthline, các nhà nghiên cứu tin rằng những thay đổi về hormone như estrogen và progesterone trong thời kì mang thai có thể dẫn tới tình trạng sổ mũi khi mang thai do lưu lượng máu trong mũi tăng, dẫn tới tình trạng viêm và tăng tiết chất nhầy dư thừa ở mũi.
Các triệu chứng của chứng viêm mũi khi mang thai có thể bắt đầu vào mọi thời điểm trong thai kỳ nhưng thường các triệu chứng này được báo cáo phổ biến hơn trong tam cá nguyệt thứ 3 và các triệu chứng biến mất ngay sau khi sinh.
- Polyp mũi
Polyp mũi là một khối u lành tính (không phải ung thư) phát triển trong khoang mũi - đây là kết quả của tình trạng viêm mãn tính ở mũi hoặc có liên quan tới các tình trạng sức khỏe khác như hen suyễn và dị ứng.
Polyp mũi có thể dẫn tới các triệu chứng như bị chảy nước mũi trong liên tục hoặc nghẹt mũi, chảy dịch mũi sau, giảm khứu giác hoặc vị giác, đua hoặc tăng áp lực xoang mặt, đau đầu.
- Dị vật trong mũi
Đôi khi sự hiện diện của dị vật trong mũi có thể gây kích ứng mô trong mũi và dẫn tới viêm và chảy nước mũi liên tục. Đôi khi nước mũi có thể lỏng và trong suốt nhưng cũng có thể chứa mủ hoặc máu và thường có mùi hôi thối.
Dấu hiệu có dị vật trong mũi khác có thể gặp bao gồm: Cảm giác mũi bị tắc, hắt hơi, đau đầu.
- Rò rỉ dịch não tủy
Dịch não tủy là chất lỏng trong suốt như nước bao quanh não có tác dụng bảo vệ. Không chỉ não, dịch não tủy còn như một tấm đệm giúp cột sống khỏi bị chấn thương. Dịch não tủy cho phép nước, các phân tử nhỏ và protein di chuyển giữa các mô đang hoạt động của não và máu từ các động mạch và tĩnh mạch.
Rò rỉ dịch não tủy thường xảy ra do: chấn thương sọ não (chiếm 80 - 90% nguyên nhân rò dịch não tủy ở người trưởng thành), biến chứng của phẫu thuật, một số dị tật bẩm sinh, tăng áp lực nội sọ hoặc rò dịch não tủy tự phát.
Triệu chứng rò rỉ dịch não tủy có thể kể đến như: Bị chảy nước mũi trong liên tục nhưng chỉ chảy ra từ một bên lỗ mũi; có thể mất khứu giác hoàn toàn. Triệu chứng không cải thiện khi sử dụng thuốc cảm lạnh hay thuốc dị ứng.
Khi bị rò rỉ dịch não tủy, vi khuẩn có thể lây lan từ bên trong thông qua đường mũi và xoang từ lỗ trên màng cứng xâm nhập vào lớp niêm mạc xung quanh não. Điều này dẫn tới viêm màng não do vi khuẩn có thể đe dọa tới tính mạng.
2. Làm gì để hết sổ mũi?
Để giảm tình trạng sổ mũi, bạn có thẻ:
- Sử dụng bình rửa mũi chuyên dụng để làm sạch khoang mũi.
- Thử sử dụng thuốc thông mũi không kê đơn nếu bị nghẹt mũi kèm theo sổ mũi. Thuốc thông mũi sẽ giúp giảm viêm và giảm áp lực nhưng không được sử dụng trong thời gian dài.
- Dùng thuốc kháng histamin không kê đơn hoặc corticosteroid dạng xịt mũi để giảm các triệu chứng do dị ứng gây ra như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi.
- Uống đủ nước giúp chất nhầy trong mũi loãng hơn và dễ dàng đẩy ra ngoài hơn.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm cho không khí mỗi khi hít vào, điều này cũng giúp làm loãng chất nhầy trong mũi và giảm kích ứng niêm mạc nếu dị ứng do không khí khô.
- Tránh xa các dị nguyên có thể gây ra các triệu chứng chảy nước mũi trong liên tục.
- Xì mũi nhẹ nhàng vào khăn giấy.
3. Khi nào bị chảy nước mũi trong liên tục cần thăm khám bác sĩ?
Mặc dù tình trạng chảy nước mũi thường sẽ khỏi khi được chăm sóc tại nhà đúng cách nhưng đôi khi, chảy mũi kèm theo các triệu chứng dưới đây cho thấy cần phải được thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị phù hợp với nguyên nhân gây chảy nước mũi liên tục:
- Sổ mũi không hết sau 10 ngày.
- Sốt cao.
- Các triệu chứng nhiễm trùng do vi khuẩn như sốt, chất nhầy mũi chuyển sang màu xanh lục hoặc màu vàng (lưu ý màu sắc nước mũi chỉ là một dự đoán không chính thống là nhiễm trùng do vi khuẩn hay virus và không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ tại bệnh viện).
- Chảy nước mũi có lẫn máu.
- Dịch mũi trong suốt chảy ra sau một chấn thương ở vùng đầu.
Nhìn chung, có nhiều tình trạng sức khỏe có thể gây ra chảy nước mũi trong liên tục. Hầu hết các nguyên nhân có thể được điều trị và giảm nhẹ tại nhà.