pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bị đuổi chỉ vì không đạt KPI, cô gái công sở mới ngớ người nhận ra: Nỗ lực là cả quá trình chứ không phải quyết tâm trong chốc lát
Ngọc Mai là nhân viên kinh doanh của một agency sáng tạo có tiếng trong ngành. Thời buổi khó khăn, các công ty phải đẩy mạnh việc nâng cao doanh số để đảm bảo hoạt động kinh doanh được diễn ra trơn tru. Vì lẽ đó, áp lực đặt lên vai đội ngũ kinh doanh là rất lớn. Quá nhiều agency mọc lên càng khiến yếu tố cạnh tranh trong nghề này trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Ổn định ở agency này đã hơn 1 năm, Ngọc Mai cũng không cảm thấy quá lo lắng vì cứ nghĩ nếu có cắt giảm, cũng là mấy đứa mới vào chứ việc gì mà đến mình. Tuy nhiên, mọi việc không hề đơn giản như cô nghĩ, sau 2 tháng “chạy” không đủ số, Mai bị sếp gọi vào phòng nói chuyện một cách nghiêm túc và thẳng thắn nhắc nhở.
Giật mình, Mai mới bắt đầu sốc lại tinh thần để quyết tâm bù đắp những lơ là trong một vài tháng vừa qua. Tuy nhiên, không may thay, tháng tiếp theo, thành tích của cô vẫn chỉ gần đạt con số mục tiêu. Mai đành ngậm ngùi dọn dẹp đồ đạc và rời khỏi văn phòng.
Câu chuyện của Mai vốn không phải là điều gì đó quá lạ lẫm đối với dân công sở. Chỉ một phút lơ là, sơ sẩy, chúng ta đã phải trả một cái giá quá đắt. Đối với những nhân viên kinh doanh, đó là câu chuyện về những con số và chỉ tiêu cũng như KPI.
Tuy nhiên, có phải khi kết quả công việc không được như chúng ta kỳ vọng đồng nghĩa với việc chúng ta đã thất bại và chẳng thu hoạch được gì sau một quãng thời gian cố gắng? Nếu sự thật phũ phàng như vậy thì còn mấy ai dám cố gắng cũng như đặt hết tâm sức bản thân dành cho công việc.
Mặc dù kết quả không như mong cầu nhưng trước hết đừng quá áp lực và hãy thư giãn vì ít nhất trong quá trình chúng ta cũng đã gặt hái được không ít những thành quả và đó chính là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những cá nhân suy nghĩ tích cực và không từ bỏ:
1. Kết quả ra sao, không phải lúc nào cũng do ta quyết định
Trong cuộc sống, có những lúc gặp phải sự can nhiễu vô tình hay cố ý từ bên ngoài, diễn biến của sự tình vượt ngoài dự liệu, nên dù chúng ta có cố gắng hết sức, dốc toàn lực ứng phó, cũng không thể đạt được kết quả như mong đợi. Bởi trên thực tế, có những sự tình không phải lúc nào cũng do ta quyết định.
Có những lúc gặp phải sự can nhiễu vô tình hay cố ý từ bên ngoài dù có dốc toàn lực ứng phó, cũng không thể đạt được kết quả như mong đợi. Nên nếu cứ mãi sống trong quá khứ, mịt mùng với những nghĩ suy về thất bại, chúng ta sẽ chẳng còn đủ năng lượng cũng như tâm sức để bước tiếp về phía trước.
2. Dù không đạt được kết quả như ý, cũng không phải không thu hoạch được gì
Dù không đạt được kết quả tốt nhất mà bản thân mong đợi, chúng ta cũng không phải chịu vất vả một cách vô ích. Bởi lẽ, mặc dù không thể đạt được mục tiêu, nhưng trên hành trình chinh phục đích đến ấy, chúng ta đã gặt hái được rất nhiều thành quả ở mỗi chặng dừng, đó có thể là nâng cao được thể lực, hoặc học được những kỹ năng mới, rèn luyện được năng lực mới, mở rộng thế giới quan, gặp được những người bạn mới và làm giàu thêm mối quan hệ của bản thân
Những thu hoạch này, có thể chẳng là điều gì quá to tát ở thời điểm hiện tại, nhưng tích lũy dần dần, vào một ngày nào đó trong tương lai, tất cả những thứ đó sẽ trở thành trợ lực to lớn mà chúng ta không ngờ đến.
3. Chỉ để ý đến kết quả, trái lại sẽ trở thành chướng ngại
Vì quá mong muốn kết quả, nhiều người dễ lâm vào cảnh lo sợ nếu không đạt được mục tiêu, để rồi dẫn đến tình trạng giậm chân tại chỗ, mỗi một bước đều phải suy tính trước sau, hiệu suất làm việc lại trở nên càng thấp kém.
Nếu quá xem trọng kết quả, thì khi kết quả không như dự định ban đầu, chúng ta sẽ khó tránh khỏi cảm giác thất vọng, cảm thấy bản thân không đủ tốt hoặc tệ hơn là nảy sinh cảm xúc tiêu cực, oán trách điều kiện xung quanh. Để rồi sau tất cả, niềm tin của chúng ta dần sụp đổ, bản thân không còn động lực để có thể học tập, làm việc cũng như trau dồi và thử sức thêm lần nữa.
Hơn hết, điều quan trọng mà chúng ta cần mang theo chính là tâm trạng cống hiến và nhiệt tình làm việc, buông bỏ thói quen chăm chăm nhìn vào kết quả để thấy tâm hồn của mình luôn luôn khoáng đạt, mọi việc cũng nhờ đó mà trở nên tốt đẹp. Cũng vì vậy, người xưa mới có câu nói “không cầu mà được”.